Những ly rượu buồn
13:15', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Những năm gần đây, rượu bia đã thâm nhập vào tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống và mê hoặc nhiều người. Ở đâu, lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh tụ tập ăn nhậu, say sưa. Từ đó say rượu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tội phạm, nhất là tội cố ý gây thương tích. Và, trước và trong dịp Tết Bính Tuất, không ít người đã để những ly rượu tất niên, những ly rượu thăm Xuân làm mờ lý trí, dẫn đến những hành vi vi phạm đáng tiếc...

 

Trần Văn Toàn (bên trái) - thủ phạm vụ đâm chết người ở bờ tràn thuộc xã Phước Hòa. Ảnh: Quốc Hùng

 

* Chuyện đau lòng trên bờ tràn

Chiều ngày 27-1 (28 Tết), Phan Quốc Dũng (SN 1986, ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng - Tuy Phước), sinh viên năm thứ 2 Đại học sư phạm kỹ thuật TP HCM, mời một số bạn bè ở cùng địa phương đến nhà dự tất niên. Khoảng 19 giờ, ăn uống xong, Phan Quốc Dũng cùng Hồ Thanh Huy (1985), Nguyễn Mộng Hùng (1984), Huỳnh Văn Định (1985), Nguyễn Bá Huy (1986) và Nguyễn Trung Tín (1986) đi trên 2 xe môtô đến thăm người bạn cùng học phổ thông ở thôn Bình Lâm thuộc xã Phước Hòa. Khi đến bờ tràn thuộc thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, có người đổi ý không muốn đi nữa nên cả nhóm dừng lại bàn bạc. Vừa lúc đó có một chiếc môtô chở 4 người từ hướng thôn Hữu Thành về thôn Kim Xuyên đang đến gần (sau này Công an Tuy Phước xác định người điều khiển môtô là Nguyễn Quang Tự (1984) ở thôn Hữu Thành, chở Nguyễn Quang Việt (1984), Trần Văn Toàn (1984) đều ở Tùng Giản, Lê Văn Ảnh (1984) ở Kim Xuyên đều thuộc xã Phước Hòa, vừa dự xong hai đám tất niên, đang trên đường đến đám thứ ba). Khi đi ngang qua nhóm Dũng, Toàn hỏi: "Chuyện gì đó?". "Tụi tôi nói chuyện chơi, không có gì đâu"- một người bạn của Dũng trả lời. Toàn bảo Tự dừng xe lại và y bước xuống nói: " Tao hỏi vậy có gì mà mầy trừng tao". Cả hai nhóm vừa mới rời bàn nhậu, nên câu nói của Toàn đã khiến ma men trong họ vùng dậy. Và hai bên xảy ra ẩu đả. Trong lúc "hỗn chiến", Toàn rút dao Thái Lan, loại cán xếp mang theo trong người, đâm đối thủ. Phan Quốc Dũng trúng một dao ngã xuống bờ tràn, Nguyễn Trung Tín bị một dao, thủng phổi. Khi Trần Văn Toàn và đồng bọn bỏ đi, nhóm thanh niên xã Phước Hưng đến dìu Dũng và Tín dậy thì thấy Dũng đã tắt thở, Tín bị thương khá nặng, vết thương chưa cầm máu…

Suốt đêm hôm đó, công tác xác minh, truy tìm đối tượng được tiến hành khẩn trương. Đến sáng ngày 28-1, Công an huyện Tuy Phước đã làm rõ thủ phạm gồm những thanh niên nói trên và ra lệnh bắt tạm giam Trần Văn Toàn. Vụ án nghiêm trọng do những tên côn đồ say rượu gây ra đã được chuyển cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH thụ lý điều tra kết luận và đề nghị xử lý trước pháp luật.

* CS113 - khách mời bất đắc dĩ

Trong những ngày Tết, CS113 thường trở thành những người khách bất đắc dĩ hơn ngày thường. Đơn giản vì ngày Tết, dân nhậu quậy nhiều hơn. Mới mùng Một Tết (ngày 29 -1), nhiều quán nhậu đã đông khách và những bợm nhậu đã bắt đầu quậy phá. Khoảng 15 giờ ngày 29-1, trong lúc ăn nhậu tại quán Hải Hồ - trên đường Phan Chu Trinh, TP Quy Nhơn - hai nhóm thanh niên đã gây chuyện đánh nhau, vỏ bia, ghế ngồi và nhiều vật cứng khác được dùng làm hung khí. Khi CS113 được "mời" đến thì có kẻ đã quằn quại trong vũng máu, 3 thanh niên gồm: Trương Ngọc Nhân (SN 1985, ở tổ 2 KV1, phường Trần Phú), Nguyễn Huỳnh Bảo Đông (1984, ở 46/8 đường Nguyễn Huệ) và Võ Minh Trí (1984, ở 229 Phan Bội Châu) bị bắt giữ. Một số thoát thân bằng cách nhảy xuống hồ…

Lúc 18 giờ ngày 2-2, CS113 lại trở thành những người khách bất đắc dĩ của một gia đình có nhà trong con hẻm trên đường Lê Thánh Tôn. Vụ đánh nhau, gây rối, hủy hoại tài sản này khá điển hình, bởi lẽ, các đối tượng là anh em, cậu cháu. Cháu, chân nam đá chân chiêu đến nhà cậu chúc Tết; cậu tiếp cháu khi cũng đã ngà say. Và thế là "cuộc chiến" giữa một bên là hai ông cậu, một bên là cháu xảy ra. Khi CS113 đến nơi, phòng khách ngổn ngang những cành mai bị gãy, bánh mứt rơi vãi lẫn với những bông hoa dập nát, và mảnh chai lọ vỡ…Còn cháu thì bầm mắt, hai ông cậu bị sứt đầu, mẻ trán…

Say rượu quậy phá, đánh nhau, gây rối TTCC và có những hành vi vi phạm pháp luật khác, từng nơi từng lúc mức độ có khác nhau nhưng đã trở thành hiện tượng phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Điều đáng lo ngại là nhiều thanh niên nông thôn vốn hiền lành, chưa có hành vi vi phạm về ANTT nhưng khi uống rượu vào bỗng biến thành kẻ khác, nóng nảy, hung hăng và sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng hình sự khi uống rượu vào tính chất tội phạm do chúng thực hiện càng nghiêm trọng hơn. Ngăn chặn, hạn chế hiện tượng say rượu bia quậy phá, say rượu trở thành tội phạm là yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Vì vậy nhiều địa phương đã triển khai Chỉ thị 351 TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm uống rượu, bia say với nhiều biện pháp linh hoạt, qua đó vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đồng thời, với những đối tượng say rượu bia có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự đã được đưa vào diện quản lý tại cộng đồng theo NĐ163/CP để bà con theo dõi giúp đỡ, chính quyền kịp thời xử lý nếu tái phạm.

Tuy nhiên, để không còn có kẻ uống những ly rượu buồn, mỗi gia đình phải quan tâm quản lý, giáo dục người thân của mình và tự mỗi người hãy biết dừng lại trước khi bị ma men lôi vào bóng tối.

  • Xuân Linh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)
Thơ  (16/12/2005)
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới  (16/12/2005)
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)
Gian truân cũng một cái nghề  (16/12/2005)