Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định
14:2', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Từ năm 1997 - 1999 trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhân dân đã tình cờ phát hiện 14 chiếc trống đồng, trong đó 8 chiếc ở huyện Vĩnh Thạnh, 4 chiếc ở huyện Tây Sơn, 2 chiếc ở huyện Phù Cát. Những phát hiện này đã được Tiến sĩ Đinh Bá Hòa thông báo tại các Hội nghị Khảo cổ học về những phát hiện mới tổ chức hàng năm. Đa số các trống đồng phát hiện ở Bình Định đều là những trống loại I theo cách phân loại của Heger - Trống Đông Sơn.

 

Trống đồng Đông Sơn phát hiện tại gò Trắc thuộc thôn Định Tường, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh năm 1997; hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.

 

Trống đồng Đông Sơn là hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn, là một trong những nhạc khí văn hóa truyền thống của cư dân Việt cổ, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm. Sở dĩ gọi là "trống Đông Sơn" vì nơi phát hiện đầu tiên loại trống này là ở Đông Sơn (Thanh Hóa). Ngày nay, với những bằng chứng về khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã khẳng định chủ nhân làm ra loại trống này là người Việt cổ, trung tâm đúc trống đồng là vùng phía Bắc Việt Nam. Điều đó khẳng định về tính bản địa của những chiếc trống đồng Đông Sơn. Việc phát hiện khuôn đúc trống đồng ở Nuy Lâu (Bắc Ninh) là một trong những cứ liệu để nói lên điều này. Ngoài khu vực phân bố của văn hóa Đông Sơn phía bắc, trống Đông Sơn còn được phát hiện trong khu vực của các nền văn hóa đồng đại khác như văn hóa Sa Huỳnh ở các dải ven biển miền Trung; văn hóa Đồng Nai ở phía nam.

Thời gian gần đây, Giáo sư Diệp Đình Hoa đã lấy mẫu rất bé của các hợp kim đồng cổ, dùng phương pháp ứng dụng kỹ thuật chuẩn KO trong phân tích kích hoạt trên lò phản ứng hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để xác định hàm lượng các nguyên tố theo nhu cầu nghiên cứu của khảo cổ học. Những chiếc trống Đông Sơn ở Bình Định được nghiên cứu bằng phương pháp kích hoạt neutron qua hai đợt nhằm phân tích lấy kết quả hàm lượng nguyên tố mẫu khảo cổ. Đợt 1, ông đã phân tích 22 mẫu lấy từ mặt, thân, tang, chân của các trống và 1 mẫu quặng chì kẽm. Đợt 2, ông phân tích 20 mẫu, trong đó có 8 mẫu trống, còn lại là các hiện vật, mẫu gốm, hạt cườm, quặng, xỉ… lấy trong các mộ phát hiện cùng trống đồng. Qua hai đợt phân tích, ông đã đưa ra nhận xét, các nguyên tố trong thành phần hợp kim đồng cổ biến đổi theo quy luật ngẫu nhiên trong một khoảng rộng hơn rất nhiều so với trong hợp kim đồng hiện đại. Có một số mẫu hàm lượng các nguyên tố vàng (Au), bạc (Ag), Asen (As) cao dị thường, vượt ra ngoài phân bố ngẫu nhiên. Điều đó đã chứng tỏ trong hợp kim đồng cổ chúng được pha thêm có chủ định nhằm nâng cao chất lượng âm thanh và hình thức của sản phẩm. Hàm lượng các nguyên tố Au, Ag, As trong hợp kim đồng cổ cao hơn hai bậc so với giá trị tương ứng trong hợp kim đồng hiện đại. Đây là một đặc trưng cho hiện vật thời đại đồ đồng thau Việt Nam.

Hàm lượng các kim loại quý cao trong các mẫu phân tích lấy từ hợp kim đồng cổ có thể hiểu theo hai giả thiết. Trước hết, vào thời cổ đại người ta chưa biết tách Au, Ag ra khỏi quặng đồng khi nung luyện nên chúng còn tồn tại trong hợp kim đồng cổ. Chỉ từ thế kỷ XVIII mới có công nghệ tách kim loại quý ra khỏi quặng đồng. Ví dụ như mặt trống Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) hàm lượng Au lên đến 67,9ppm. Thứ hai, đó không phải là các pha tạp ngẫu nhiên mà có ý thức. Điều đó chứng tỏ rằng vào thời đại đồng thau, thợ đúc đồng đã biết tác dụng của kim loại này nên pha vào đồng khi đúc để làm tăng chất lượng âm thanh của trống đồng.

 

      Mặt trống đồng Đông Sơn, phát hiện ở xã Vĩnh Quang.

 

Hàm lượng As cũng đạt giá trị rất cao. Vào thời đại đồ đồng thau người ta biết rõ các tính chất của As nên họ chủ ý pha thêm vào nhằm làm tăng độ sáng đẹp và độ cứng của sản phẩm. Với thành phần hợp kim đồng thau có As, người thợ sẽ dễ gia công cắt gọt và đánh bóng chúng. Đối với các trống đồng Đông Sơn ở Bình Định điều này mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật luyện kim và có thể là về mặt nguồn gốc của quặng.

