Khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN và các dự án trong KKT Nhơn Hội:
Khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới
13:41', 30/12/ 2006 (GMT+7)

Ngày 12-12-2006, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công khu công nghiệp (KCN) và các dự án trong khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH). Đây là một sự kiện lớn, là niềm mong ước của toàn thể cán bộ và nhân dân Bình Định trong việc tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên cùng với các địa phương khác trong cả nước.

 

Các lãnh đạo Trung ương và địa phương tham quan cầu Thị Nại. Ảnh: N.T

 

* Con đường “đổi đời”

Sau bao nỗ lực, ngày 12-12-2006, cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam- đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng, thoả được ước nguyện ngàn đời của người dân Bình Định, đặc biệt là đối với cư dân các xã bán đảo Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải của TP Quy Nhơn. Có tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội (QN-NH), khu vực bán đảo Phương Mai trước đây vốn là vùng sâu, vùng xa, nay sẽ được kéo về gần với nội thành Quy Nhơn, cuộc sống của hơn 10.000 cư dân ở các xã bán đảo này sẽ có điều kiện phát triển vươn lên.

Từ ngày cầu Thị Nại khởi công, Chính phủ có Quyết định thành lập KKTNH, người dân ở các xã bán đảo luôn dõi theo tiến độ của từng nhịp cầu, từng động thái của KKTNH để nắm bắt cơ hội làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Gần 2 tháng trở lại đây, ở các xã bán đảo này đã xuất hiện nhiều cái mới, nhiều sự đổi thay lớn trong đời sống vật chất và tinh thần. Lâu nay cuộc sống của bà con nơi đây phụ thuộc vào những chuyến biển được - mất. Còn bây giờ, các hoạt động thương mại, dịch vụ, một số nghề mới đã và đang phát triển ở các địa phương này. Lần đầu tiên, ở các xã bán đảo Phương Mai có tuyến xe khách đến Quy Nhơn. Bà con nơi đây gọi tuyến cầu đường QN-NH là con đường đổi đời. Bây giờ Quy Nhơn có gì thì ở đây có thứ đó; học sinh đi học, bà con đi chữa bệnh ở bệnh viện TP, bệnh viện tỉnh đã dễ dàng và nhanh chóng hơn... Trong thời gian qua, chính quyền và người dân ở các xã bán đảo của TP Quy Nhơn đã “đón đầu” sự ra đời của KKTNH; đã có trên 50 thanh niên đang theo học các lớp trung cấp, công nhân kỹ thuật tại Quy Nhơn. Số học sinh đang học phổ thông cũng đã được gia đình hướng nghiệp theo học các ngành nghề để sau này có thể xin vào làm việc ở các nhà máy trong KKT.

Ngoài ý nghĩa phục vụ dân sinh, tuyến cầu đường QN-NH còn có ý nghĩa lớn lao hơn, là tiền đề cho việc xây dựng thành công KKTNH, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định và cả khu vực phía Nam vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cùng với Tây Nguyên. Tuyến cầu đường này đã góp phần tạo thành một trục giao thông liên hoàn chạy suốt từ TP Quy Nhơn qua các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo thêm một trục giao thông mới từ Quy Nhơn đến sân bay Phù Cát, thiết lập một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kéo theo nhiều cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội và đánh thức tiềm năng của cả một dải đất ven biển của tỉnh. Các nhà chuyên môn trong và ngoài nước đều đánh giá cao sự ra đời của tuyến cầu đường QN-NH và KKTNH. Đây thật sự là một điểm nhấn, là biểu trưng cho quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và toàn thể cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định.

 

Cầu Thị Nại trong ngày khánh thành. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Hành trình phát triển mới

Trong ngày lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN và các dự án trong KKTNH, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đánh giá cao sự năng động sáng tạo và những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định trong việc xây dựng tuyến cầu đường QN-NH và sự hình thành KKTNH. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, cầu Thị Nại chính là biểu trưng cho sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định, nhằm tạo tiền đề xây dựng thành công KKTNH. Chỉ mới 1 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập KKTNH, các nhà đầu tư đã ghi vốn 3,5 tỉ USD; điều này rất đáng phấn khởi.

