Đường ven chân sóng
13:0', 30/12/ 2006 (GMT+7)

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) gồm 5 tỉnh, thành phố (TP) từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định. Khu vực này sẽ trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng, thúc đẩy phát triển toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các khu kinh tế (KKT), các dự án lớn của VKTTĐMT đều nằm dọc bờ biển; bên cạnh là những khu du lịch biển. Vì vậy, một tuyến giao thông đường bộ dọc duyên hải miền Trung đã hình thành, nối liền các vịnh biển đẹp, các KKT, tạo ra những cú hích, mở thêm những động lực mới cho sự phát triển của toàn vùng.

 

Đường ven biển Cát Tiến - Tam Quan. Ảnh: H.H

 

* Con đường đánh thức tiềm năng

Sau cầu Thuận An (cầu cũ đưa vào sử dụng từ năm 1989, cầu mới đang thi công) tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây cầu Trường Hà vượt phá Tam Giang và đang thi công cầu bắc qua cửa biển Tư  Hiền, nối tiếp quốc lộ 49 chạy dọc phá Tam Giang - đầm Cầu Hai với quốc lộ (QL) 1A ở phía nam; nay mai sẽ nối cửa biển Tư Hiền với cảng biển Chân Mây. Vùng ốc đảo gồm 12 xã của huyện Phú Vang và Phú Lộc cũng không còn bị chia cắt với “đại lục”; chấm dứt thế độc đạo vào-ra khu vực này bằng đường bộ qua cầu Thuận An.

Nằm giữa mũi Chân Mây và đèo Hải Vân là khu du lịch (KDL) sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô với vị trí, đặc điểm địa lý rất lý tưởng, được định hướng phát triển với nhiều phân khu chức năng. Đầu thập niên này Tổng cục Du lịch đã quy hoạch Bạch Mã-Cảnh Dương-Hải Vân, Non Nước vào 4 vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Tại đây đã khởi động một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi hẳn bộ mặt của vùng biển Cảnh Dương - Lăng Cô. Đó là con đường nối QL 1A với cảng Chân Mây; đường ven biển Chân Mây - Lăng Cô và các đường nhánh nối qua QL 1A, nối với tuyến đường chạy ven đầm Lập An… Lăng Cô trở nên hấp dẫn và sôi động hơn kể từ khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, phát huy tác dụng tốt. Tuyến đường ven biển Cảnh Dương, Lăng Cô hoàn thành; cảng biển Chân Mây đi vào hoạt động, KDL Lăng Cô chuyển động mạnh là bước khởi đầu cho sự hình thành một khu đô thị mới, kết nối chặt chẽ với Đà Nẵng sôi động, TP động lực của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Sau khi hoàn thành tuyến đường ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước, dài hơn 12km, Đà Nẵng tiếp tục xây cầu Thuận Phước vượt cửa sông Hàn, nối đường Liên Chiểu - Thuận Phước ôm vòng cung Vũng Thùng với đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Cầu dài 2.220m, kinh phí đầu tư khoảng 700 tỉ đồng. Đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc dài 24km, vốn đầu tư khoảng  400 tỉ đồng, là con đường mở rộng đô thị về phía biển và là bước đột phá quan trọng của chiến lược phát triển du lịch biển, phát huy tiềm năng thế mạnh biển, góp phần tạo ra một Đà Nẵng diện mạo mới. Hai tuyến đường ven chân sóng đã kích hoạt nhiều dự án lớn, có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, triển khai tại đây;  một số dự án đã đi vào hoạt động; tập trung vào 2 khu vực bán đảo Sơn Trà và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Mới đây, trong tháng 11-2006 UBND thành phố Đà Nẵng đã ký thoả thuận với 2 nhà đầu tư 2 dự án lớn, tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD…

Tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc đã được nối liền với tuyến Non Nước - Cửa Đại (Hội An) từ đầu năm 2006 đã làm cho “khu công nghiệp không khói” từ bãi biển Hà My đến Cửa Đại có tỷ lệ lấp đầy nhanh nhất. Đã có khoảng 20 dự án nhà đầu tư phân bổ gần kín chiều dài hơn 15 km bờ biển. Trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động, 4 dự án đang triển khai, số còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Từ Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã tạo ra được một hành lang giao thông đường bộ ven biển nối liền từ cảng Chân Mây đến Cửa Đại. Trong nay mai, khi các tuyến Tư Hiền - Chân Mây, tuyến Hội An - Chu Lai được thực thi thì hành lang này sẽ kết nối từ cảng Thuận An cho đến  cảng Kỳ Hà. Không dừng lại ở đó, những dự án đường ven biển sẽ tiếp tục triển khai để kết nối cảng Kỳ Hà với Dung Quất và Dung Quất với Sa Huỳnh, rồi Sa Huỳnh với Tam Quan. Để bảo đảm yêu cầu kết nối các KKT theo hành lang biển đòi hỏi mỗi địa phương trong VKTTĐMT đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường đi qua lãnh thổ song song với việc đầu tư xây dựng các điểm nhấn chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội.

