Bình Định - Trung tâm công nghiệp của khu vực - phục vụ kháng chiến và kiến quốc
13:59', 30/12/ 2006 (GMT+7)

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, chưa được bao lâu thì nhân dân ta lại phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, vận mệnh của dân tộc ta lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, phản ảnh ý chí và nguyện vọng của nhân dân, ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước.

 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946 (tự bút của Người).

 

Vào lúc 20 giờ ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân cả nước “… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Người kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”.

Đáp lời kêu gọi cứu nước vang dội cả núi sông, thống thiết của Hồ Chủ tịch, cả nước nhất tề đứng lên chống Pháp, cứu nước, bảo vệ thành quả của Cách mạng đã giành được.

Bình Định, với đặc điểm nằm trong vùng tự do, đã trở thành hậu phương vững chắc, chi viện to lớn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, nhất là trên chiến trường các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Do vậy, ngay từ đầu bước vào cuộc kháng chiến, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, đã sớm xây dựng nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp. Nổi bật là ngành sản xuất vũ khí (quân giới), dệt may, xà phòng, giấy, cơ khí…, tận dụng máy móc, thiết bị ở các cơ sở kinh tế dưới thời Pháp thuộc và đội ngũ công nhân lành nghề như: dệt, đường sắt, ga ra, thợ thủ công rèn, đúc…, cuối năm 1946 có 8.000 công nhân viên chức tăng lên 12.600 người vào năm 1948 và 28.300 người vào năm 1951. Năm 1951, toàn tỉnh có 17 xí nghiệp công nghiệp, với 3.314 công nhân.

Ngành sản xuất vũ khí (quân giới): Tháng 9-1945, lập xưởng Hoàng Hoa Thám (đứng chân tại An Khê, lúc này thuộc tỉnh Bình Định), phục vụ cho mặt trận phía tây. Máy móc, dụng cụ đồ nghề hầu hết lấy từ các công sở: Công chánh, Nhà đèn, xưởng dệt Đờ-li-nhông, Hoả xa và một số gara sửa chữa ôtô của tư nhân. Xưởng có nhiệm vụ thu nhặt súng, đạn của giặc Pháp - Nhật để lại, sửa chữa phục vụ cho bộ đội, làm súng tiểu liên, độ chế súng phóng.

Xưởng Quang Trung (còn có phiên hiệu X0 300 - QB310), thành lập tháng 10-1946, đóng tại Bình Hoà (Hoài Ân), tập hợp công nhân chủ yếu ở Hoài Nhơn, thợ đúc ở Ân Thường (Hoài Ân), lúc đầu có 50 công nhân, tăng lên 100 công nhân vào năm 1947, 200 công nhân vào năm 1948. Trong 5 tháng đầu mới thành lập, công nhân đã phục hồi 500 súng các loại, nhiều đạn pháo, đạn súng trường và trung liên, tiểu liên. Từ năm 1947 - 1948 trở đi, nhờ sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tận tuỵ nghiên cứu của cán bộ công nhân, thực hiện chuyên môn hoá sản xuất; riêng lựu đạn đạt 1.000 quả/tháng.

Xưởng dân quân Võ Nghiêm (X048 - QB340) của tỉnh, thành lập tháng 10-1946 tại Tân Bình (xã Hoài Châu - Hoài Nhơn). Xưởng có nhiệm vụ sửa chữa và sản xuất vũ khí trang bị cho dân quân, du kích tỉnh Bình Định. Cơ sở vật chất lúc đầu được trưng dụng từ xưởng sản xuất xà phòng thuộc Công ty Việt Thắng đặt ở trường học Minh Viên- Tam Quan. Lúc đầu có 30 người, đến năm 1950 lên đến 100 người, sản xuất 4.000 quả lựu đạn/tháng.

Xưởng Phạm Hồng Thái (X042), thành lập tháng 3-1947 tại Cự Nghi (xã Hoài Hảo - Hoài Nhơn), được giao nhiệm vụ sản xuất lựu đạn dập kiểu Nhật, sửa chữa súng cho các đơn vị thuộc Trung đoàn 120 (trung đoàn ở tỉnh Bình Định). Cuối tháng 6-1947, xưởng được tách ra thành 2 xưởng: X042 và X044 (xưởng X044 chuyển về Mỹ Hiệp-Phù Mỹ).

Từ cuối năm 1947, các ngành sản xuất vải, giấy, xà phòng được hình thành và phát triển ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ngành sản xuất xà phòng có 3 xưởng ở Bồng Sơn, Tam Quan (Hoài Nhơn). Ngành vải có hàng ngàn khung cửi trong dân, nổi lên nghề dệt ở thị trấn Bình Định, Đập Đá (An Nhơn), (có 200 khung cửi), Bồng Sơn. Các xưởng dệt ở An Trường, An Vinh (An Nhơn), Khoa Trường, Ân Tường (Hoài Ân), Bồng Sơn sử dụng hàng trăm công nhân. Năm 1949, sản lượng vải cả tỉnh đạt 141.000m. Năm 1948, có 37 xưởng giấy, tăng lên 46 xưởng năm 1951; hàng tháng sản xuất 7 - 10 tấn giấy. Các xưởng cỡ lớn như: Cao Xuân Lê, Hồng Nam, Thành Phương, Mỹ Yên, Mỹ Tiến có từ 20 - 30 công nhân. Xưởng cơ khí Bồng Sơn làm nhiệm vụ phục hồi các loại máy nổ, máy phát điện, sản xuất công cụ phục vụ sản xuất công nghiệp và tiểu - thủ công nghiệp và tư liệu sản xuất nông nghiệp. Các xưởng của Hoả xa Liên khu 5, Xưởng in bạc Tín phiếu, ngành thuỷ tinh, sản xuất hàng vạn sản phẩm/năm.

Thời kỳ chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), xuất phát từ nhu cầu phục vụ kháng chiến, với tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là  chính, Bình Định đã sớm trở thành địa phương có nền công nghiệp phát triển, là nơi đứng chân các đơn vị kinh tế của Liên khu V, quy mô lớn tập trung lao động; đa dạng sản phẩm; thu hút phần lớn lao động có tay nghề trong tỉnh và nhiều thợ giỏi ở các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hoà. Công nhân có tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều Chiến sĩ thi đua trong sản xuất và phục vụ chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều cán bộ, công nhân ngành công nghiệp của tỉnh được tôi luyện, thử thách, trưởng thành, được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm những trọng trách trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước sau khi nước nhà thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

  • Nguyễn Ngọc Anh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lữ đoàn pháo “ba cùng”  (30/12/2006)
Khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới  (30/12/2006)
Một số hình ảnh về Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN Nhơn Hội và các dự án trong KKT Nhơn Hội  (30/12/2006)
Những công trình đầy ấn tượng  (30/12/2006)
Đường ven chân sóng  (30/12/2006)
Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ  (30/12/2006)
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)
Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  (30/12/2006)
Kết thúc truy lùng Phạm Văn Hải  (30/12/2006)
“Hãy thắp một ngọn lửa”  (30/12/2006)
Chiếc hũ đất nung độc bản  (30/12/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)