Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…
13:23', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Nhắc đến Đinh Bằng - người được mệnh danh là  "nghệ sĩ của bản làng" - người Chăm H’roi ở huyện miền núi Vân Canh, ai nấy đều tự hào. Bởi lẽ Đinh Bằng là người duy nhất ở làng Canh Tiến - xã Canh Liên và cũng là một trong số ít người Chăm ở Vân Canh biết chế tác và biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt, Đinh Bằng còn biết hát Kơh nah, một loại hình nghệ thuật rất khó…

 

                     Đinh Bằng (người thứ 5 từ trái sang).

 

Theo ca nô, chúng tôi băng lòng hồ Núi Một (xã Nhơn Tân - An Nhơn) vào núi, vượt qua dòng Thác Đổ, theo đường mòn tìm đến làng Canh Tiến. Già làng Đinh T’răng bảo: "Tìm nhà thằng Đinh Bằng à? Hôm nay cháu đến thật là may, cái đàn Kơ ní của nó đứt sợi dây nên nó ở nhà đấy! Chứ có lễ hội nào của huyện của xã mà thiếu cái mặt thằng Bằng đâu. Đây này, cháu đi qua khỏi cái lùm cây kia, đấy, nhà của nó ở sau lùm cây đó …".

Hôm nay Đinh Bằng ở nhà thật! Anh đang hí hoáy căng sợi dây đàn Kơ ní của mình. Trong nhà sàn của anh luôn có 3 loại nhạc cụ: Đàn Kơ ní, đàn Deeng Goong và K’tin do chính tay anh làm. Anh bảo: "Cái đàn Goong này dễ chơi lắm, chỉ cần học khoảng một tháng là biết cách ngay. Nó là thứ đàn tiện lắm, lễ hội, đám ma hay đám cưới, trai gái tỏ tình với nhau… đều chơi được tất". Nói đoạn, Đinh Bằng với tay lấy cái đàn Deeng Goong đang treo lủng lẳng phía trên đầu, so dây, khẩy luôn một mạch hai bản: "Cô gái vót chông" và "Buôn làng mở hội". Lúc này, chúng tôi mới nhìn kỹ hơn cái đàn Goong của anh. Deeng Goong là loại đàn được làm bằng một đoạn cây lồ ô dài khoảng nửa mét, có 10 sợi dây (được Đinh Bằng chế tác từ sợi dây thắng xe đạp) được nối với 10 cần đàn ở phía đầu (để có thể so phím). Bụng đàn là thân của một quả bầu khô, đã được cắt hết phần eo nhỏ. Đây là một trong những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm H’roi, nó được sử dụng giống như đàn ghita của phương Tây nhưng khác ở chỗ là đánh đàn bằng cả hai tay mà không cần phải bấm phím.

Khi cái đàn Kơ ní được sửa xong, Đinh Bằng cười khà khà cho biết: "Thật ra, chơi cái đàn Kơ ní này mới khó. Phải học tới một năm mới bắt nó đi theo ý muốn mình được". Đàn Kơ ní là loại đàn khá độc đáo của người Chăm H’roi Vân Canh. Nó có hình dáng gần giống như đàn cò, gồm 3 bộ phận: Thân đàn được làm bằng một đoạn lồ ô nhỏ; một dây đàn bằng kim loại, một đầu cột vào cần đàn phía dưới, đầu kia cột vào một miếng tre nhỏ đủ để dùng răng cắn chặt kéo căng dây khi chơi đàn; bộ phận thứ ba là dây cung kéo đàn gồm một dây kim loại cột hai đầu vào một thanh tre hay lồ ô vót rất mỏng, uốn cong như cánh cung. Khi chơi đàn, răng cắn dây đàn kéo căng, tay trái cầm cần, tay phải cầm cung kéo cho dây cung cọ xát vào dây cần phát ra âm thanh. Nghệ nhân vừa kéo đàn, vừa hát trong khoang miệng vừa bấm theo các nút. Tiếng đàn Kơ ní giống hệt như tiếng đàn cò, nhưng âm lượng hơi nhỏ hơn. Đàn Kơ ní có thể chơi được nhiều loại nhạc khác nhau, nhưng thường là nhạc buồn vì tiếng đàn nghe ảo não, sầu thương lắm lắm. Người Chăm kể rằng, đàn Kơ ní do một chàng trai mất vợ, buồn quá mới tạo ra để than thở, trách phận…

