Lên non dự hội
13:57', 1/3/ 2006 (GMT+7)

* Vượt ngàn về Kon Trú

Trời mưa. Cơn mưa cuối đông ở rừng tuy không còn nặng hạt nhưng cũng làm cho chúng tôi vất vả khi phải cuốc bộ trên con đường mòn, đá lởm chởm, trơn trợt. Anh Ngớp - cán bộ VHTT xã Bok Tới, người đồng hành với tôi - cho biết, trước đây đường đi Kon Trú bắt đầu từ cuối dòng suối Tem, chạy men theo sườn núi Bà Bơi, rộng chừng 2-3 mét, do bộ đội làm trong chiến tranh. Sau này do không được tu bổ, con đường hư hỏng, cây mọc um tùm, các gầm đá bị nước cuốn trôi nên không đi được. Người dân Kon Trú xuống xuôi lại khai thông lối mòn này, tuy dễ đi nhưng phải qua một cái dốc dựng đứng, dân địa phương gọi là "Dốc Lết". Đúng như tên gọi, nếu ở trên xuống thì người đi gần như đặt mông trên nền đất mà lết, còn ở dưới lên thì phải dùng cả tay và chân vừa đi vừa bò.

 

               Giã cốm chuẩn bị lễ tại nhà Rông của làng.

 

Vất vả lắm, chúng tôi cũng tới trảng bằng đỉnh dốc. Cái khó nhất trên đường tới làng Kon Trú chúng tôi đã qua. Tiếp tục đi, nhưng bước chân cứ ngập ngừng ái ngại vì sợ con vắt rừng. Dù đã được cảnh báo: "Vùng này có nhiều vắt lắm, tránh dẫm đạp trên các đống lá khô, nơi chúng trú ngụ", nhưng cuối cùng cũng có vài con bám chặt vào chân tôi, rất may là chưa bị chúng cắn chảy máu.

Hết mưa trời lại nắng, những tia nắng yếu ớt. Giữa trưa, sau cơn mưa, xuyên qua màn sương khói đá trôi theo chiều gió đông thổi se lạnh, đủ phản chiếu những mái nhà sàn bạc màu thời gian, mà từ trên sườn đồi cao tôi nhận ra, giống như những cây nấm mọc giữa ngút ngàn màu xanh cây rừng. Đó là làng Kon Trú - làng vùng cao, xa nhất, cách trung tâm xã Bok Tới 10 cây số. Làng nằm trên sườn đất cao ráo, nghiêng về phía nam. Ở đó hiện có 23 nóc nhà đều xây cất theo kiểu nhà sàn truyền thống, nằm rải rác chung quanh, còn ở giữa khoảng đất trống, bằng phẳng có một nhà sàn to, mái cong vút - đó là nhà Rông. Có lẽ đây là làng còn nguyên vẹn không gian văn hóa theo lối cổ truyền của tộc người Ba na ở Hoài Ân.

Tiếp chúng tôi tại nhà Rông, các ông trong Hội đồng già làng của thôn cho biết: Làng Kon Trú từ xưa đến giờ vẫn vậy, cuộc sống chưa giàu có nhưng đã đổi mới hơn về cách sống, lối sống và nếp nghĩ; hơn 2ha ruộng lúa nước được người dân canh tác cho năng suất tăng hàng năm; chăn nuôi phát triển ổn định, hiện trong làng có đàn gia súc trên 200 con trâu, bò; mỗi hộ đều có chuồng trại nuôi từ 2 đến 5 con heo, gia cầm thì nhà nào cũng có…, cái đói thực sự đã bị đẩy lùi khoảng 3 năm nay. Đời sống tinh thần của người dân có tiến bộ hơn: ăn sạch, ở sạch, đau ốm về trạm y tế xã chữa trị. Đặc biệt, năm 2002 huyện cho Kon Trú có cái điện, máy điện chạy bằng dầu, nên cái ti vi ở tại góc nhà Rông kia - ti vi của huyện cấp cho làng - mới làm vui con mắt dân làng từng đêm. Hiện nay cũng có 3 hộ mua được ti vi, còn radio thì nhà nào cũng có. Trong làng có một lớp mẫu giáo, do cô giáo của làng đứng lớp, 10 em xuống học cấp một ở trường xã, 5 em đang theo học cấp 2 trường nội trú huyện. Tuy nhiên, điều khó khăn ở Kon Trú là con đường đến làng không thể làm khác được; nước sạch cho sinh hoạt của người dân trong làng hiện còn bỏ ngỏ, lâu nay cứ dùng nước tự chảy. Cách nay 10 năm, Nhà nước có hỗ trợ cho làng Kon Trú xây dựng 2 bể chứa, một giếng đào nhưng dùng không được bao lâu thì bị hư hỏng…

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng khi Bok Gơ - già làng - thông báo: "Chiều nay và tối nay làng Kon Trú ăn mừng cốm lúa mới". Và, Bok mời chúng tôi tham gia đi thăm các bếp trong làng.

* Vui hội ăn mừng cốm lúa mới cùng dân làng Kon Trú

Cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 hoặc tháng 11 âm lịch, khi lúa rẫy chín vàng, thì dân làng tổ chức lễ hội ăn mừng cốm lúa mới. Trước đây lễ hội này thường diễn ra từ 3 đến 4 ngày, hiện nay thì thường tổ chức 1 ngày 1 đêm. Lễ hội cốm lúa mới của làng bắt đầu từ việc các bếp (nhà hộ gia đình) tổ chức cúng ông bà tổ tiên, tạ ơn các thần linh.

