Tôi đến thăm nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng của ông ở TP Nha Trang sau khi ông vừa mổ tim ở Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh trở về. Thấy sức khỏe của ông đã dần hồi phục và ông bắt đầu viết trở lại, tôi tranh thủ để ông có đôi lời với bạn đọc Bình Định nguyệt san.
|
Nhà thơ Giang Nam
|
* Thưa nhà thơ Giang Nam, được biết phần lớn tuổi trẻ của ông đã học hành và gắn bó với Quy Nhơn - Bình Định. Ông vui lòng cho bạn đọc báo Bình Định biết những kỷ niệm sâu sắc nhất của ông về miền đất ấy. Và, những năm tháng ở Quy Nhơn - Bình Định có ảnh hưởng đến sự nghiệp thơ ca của ông sau này ?
- Tôi vào học ở Trường Quốc Học Quy Nhơn (lúc ấy đã đổi tên là Collège Võ Tánh) vào năm học 1941 - 1942, lúc 12 tuổi (lớp đệ nhất niên cao đẳng tiểu học). Các thầy nổi tiếng lúc bấy giờ: giáo sư Lê Ấm (con rể cụ Phan Chu Trinh và là thân sinh nhà văn Phan Tứ), giáo sư Trần Cảnh Hảo (một nhà giáo uyên thâm, tác giả quyển "Học tiếng Nam", giỏi cả Hán văn), cụ Tú Thọ (thân sinh nhà thơ Xuân Diệu - tú tài Nho học, rất tinh thông và say mê thơ Đường của Trung Quốc). Tôi học giỏi nhất là môn Văn (cả Pháp lẫn Việt) được học bổng 4 năm liền. Tháng 3-1945 Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, tôi về quê tham gia các hoạt động cứu đói, truyền bá quốc ngữ... do Đảng bí mật lãnh đạo.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi được trường gọi ra thi tốt nghiệp thành chung ở Quy Nhơn, là khóa thi đầu tiên dưới chế độ mới. Tốt nghiệp rời Quy Nhơn về Ninh Hòa, tôi tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ở Quy Nhơn thời đi học, tôi đã được đi thăm nhiều di tích văn hóa và lịch sử nổi tiếng: Ghềnh Ráng, Cầu Đôi, Tháp Chàm Hưng Thạnh, Thành Bình Định, đầm Thị Nại, Cửa Tấn...; được tiếp xúc với không khí văn học sôi nổi lúc bấy giờ, được đọc những tác phẩm nổi tiếng của nhóm "Bàn Thành tứ hữu" (còn gọi là trường thơ Bình Định) gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Cần nói thêm, khi tôi vào học ở Trường Quốc Học Quy Nhơn (1941) thì Hàn Mặc Tử vừa mất trước đó mấy tháng tại Bệnh viện phong Quy Hòa (1940). Còn nhớ, tôi đã mua tập thơ "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính ở một hiệu sách trên đường Khải Định và tôi "mê" Nguyễn Bính từ đó.
Ở Quy Nhơn hồi đó sinh hoạt văn hóa rất cao. Có một câu lạc bộ rất nổi tiếng gọi là "nhà Xẹc Quy Nhơn" ở gần sân vận động. Hình như đó là một câu lạc bộ thể thao (Cercle Sportif) nhưng hoạt động văn hóa rất đáng chú ý. Tôi có dự một số buổi diễn thuyết (bây giờ ta gọi là nói chuyện) về văn thơ, về các vấn đề văn hóa, xã hội do các diễn giả có tài năng, như các thầy học của tôi và các nhà trí thức khác: Tôn Thất Vỹ, Bùi Văn Lang, nhóm thơ Bình Định... trình bày.
Ga Quy Nhơn hồi đó là ga mới xây với kiến trúc lạ và đẹp nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là ga hành khách (Grande Vitesse: tốc hành), ngoài ra có ga hàng hóa riêng (Petite Vitesse: tàu chậm) hoạt động rất nhộn nhịp vì Quy Nhơn có cảng biển và là đầu mối Quốc lộ 19 đi Tây Nguyên. Nhưng vì Quy Nhơn không nằm trên đường sắt xuyên Việt nên phải có tàu nối (navette) chạy đi chạy về với Diêu Trì nằm trên tuyến chính. Quy Nhơn còn có con đường sắt chạy ven đầm Thị Nại đến nơi tàu biển đậu để bốc dỡ hàng. Chúng tôi thường ra đó chơi và rất tự hào về con đường sắt đặc biệt này mà nhiều nơi trong nước không có (tiếng Pháp gọi là Jetéc). Sản vật biển ở đầm Thị Nại rất phong phú, đặc biệt là cá dìa, cua, tôm, ốc...
Bốn năm học ở Quy Nhơn, tôi chỉ về nhà mỗi năm hai lần (nghỉ Tết và nghỉ hè) nên đã hết sức quen thuộc với mảnh đất này, coi như là quê hương tuổi nhỏ của mình.
* Khi rời Trường Quốc Học Quy Nhơn theo kháng chiến, ông có dịp trở lại Bình Định không? Những cảm nhận của ông về vùng kháng chiến Bình Định ?