Một loại nhạc cụ nữa gồm một miếng đồng mỏng hình lưỡi giáo, ở giữa xẻ một nửa hình thoi. Đinh Bằng gọi đó là kèn R’tin. Anh đưa kèn lên môi, dùng ngón tay cái của bàn tay phải "khẩy" kèn và theo sự biểu diễn của làn hơi tài tình, điêu luyện của anh, người nghe có cảm giác giống như mình đang lạc giữa những cánh rừng đại ngàn mênh mông, bát ngát. Có tiếng gió rít rờn rợn, có tiếng thú hoang âm âm vọng lại. Đinh Bằng bảo rằng, loại kèn này người ta chỉ dùng khi có tâm sự buồn thật buồn, nhất là những lúc cô đơn, bế tắc, tuyệt vọng …

Ngoài việc tự chế tạo và chơi xuất sắc ba loại nhạc cụ này, "nghệ sĩ của bản làng" còn đánh cồng chiêng rất hay. Anh có khả năng "thẩm âm" xem cồng chiêng tốt hay không bằng cách "đếm" độ ngân bằng… sải tay. Cái cồng chiêng nào có tiếng vang nhiều sải tay hơn, đấy chính là loại tốt. Trong nhà sàn của anh có rất nhiều chiêng cồng. Bởi đối với người Chăm H’roi, vai trò của cồng chiêng rất quan trọng. Này là bộ chiêng có 5 chiếc: 2 chiếc mẹ, 2 chiếc con theo hai mẹ và một chiếc lỡ (to vừa). Kia là bộ cồng 3 chiếc: Một chiếc mẹ, một chiếc lỡ và một chiếc con. Chính giữa cồng, phía trong lõm tròn là rốn, phía ngoài là núm để đánh vào đó. Đi cùng bộ cồng chiêng còn có một Xì reo (lục lạc) và hai Trên trép (não bạt).

Chẳng những biết chơi nhạc cụ, Đinh Bằng còn biết hát Hơ ri (truyện thơ), kể Khan (trường ca) và đặc biệt là hát Kơh nah bài bản, vần cú đường hoàng. Ông Rechơlan Măng Téo - người đi tìm ký ức bản làng của người Chăm H’roi - cho biết, hiện nay Đinh Bằng là người Chăm H’roi duy nhất biết hát Kơh nah. Anh cũng là người tự sáng tác ra bài hát. Là một nghệ sĩ đa tài, Đinh Bằng thật sự là người thu hút sự chú ý nhất ở những đêm lễ hội dài thâu đêm suốt sáng…

Đinh Bằng cho biết, do anh rất thích lễ hội nên ngay từ thuở còn là một cậu bé, anh đã theo các già làng, các nghệ nhân để học cách đánh đàn, thổi kèn, chơi cồng chiêng… Nhờ thế mà cái tay, làn hơi mới uyển chuyển, mới lanh lợi, mới chơi được nhiều nhạc cụ như bây giờ. Anh rất thích những bản nhạc truyền thống, nhất là các bài "Ca ngợi Anh hùng Núp", "Bóng cây Kơ nia", "Buôn làng mở hội". Anh thường nghe đài rồi nhớ, rồi mày mò … và tự biểu diễn.

"Đi nhiều, mệt thì cũng mệt thật, nhưng vui lắm, vì mình có dịp giới thiệu được những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình …". - Đinh Bằng cười rộn rã nói thế.

  • Hải Âu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)
Thơ  (16/12/2005)
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới  (16/12/2005)
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)
Xóm lưới ba màn  (16/12/2005)