Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok
13:32', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Ở làng Kon Tơ-lok (M2) thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, mỗi khi nghe có tiếng loa "Mời bà con đến họp Hội Pưn" là mọi người hăng hái đến ngay nhà rông. Chỉ sau mười lăm phút là bà con đã đến đông đủ để sinh hoạt "Hội Pưn". "Hội Pưn" là từ thân thương mà bà con Bana ở làng Kon Tơ-lok gọi tên Chi hội Chữ thập đỏ của làng.

 

Thanh niên làng Kon Tơ-lok diễn tập cứu hộ trên nước do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức.

 

* Tham gia hội để cùng nhau tương thân ái trợ

Làng Kon Tơ-lok có 60 hộ dân, thì cả 60 hộ đều là thành viên của Chi hội Chữ thập đỏ của làng. Các già làng bảo rằng: "Làng cử bọn thanh niên khỏe chân, khỏe tay, sáng óc làm lãnh đạo "Hội Pưn", để nó chỉ cho cả làng làm việc nhân đạo". Chúng tôi gặp anh Đinh Văn Ánh - một thanh niên còn trẻ được bà con tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng - đang họp bà con để triển khai công tác Hội Chữ thập đỏ của làng, bàn bạc việc giúp đỡ xây nhà cho mí Giang (mẹ cháu Giang). Anh Ánh cho biết: "Gia đình mí Giang là một trong những nhà khó khăn nhất ở Kon Tơ-lok, chồng chết, neo đơn, sức khỏe lại kém không làm được nhiều công việc nên rất nghèo. Cả làng Kon Tơ-lok đã có nhà ngói khang trang nhưng riêng mí Giang vẫn ở nhà tạm. Vừa rồi Nhà nước đã hứa trợ giúp cho mí Giang 5 triệu đồng để làm nhà, nay Chi hội Chữ thập đỏ của làng bàn nhau định ngày để khởi công dựng nhà. Bà con sẽ giúp cho mí Giang một "nét" cây làm mái và toàn bộ công làm nhà".

Trường hợp của mí Giang chỉ là một trong số nhiều trường hợp khó khăn ở Kon Tơ-lok được bà con Chi hội Chữ thập đỏ làng giúp đỡ. Chính những nghĩa cử cao đẹp ấy của các hội viên Chữ thập đỏ đã giúp cho Hội ngày càng gắn bó thân thiết với mỗi người dân trong làng.

Thùng gạo tình thương của làng Kon Tơ-lok được đặt ở máy xay gạo duy nhất của làng.

Cứ mỗi lần họp Chi hội Chữ thập đỏ để bàn việc làm nhân đạo là bà con lại được nghe bok Đảm hát: "Ta yêu rừng yêu núi, xưa giặc muốn giành đất, bà con mình đứng lên đánh giặc giữ đất, nay đất nước đã hòa bình, bà con mình lại đoàn kết giúp nhau xây dựng quê hương". Mỗi khi bok Đảm hát, các già làng lại bảo: Đấy, Hội Chữ thập đỏ thì bà con mình mới tham gia đây, nhưng đoàn kết cùng nhau làm việc tốt thì người Bana mình đã biết làm từ lâu rồi. Hoạt động chữ thập đỏ ở Kon Tơ-lok thì nhiều lắm, mà hoạt động nào bà con cũng thích, cũng hăng hái tham gia. Cả làng có một máy xay gạo duy nhất, ở đó luôn đặt một thùng lạc quyên mà bà con gọi là "hũ gạo tình thương". Mỗi người khi đến đây xay gạo đều tự nguyện bỏ vào thùng vài nắm, để đến cuối tháng, cuối mùa, cuối năm số gạo dành dụm này sẽ được đem đến giúp cho những người nghèo nhất trong làng. Tháng trước, hũ gạo tình thương đã được đem ra để giúp gia đình bá Ham. Chuyện là cách đây một tháng, bá Ham bị đau ruột thừa đột ngột, mí Ham vội đưa chồng xuống bệnh viện tỉnh mổ cấp cứu mà quên bẵng ở nhà còn 2 đứa con nhỏ chưa biết nấu cơm và mấy sào ruộng đã đến ngày xuống giống. Vợ chồng bá Ham đi rồi bà con trong Chi hội Chữ thập đỏ mới đem 2 đứa nhỏ nhà bá Ham về chăm sóc, đội xung kích lại rủ nhau làm đất, xuống giống luôn cho mảnh ruộng của bá Ham cho kịp thời vụ. Toàn bộ giống lúa cũng của Hội giúp cho. Trở về từ bệnh viện, bá Ham không ngạc nhiên về những điều mình được bà con giúp đỡ, bởi bá Ham chắc chắn bà con trong Hội sẽ không bỏ mặc gia đình mình trong lúc khó khăn, và thực tế lúc chưa bị bệnh bá Ham cũng đã cùng bà con giúp đỡ kịp thời nhiều trường hợp như thế.