KKTNH được thành lập theo Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg ngày 14-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng với mục tiêu từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị, công nghiệp- dịch vụ- du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo quy hoạch, KKT này có diện tích 12.000 ha, gồm 2 khu chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu thuế quan có các chức năng, như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp phong điện, khu cảng biển và kho trung chuyển quốc tế, khu đóng tàu biển, khu du lịch, khu đô thị. Khu phi thuế quan gắn với cảng phi thuế quan có các hoạt động chính là sản xuất hàng xuất khẩu, thương mại, dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, xúc tiến thương mại…

KKTNH nằm ở vị trí thuận lợi về giao lưu thương mại, là một trong những trung tâm trên tuyến hàng hải quốc tế và liên vùng; là cực phát triển phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gắn với quốc lộ 19 và các KKT cửa khẩu Đức Cơ, Bờ Y (Kon Tum) và sẽ bắt nhịp cùng các KKT Vân Phong (Khánh Hoà); Dung Quất (Quảng Ngãi); Chu Lai (Quảng Nam); Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đưa duyên hải miền Trung vươn lên cùng hai đầu đất nước.

Tại buổi lễ khởi công, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình tại KKTNH, và mong muốn sẽ được chính quyền, Ban Quản lý KKTNH tạo điều kiện thuận lợi, hợp tác cùng phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã hứa, Bình Định quyết tâm sẽ bằng nỗ lực cao nhất để biến KKTNH trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh Bình Định xin cam kết với các nhà đầu tư là sẽ xem công việc của nhà đầu tư cũng như công việc của chính mình. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định sẽ cùng các nhà đầu tư đoàn kết một lòng, phấn đấu xây dựng KKTNH thành một KKT tầm cỡ của cả nước, góp phần đưa Bình Định phát triển toàn diện, nhanh chóng và bền vững.

  • Ngọc Thái

Một số dự án đã khởi công trong KKT Nhơn Hội

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Nhơn Hội- khu A do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Nhơn Hội làm chủ đầu tư, với quy mô: 630ha, vốn đầu tư 678 tỉ đồng. Dự án khu du lịch Rainbow resort tại Trung Lương - Phù Cát do Công ty TNHH Mỹ Tài làm chủ đầu tư, có quy mô 16 ha, vốn đầu tư 80 tỉ đồng. Dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch Nhơn Hội do Công ty TNHH Quốc Thắng làm chủ đầu tư, có quy mô 74,6ha, vốn đầu tư: 181 tỉ đồng. Dự án hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông cho KKT do Công ty Thông tin viễn thông Điện lực làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 105 tỉ, trong đó giai đoạn 1 là 19,9 tỉ đồng. Dự án đường trục chính KKT do Ban Quản lý KKT Nhơn Hội làm chủ đầu tư, có quy mô: 15,5km, mặt cắt 65m và 80m; tổng mức đầu tư: 393,6 tỉ đồng, giá trị các gói thầu xây lắp đã đấu thầu: 282,95 tỉ đồng. Dự án cấp nước KKT Nhơn Hội giai đoạn 1 do Công ty Cấp thoát nước Bình Định làm chủ đầu tư, có quy mô: 12.000m3, vốn đầu tư 45,6 tỉ đồng. Dự án cấp điện KKT Nhơn Hội do Điện lực Bình Định làm chủ đầu tư, có quy mô đầu tư: 213 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 1: 26,4 tỉ đồng.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một số hình ảnh về Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN Nhơn Hội và các dự án trong KKT Nhơn Hội  (30/12/2006)
Những công trình đầy ấn tượng  (30/12/2006)
Đường ven chân sóng  (30/12/2006)
Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ  (30/12/2006)
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)
Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  (30/12/2006)
Kết thúc truy lùng Phạm Văn Hải  (30/12/2006)
“Hãy thắp một ngọn lửa”  (30/12/2006)
Chiếc hũ đất nung độc bản  (30/12/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)
Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên  (30/11/2006)
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)