Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan
14:10', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan (Hoài Nhơn) đã có từ lâu lắm, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Sản phẩm tiếp xơ ngày nay vẫn còn được gìn giữ, song phần lớn các gia đình đã chuyển sang sản xuất thảm xơ dừa.

 

              Một nghệ nhân làm tiếp xơ dừa ở Tam Quan.

 

Cây dừa Tam Quan đã đi vào ca dao, hò vè và lưu truyền qua bao thế hệ. Người dân ở đây, từ khi cất tiếng khóc chào đời, đã được nghe tiếng ru của mẹ:

"Công đâu công uổng công hoang

Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa.

Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan".

Khi lớn lên, dù ở quê nhà hay đi tận miền xa vẫn khắc sâu hình ảnh cây dừa với bao nỗi niềm thương nhớ thời thơ ấu. Dừa ở Tam Quan được trồng khắp mọi nơi, mọi chỗ, từ vùng đất gò đến dọc bờ mương, từ sau vườn đến tận bờ ao, từ đầu thôn đến cuối xóm đâu đâu cũng rợp bóng dừa, khách đến thăm chơi được dừa chở che bóng mát.

Đối với người Tam Quan thì xưa nay cây dừa là một phần tài sản của họ, gắn liền với cuộc sống của họ. Toàn thân cây dừa không bỏ một món nào: cơm dừa dùng để nấu dầu, sọ dừa dùng để làm gáo và khi đốt sọ dừa tạo ra một loại than hoạt tính có nhiều công dụng, gỗ dừa dùng làm nhà, lá dừa đánh tranh lợp nhà, tàu dừa dùng làm củi, xơ dừa làm dép, bện dây, làm thảm vừa đẹp vừa bền.

Khi nghề dệt thảm ra đời, thì nghề tiếp xơ làm dây neo đã có từ trước vì nó gắn liền với người làm biển. Để sản xuất dây dừa, người ta lấy nguyên liệu từ vỏ quả dừa khô. Mỗi vỏ quả dừa nguyên được chia làm 6 hoặc 8 miếng, người thợ kê vỏ dừa trên một tấm đá phẳng chôn âm trong lòng đất 2/3, còn 1/3 trên mặt đất, dùng chày vồ hoặc búa đập giập đến khi những sợi chỉ đã tưa ra đúng độ mịn thì dừng lại. Vỏ dừa khô sau khi đập tưa, được ngâm nước một ngày một đêm cho nhựa ra hết và xơ dừa no nước thì vớt ra giũ sạch những hạt cám, còn lại những sợi cước nhỏ, chuẩn bị cho công đoạn tiếp xơ.

Người thợ chọn hai thân cây thích hợp ở trước nhà hoặc trong vườn, khi tiếp xơ, phụ nữ mặc yếm đen, tóc búi lọn phía sau, phía trước đeo một cái rế thõng xuống ngang ngực, đựng những bó xơ để tiếp sợi; đối với các cụ bà thì bên hông mang túi trầu. Những người thợ tiếp xơ với đôi bàn tay khéo léo và lối di chuyển mềm mại, chỉ một lúc sau những sợi dây dừa cứ nhiều lên, như muốn níu chặt 2 thân cây lại. Những đêm trăng thanh cùng ngọn gió nồm man mác, những đôi nam thanh nữ tú tập trung trong vườn dừa, người đập xơ, người làm xơ, người tiếp xơ, họ hát hò đối đáp với nhau. Những câu hò nói về tình yêu quê hương đất nước, về lao động sản xuất, tình yêu và cuộc sống:

Ơ… ơ… ơ

Núi Liên Sơn không đời nào lở

Sông Vĩnh Hà không thuở nào khô

Trực Tây ngồi ở trong ao hồ;

Anh là người kinh sử

Không phải đồ lem nhem.

Chàng trai đáp lại:

Anh tới đây đứng lại mà xem;

Trực nhìn trong bốn bạn chị em vui cười.

Lòng anh hớn hở như ươi

Giải sầu tâm huyết, mặt tươi như hường.

Anh tới đây ai thấy cũng thương,

Ngó vô bốn bạn trong trường tiếp xơ.

Anh tới đây vốn thật tình cờ.

Hát không bạn nói, kẻo chờ quá khuya…

Cứ như thế cho đến xong công việc, và hẹn đến đêm mai, có nhiều cặp nam thanh nữ tú được se duyên sánh bước từ nghề tiếp xơ này.

Sau khi xơ được chuẩn bị xong là đến công đoạn xe dây. Người thợ nối hai đầu dây xơ vào hai bàn quay đặt cách nhau, họ quay chéo lại với nhau tạo thành nhiều loại dây lớn nhỏ khác nhau: dây lớn làm dây neo, dây nhỏ dùng làm dây gầu xách nước, dây nhỏ nữa dùng buộc trụ nhà… Sách xưa viết rằng: Dây neo làm ở Tam Quan là bền và nổi tiếng. Hiện nay tại các phế tích ở các cửa sông bị bồi lấp, người ta phát hiện được những đoạn dây neo làm bằng xơ dừa.

Ở Tam Quan, nghề xe dây không tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu xơ dừa của địa phương. Những người làm nghề đã sáng chế ra loại khung để dệt những tấm thảm xơ dừa vừa bền, vừa đẹp, xuất ra các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc… trở thành nghề truyền thống của địa phương.

  • Nguyễn Văn Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)
Hoài Nhơn trong giấc mơ bay xa  (16/12/2005)
Ngày mới ở vùng cao An Toàn  (16/12/2005)