Các trống ở Bình Định chủ yếu là đồ đồng thau, đồng thiếc. Phần tang trống Thuận Ninh (Tây Sơn) chứa hàm lượng thiếc gần 100%. Với hai đợt phân tích 30 mẫu trống cho thấy số mẫu chứa hàm lượng thiếc đến 25% chiếm đa số. Thông thường, với một hợp kim đồng thau chứa hàm lượng nửa thiếc nửa đồng, người ta đã có thể xem như là một hợp kim thiếc. Thế mà trong các mẫu đã phân tích các trống ở Bình Định có đến 20% số lượng mẫu chứa đựng hàm lượng thiếc trên 50%. Hiện tượng này có lẽ liên quan đến kỹ thuật đúc hoa văn trang trí trên trống Đông Sơn ở Bình Định.

Những năm 1990 công việc điều tra địa chất địa mạo vùng Vĩnh Thạnh - nơi phát hiện nhiều trống đồng - cho thấy, trong những nhóm khoáng sản mà các nhà địa chất đã lưu ý đến, liên quan đến những nguồn quặng đúc trống đồng cổ, trong đó lưu ý hai nhóm: kim loại màu và kim loại quý. Về nhóm kim loại màu gồm có khoáng chì kẽm ở Tiên Thuận (xã Bình Giang - Tây Sơn), Hòn Lập (xã Vĩnh Kim - Vĩnh Thạnh); núi Đá Chồng (xã Bok Tới - Hoài Ân). Quặng đồng đa kim chứa vàng, bạc trong khu vực Hòn Lập, cùng với chì kẽm; quặng đồng ở khu vực Vĩnh Kim, hồ Suối Rùa, Nước Tấn. Về nhóm kim loại quý có các vỉa quặng vàng gốc ở Tiên Thuận, Hòn Lập, Vĩnh Kim - Kim Sơn; điểm quặng về vàng có ở Đá Giang, Nước Tấn; vàng sa khoáng ở thung lũng sông Côn, suối Sem, suối Bù Nú. Ngoài thung lũng sông Côn, biểu hiện sa khoáng casiterít còn thấy ở Cát Tài (Phù Cát).

Như thế là trong vùng phát hiện được trống Đông Sơn ở Bình Định có đủ các loại quặng cần thiết để đúc trống: quặng thiếc, quặng đồng, quặng chì kẽm. Vùng này ngày xưa chỉ nghe nói đến việc khai thác vàng, còn khai thác chì kẽm mới nghe nói từ thời thuộc Pháp. Về mặt khảo cổ học, chưa tìm được các mỏ khai thác đồng, thiếc của người xưa. Tuy vậy, qua kết quả nghiên cứu gần đây bằng phương pháp phân tích hàm lượng các thành phần hợp kim trong những chiếc trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Bình Định, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng chúng đã được đúc từ việc sử dụng các nguồn quặng tại địa phương. Đó chính là những cơ sở để  xác định một sự tồn tại trong nhận thức khoa học về một vùng khai khoáng luyện kim quan trọng để đúc những trống đồng Đông Sơn trên đất Bình Định. Hay nói cách khác, các nhà khoa học đã suy nghĩ về sự tồn tại một trung tâm khai khoáng luyện kim ở vùng thượng lưu sông Côn vào buổi đầu của thiên niên kỷ I. Những chiếc trống Đông Sơn này được đúc từ nguyên liệu của các nguồn quặng ngay tại địa phương. Về mặt kỹ thuật luyện kim, các trống Đông Sơn ở miền Bắc được chế tạo với một kỹ thuật luyện kim tinh xảo, điêu luyện, hoa văn sắc sảo. Những chiếc trống ở Bình Định được đúc với kỹ thuật luyện kim ít điêu luyện, kém tinh tế, chất lượng hợp kim đồng không được hoàn thiện cho lắm. Mặt khác, sự kém cỏi về mặt kỹ thuật luyện kim này đã cung cấp thông điệp về tiêu chí để nhận định chúng không được chế tạo bởi những bàn tay vàng của các người thợ thuộc văn hóa Đông Sơn.

Trong số 14 chiếc trống hiện đã biết, ở khu vực Gò Cây Thị thuộc xã Vĩnh Thịnh đã phát hiện được 6 chiếc. Trong địa phận huyện Vĩnh Thạnh còn phát hiện 2 trống nữa, 1 chiếc ở xã Vĩnh Quang và 1 chiếc ở xã Vĩnh Hiệp. Ngoài những chiếc trống Đông Sơn ở khu mộ Gò Cây Thị còn phát hiện xương cốt của chủ nhân, cùng các đồ tùy táng. Đồ gốm tùy táng không thuộc hệ thống gốm Sa Huỳnh, cũng không thuộc hệ thống gốm Đông Sơn. Đó là những hiện vật chứng tỏ sự tồn tại của một nền văn hóa khảo cổ mang tính địa phương, một nền văn hóa Vĩnh Thạnh trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh ở các dải ven biển miền Trung nước ta và sự kém cỏi về mặt kỹ thuật cũng hình thành nên một tiêu chí để khẳng định tính địa phương, tính bản địa của những chiếc trống đồng Đông Sơn trên đất Bình Định.

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)
Men buồn làng rượu cổ  (16/12/2005)
Du lịch văn hóa Bình Định: Một tiềm năng  (16/12/2005)