- Trong kháng chiến chống Pháp, Khánh Hòa là vùng tạm chiến, còn 4 tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú là vùng tự do thuộc Liên khu 5. Tôi hoạt động ở ngành Văn hóa - Thông tin nên có nhiều dịp ra Bình Định công tác và học tập. Bình Định là nơi có Sở Thông tin Liên khu 5 (đóng ở Bồng Sơn) và Đài Phát thanh Tiếng nói miền Nam (đóng ở An Lão). Tôi còn nhớ, nhiều lúc cái radio của tỉnh hư, tôi và một nhân viên của cơ quan đã cõng cái máy kềnh càng qua dốc Mỏ, dốc Chanh ra Phú Yên và đi tiếp ra Bình Định để lên An Lão nhờ sửa. Đi từ Phú Yên ra bằng nhiều phương tiện: xe lửa (khi đầu máy chưa bị ném bom hỏng), xe ô tô rai (gắn máy), xe goòng (đẩy). Có lần vừa đến ga Bồng Sơn Nam, đầu máy chưa kịp lui vào trú ẩn trong gầm xe lửa thì máy bay Pháp ra bắn phá. Chúng tôi chưa kịp ăn uống gì, phải chạy ra giữa đồng vừa né tránh máy bay vừa bảo vệ máy. May mắn là không có việc gì xảy ra, trừ một vài đồng bào bị thương. Chúng tôi vượt sông Lại Giang để lên phía An Thường - An Lão. 30 cây số từ Bồng Sơn lên An Lão đi bộ hết 1 ngày. Dọc đường vào quán ăn, có nước chè xanh rất đặc biệt (lá chè nấu nước thật đậm, chỉ cần múc ra, pha thêm nước lã, uống rất ngon).
Giữa năm 1953, tôi được đi học lớp chính trị sơ cấp dành cho cán bộ huyện từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tại Bồng Sơn. Những giảng viên của lớp chúng tôi là các đồng chí: Nguyễn Duy Trinh, Trần Quỳnh, Trần Lê... Lần đầu được học chính trị một cách có hệ thống, tôi thấy sao mà hay, mà tin tưởng đến thế. Trường lớp được xây dựng trong vườn dừa, đồng bào giúp đỡ rất nhiều, không lộ bí mật mặc dù máy bay địch nhiều lần ra bắn phá, thả bom vùng tự do của ta.
* Là một nhà thơ có nhiều tác phẩm được bạn đọc cả nước đánh giá cao, vậy ông có dành được những gì cho Quy Nhơn - Bình Định - nơi đã từng gắn bó với ông suốt những chặng đường dài?
- Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi không có dịp hoạt động ở Bình Định nhưng tôi biết chiến trường Bình Định rất ác liệt. Sau năm 1975, tôi đã về thăm và làm việc ở Quy Nhơn - Bình Định nhiều lần: thăm bạn bè cũ, thăm các di tích lịch sử nổi tiếng: Tây Sơn (quê Quang Trung - Nguyễn Huệ), mộ Hàn Mặc Tử và Bệnh viện Quy Hòa, thăm Bồng Sơn - An Lão..., thăm các văn nghệ sĩ lão thành: Yến Lan (vẫn tại nhà cũ ở thị trấn Bình Định - An Nhơn), Tống Phước Phổ (nghệ nhân tuồng nổi tiếng và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).
Đặc biệt tôi có viết 4 bài thơ về nhóm "trường thơ Bình Định" mà tôi rất yêu mến và trân trọng: Đêm xuân Quy Nhơn đọc Hàn Mặc Tử, Đọc thơ anh (viết về Chế Lan Viên), Bến chợ chiều nay (viết về Quách Tấn) và Mùa thu chợ Huyện (viết về Yến Lan). Đặc điểm là các bài thơ này, tôi đều viết sau khi các anh mất. Bài cuối cùng là bài Mùa thu chợ Huyện tôi viết sau khi từ Nha Trang ra Bình Định dự đám tang nhà thơ Yến Lan năm 1998. Bốn bài thơ đối với tôi như 4 vòng hoa mãi mãi tôn vinh các anh, những người (trừ Hàn Mặc Tử) mà tôi có dịp sống và làm việc bên cạnh nhiều năm liền.
Tôi cũng có những kỷ niệm rất sâu sắc về Trường Quốc Học Quy Nhơn, một lò đào tạo nhân tài cho đất nước, đặc biệt là cho hai cuộc kháng chiến. Tôi vừa là Ủy viên Ban Chấp hành Hội học sinh cũ Trường Quốc Học Quy Nhơn, đồng thời cũng là Chi hội trưởng Chi hội học sinh cũ Trường Quốc Học Quy Nhơn tại Khánh Hòa.
Mùa thu chợ Huyện
(Tưởng nhớ nhà thơ Yến Lan)
Người cuối cùng của nhóm đã ra đi
Nắng Bình Định rơi vàng trên tháp cổ
Cây bàng góc phố
Chiếc nón Gò Găng
Hình như vẫn còn đây tuổi nhỏ
Tiếng gọi đò lay động bến sông trăng
Người cuối cùng của nhóm đã ra đi
Ai hát cho ai mùa thu chợ Huyện
Đất trời ngoài kia rộng dài, xao xuyến
"Mây kéo về kinh
Ếch kêu giếng loạn"
Chợ vẫn họp đều phiên mà trống vắng một người
Người cuối cùng của nhóm đã ra đi
Thanh thản một đời thơ
Thanh thản một tình yêu đã thành huyền thoại
Để lại bến My Lăng con đò đợi mãi
Ngơ ngác chiều, gió thổi lá sang sông.
. Giang Nam
Bình Định 10-1998 | |