Nhà Bok Nguôi là một trong 10 nhà tôi chứng kiến lễ cúng cốm lúa mới. Cũng như các nhà khác, các lễ vật cúng không thể thiếu gồm: cốm, lớ, thịt rừng hun khói, thịt rừng nướng, có cả gà luộc, thịt heo nuôi được để trong nia, mẹt, trong lá chuối rừng, bày chung quanh trên sàn nhà, ở giữa là 3 chóe rượu cần. Người thân trong nhà, khách đến chung vui ngồi vòng tròn chung quanh, yên lặng. Bok Nguôi cẩn thận lấy thanh củi đang cháy từ bếp châm lửa vào ngọn sáp ong đã đính sẵn trên chóe rượu to nhất, rồi lâm râm đọc. Nội dung lời Bok đọc được Bá Thanh giải thích: "Hôm nay nhà con tổ chức lễ cúng tạ ơn các thần linh đã giúp nhà con có mùa màng bội thu…; ông bà tổ tiên đã phù hộ gia đình con sức khỏe…; những của ngon, vật lạ làm được trong năm, nay mời các thần linh, mời ông bà tổ tiên chứng giám…; mong năm tới, tiếp tục phù hộ cho nhà con sung túc hơn…". Kết thúc lời cầu khấn, Bok Nguôi đổ nước đầy vào các chóe rượu, vít cần rượu đưa về bốn hướng, bốc các thức ăn mỗi loại một ít bỏ vào chiếc lá chuẩn bị sẵn, gói cẩn thận treo trên cột rượu - "đây là phần để các thần mang đi khi dự xong lễ" - Bá Thanh cho biết vậy…

Lễ cúng tạ ơn ở từng nhà hoàn tất, tiếng trống Pơnưng, tiếng cồng chiêng dồn dập, thôi thúc một hồi, báo hiệu lễ hội ăn mừng cốm lúa mới tại nhà Rông của làng bắt đầu. Đây là phần lễ có tính cộng đồng, lễ vật được các nhà trong làng mang đến. Có gì mang nấy nhưng không thể thiếu cốm lúa mới và rượu cần. Sau khi chuẩn bị xong, già làng trịnh trọng thông báo tiến hành lễ ăn mừng cốm lúa mới.

Sau lời cúng tạ ơn, cầu phúc mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng năm sau tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc, dân làng khỏe mạnh, cùng nhau đoàn kết xây dựng bản làng no ấm và các nghi thức cho thần linh, ông bà tổ tiên thưởng thức cốm lúa mới, uống rượu cần, ăn thịt rừng… là đến cuộc vui toàn dân trong làng. Ai ai cũng hớn hở, phấn khích, mời nhau từng nắm cốm thơm hương lúa mới, miếng thịt rừng để dành và cùng thưởng thức hương vị nồng, cay, đăng đắng của rượu cần được ủ bằng nếp lúa mới với men lá cây rừng. Quyện vào đó là âm thanh hùng tráng của dàn cồng chiêng thôi thúc; tiếng nhịp chày đôi, chày ba giã cốm rộn ràng; tiếng đàn Tơ rưng, đàn Pơlơnkhơn của các Bok, các Yă nhẹ nhàng, lảnh lót; tiếng hát của các Mí, các chị với những làn điệu dân ca mượt mà; các chàng trai cô gái trong sắc phục Ba na truyền thống rực rỡ sắc màu, đang múa, đang nhảy thể hiện nét khỏe trai làng, thể hiện sự khéo léo, dẻo dai đôi vai, đôi chân và sức sống căng đầy trên lồng ngực của người con gái núi rừng,… Ngọn lửa bập bùng của bếp lửa ở 2 đầu nhà Rông đã xé toạc màn đêm trong không gian tĩnh mịch. Bao âm thanh vọng vào vách núi, vang xa như mời gọi nhà gần nhà xa, mời ông bà tổ tiên, mời các thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng… về cùng dân làng vui ngày hội mừng múa cốm mới. Đêm hội tưng bừng. Người chứng kiến khó lòng mà cưỡng lại. Hòa vào cuộc vui, nhìn mọi người, ta không còn thấy cái nhọc nhằn lam lũ, lo toan cuộc sống mà chỉ thấy niềm phấn khích, niềm vui sướng pha chút tự hào. Cuộc vui kéo dài thâu đêm, và chấm dứt khi men rượu cần đã nhạt, hương cốm mới tan dần trong làn sương sớm, con gà rừng báo hiệu cho một ngày mới bắt đầu.

Tạm biệt làng Kon Trú, tạm biệt ngày hội ăn mừng cốm lúa mới của tộc người Ba na. Một lễ hội diễn ra trong không gian rộng lớn, thu hút mọi thành viên, gắn kết cộng đồng làng, thể hiện nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Ba na thông qua lễ nghi, biểu diễn văn nghệ dân gian. Điều đó đã làm cho diện mạo của lễ hội ăn mừng cốm lúa mới thêm phong phú và đa dạng. Chính lễ hội đã biểu hiện sức sống mãnh liệt của một tộc người có nền văn hóa bản địa đặc sắc, là tấm gương phản chiếu sinh hoạt cộng đồng, hội tụ tinh hoa văn hóa mà người Ba na đã xây dựng, vun đắp qua quá trình lịch sử lâu đời. Lễ hội ăn mừng cốm lúa mới cùng với các lễ hội khác nói riêng, văn hóa Ba na nói chung, sẽ mãi mãi trường tồn, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam vốn giàu bản sắc.

  • Hà Hoài Ân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)
Thơ  (16/12/2005)