Một mũi đột phá khác đã được mở ra sớm hơn ở Bình Định. Đó là tuyến đường du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu (Phú Yên-QN-SC)  dài trên 30km, nay trở thành QL 1D, đưa QL vào gần với trung tâm thành phố Quy Nhơn. Tuyến này nằm trong quy hoạch phát triển du lịch sinh thái của Bình Định nên đã tác động tích cực đến sự hình thành nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển, tạo được sự hài hoà giữa các KDL với cảnh quan môi trường. Khu Life Resort Quy Nhơn là dự án lớn đầu tiên đã hoạt động ở tuyến QN-SC, với phong cách kiến trúc mang dấu ấn văn hoá Chăm, tạo được sự gần gũi, hài hoà với thiên nhiên nhờ đưa yếu tố văn hoá bản địa vào Resort hiện đại. Trên con đường này còn có một số dự án du lịch đang được chuẩn bị đầu tư.

Ngoài tuyến đường QN-SC, Bình Định đã khánh thành tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan dài 107km. Trong tháng 12-2006 cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Thị Nại thuộc tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội kết nối TP Quy Nhơn với các huyện phía bắc theo hành lang ven biển, qua trung gian KKT Nhơn Hội. Bị bao bọc bởi ba mặt là biển, đầm và núi, không gian đô thị của Quy Nhơn từ lâu đã chật chội. Sau khi hoàn thành tuyến đường QN-SC nhằm mở rộng đô thị về phía nam, và phá bỏ thế độc đạo của TP Quy Nhơn, Bình Định đã đột phá ra phía bắc, lên phía tây, và tiếp tục vươn sang bán đảo Phương Mai đang hoang hoá với ý tưởng biến nơi này trở thành một “Khu phố Đông” sôi động với không gian kiến trúc hiện đại. Nhơn Hội - Tam Quan cũng sẽ là một tuyến du lịch sinh thái và du lịch biển quan trọng của Bình Định. Điều đáng nói là, cầu Thị Nại, dài 2.500m, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội (vốn đầu tư 581 tỉ đồng) dài trên 7km, trong đó có cầu Thị Nại, đã mở toang cánh cửa Đông Bắc TP Quy Nhơn, đồng thời, tạo tiền đề xây dựng thành công KKT Nhơn Hội.

Đèo Lộ Diêu - Đoạn thi công khó nhất của tuyến đường ven biển Cát Tiến - Tam Quan. Ảnh: Đào Tiến Đạt

* Vẫn đang cần nhiều “con đường” mới

Rõ ràng những tuyến đường ven biển miền Trung không phải làm ra chỉ để phát triển du lịch mà đây còn là tuyến đường huyết mạch có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản, vận chuyển sản phẩm của các làng cá, làng nông… Đường ven biển miền Trung góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu hợp lý giữa các vùng lãnh thổ trong mỗi địa phương, đô thị hoá các khu vực nông thôn, phát triển kinh tế vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biến những vùng đất “tiềm năng” bị ngủ quên từ bao đời nay thành những vùng “đất mở”.

Định hướng phát triển cho VKTTĐMT đã rõ. Cùng với QL 1A, các tuyến đường cao tốc trên trục Bắc-Nam, đường Trường Sơn công nghiệp hoá ở phía tây, những con đường dọc duyên hải miền Trung là con đường khai thác, phát triển du lịch và kinh tế biển, con đường đổi đời cho ngư dân và nông dân ven biển. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa đủ nội lực và vẫn chưa hội đủ các điều kiện để sớm đạt được những mục tiêu, yêu cầu nói trên. Các KKT là những hạt nhân cho sự phát triển nhảy vọt của cả vùng duyên hải miền Trung và của cả nước trên tất cả các lĩnh vực: công nghiệp hoá và hiện đại hoá, hội nhập và đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới… Mặt khác, các KKT trong VKTTĐMT nằm cận kề bên nhau nếu không được quy hoạch và quản lý vĩ mô, cứ để vận hành tự phát thì “lợi thế” rất dễ trở thành “thất thế”. Vì thế, khu vực này vẫn đang cần nhiều “con đường” mới, nhiều cú “hích” mới cùng với một cơ chế đặc thù cụ thể, rõ ràng để phát triển bền vững, phát triển nhảy vọt.

  • Thanh Tùng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ  (30/12/2006)
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)
Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  (30/12/2006)
Kết thúc truy lùng Phạm Văn Hải  (30/12/2006)
“Hãy thắp một ngọn lửa”  (30/12/2006)
Chiếc hũ đất nung độc bản  (30/12/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)
Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên  (30/11/2006)
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)