* "Hội Pưn" xóa đói giảm nghèo

Ở làng Kon Tơ-lok còn có một cách gây quỹ nhân đạo hiệu quả khác, đó là xây dựng "Vườn đào quỹ Hội". Vườn đào này được giao cho Đội Thanh niên xung kích chữ thập đỏ chăm sóc, mỗi năm cũng thu được vài triệu đồng cho quỹ nhân đạo. Cùng với việc góp công sức, bà con Bana ở Kon Tơ-lok còn rất nhiệt tình trong việc quyên góp vật chất cho các hoạt động cứu trợ. Từ quyên góp ủng hộ các gia đình khó khăn trong làng, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam ở trong nước, cho đến ủng hộ các nạn nhân thảm họa sóng thần ở các nước xa xôi, bà con đều hăng hái tham gia và hoàn thành việc quyên góp trong thời gian ngắn nhất.

 

                   Bà con làng Kon Tơ-lok họp "Hội Pưn".

 

Làng Kon Tơ-lok từ 15 năm nay có một người rất đặc biệt, đó là anh Bùi Văn Gần - người Kinh duy nhất trong cộng đồng Bana ở Kon Tơ-lok. Bà con thường gọi anh là bá Lạc (theo tên đứa con đầu lòng của anh). Là một nông dân sản xuất giỏi, gia đình anh có thu nhập khá cao từ nuôi bò và trồng đào. Cùng với những hộ khá giả khác trong làng, anh rút vốn của gia đình cho các hộ nghèo mượn không lấy lãi để làm nhà, nuôi gia súc. Hiện đã có trên dưới 10 hộ gia đình ở Kon Tơ-lok được giúp đỡ theo cách này để phát triển sản xuất. Sau một thời gian dài làm Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ở Kon Tơ-lok, anh Gần đã trở thành Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Thịnh. Anh có rất nhiều kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động chữ thập đỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh chia sẻ: "Tháng này, mùa mưa đang tới, Chi hội Chữ thập đỏ làng Kon Tơ-lok được xã Vĩnh Thịnh giao cho một nhiệm vụ mới: chuẩn bị ứng cứu hồ thủy lợi Hòn Lập khi có sự cố. Đội xung kích lần đầu được làm quen với các dụng cụ và thao tác cứu hộ trên nước nên rất bỡ ngỡ. Cả làng kéo đến xem đám thanh niên luyện tập. Những đứa trẻ con là tỏ ra thích thú nhất. Đứa nào cũng mong mình mau lớn để được vào Đội Xung kích chữ thập đỏ, để được đi họp Hội Pưn và được làm việc nhân đạo giúp đỡ mọi người như các bok, các giá, các bá và các mí. Bọn chúng học theo người lớn gọi "Hội Pưn", "Hội Pưn" rất đỗi quen thuộc, thân thiết".

Nhận xét về "Hội Pưn" làng Kon Tơ-lok, ông Phạm Chí Công - Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Thạnh nói: "Ở làng Kon Tơ-lok, buổi họp "Hội Pưn", hội viên nào cũng vui như ngày hội. Người Bana chất phác, nhân hậu lúc nào cũng muốn được sống trong không khí nhân ái và ngập tràn niềm vui. "Hội Pưn" quả là một hội làm cho bà con ưng bụng, bởi nó rủ cả làng làm việc tốt, tốt cho mình và tốt cho tất cả mọi người".

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)
Thơ  (16/12/2005)
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới  (16/12/2005)
Trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Dương Long  (16/12/2005)