Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả
14:18', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Đó là mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Giàu, một nông dân sản xuất giỏi ở đội 5, thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá (An Nhơn). Sau 9 tháng thả nuôi, đàn cá chình của ông Giàu đã phát triển ổn định. Ông thắng lớn nhờ thời điểm thu hoạch lại đúng vào lúc giá thu mua cá chình trên thị trường tăng cao.

 

Đoàn cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình nuôi cá chình của ông Giàu.

 

* Từ nuôi heo chuyển sang nuôi cá chình

Trước khi chuyển sang nuôi cá chình, gia đình ông Nguyễn Giàu đã được nhiều người biết đến với những dãy chuồng heo luôn "đầy ắp" với sản lượng xuất chuồng mỗi năm đạt đến hơn 3 tấn heo hơi. Với 6 sào đất chuyên trồng đậu và bắp cùng với 1 sào ruộng trồng rau muống, gia đình ông Giàu đã chủ động đến 2/3 nguồn thức ăn cho đàn heo của mình. Trong suốt nhiều năm liền, trong dãy chuồng của nhà ông Giàu luôn ổn định một đàn heo với số lượng 15 con. Bằng phương pháp nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cứ 3 tháng heo xuất chuồng 1 lần với trọng lượng đạt bình quân 70kg/con. Với 45 con heo xuất chuồng mỗi năm (hơn 3 tấn heo hơi), sau khi trừ mọi chi phí, ông Giàu đã đạt lãi ròng 36 triệu đồng - một khoản thu không nhỏ đối với một hộ nông dân.

Thế nhưng đứng trước sự bấp bênh của thị trường giá heo, ông Giàu đã thấy "xao lòng" trong chuyện làm ăn của mình. Vừa lúc ấy, GS.TS Hoàng Đức Đạt - Chuyên gia về cá thuộc Viện Sinh học nhiệt đới TP HCM - nhân chuyến đi xuyên Việt để "Điều tra về nguồn lợi và sự di cư của cá chình", trong những ngày về Bình Định có ghé thăm mô hình kinh tế trang trại gia đình của ông Giàu. Nhìn ra tiềm năng của hộ nông dân sản xuất giỏi này, GS.TS Hoàng Đức Đạt đã giới thiệu với ông Giàu mô hình nuôi cá chình. Theo vị chuyên gia này cho biết thì Bình Định là một trong những khu vực phân bố chính của loài cá chình nên nguồn giống trong môi trường tự nhiên là rất lớn. Đây là một lợi thế mà những hộ chăn nuôi cần nắm bắt. Hiện nay, những hộ nuôi cá chình ở các địa phương khác như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Lạt, Nha Trang, Bình Thuận… đều mua giống từ Bình Định. Vả lại, nuôi cá chình không tốn nhiều công lao động nên rất phù hợp với hoàn cảnh của nhiều hộ nông dân, và đặc biệt, đầu ra của cá chình là rất ổn định từ thị trường tiêu thụ trong nước và cả thị trường xuất khẩu. Sau khi được GS.TS Hoàng Đức Đạt hứa sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn và kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, ông Giàu quyết định dùng số vốn tích lũy trong quá trình chăn nuôi heo để đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá chình.

* 400 con giống trong 50m2 mặt hồ

Đã nghĩ là làm, ông Giàu tiến hành xây dựng một cái hồ rộng 50m2 (sâu 2,6m). Để bảo đảm độ ẩm và chống thấm, hồ được xây kiên cố với phần móng và tường hồ làm bằng đá chẻ cao 1,6m (phần còn lại được xây bằng gạch 6 lỗ). Với diện tích này, ông Giàu có thể thả nuôi từ 500-550 con giống (0,2kg/con). Tuy nhiên, vì là bước đầu thử nghiệm và cũng vì giá giống khá đắt (185.000đ/kg) nên ông Giàu chỉ thả nuôi 400 con (80kg giống). Vì cá chình thuộc nhóm cá ăn mồi sống chỉ thích hợp với môi trường nước sạch và có nhiều oxy nên hồ được trang bị hệ thống bơm để thay nước thường xuyên và hệ thống lọc nước sinh học nhằm tạo oxy cho cá. Thức ăn cho cá là các loại mồi sống như: cá sống, ốc, nhộng tằm, giun… cũng được làm sạch trước khi thả vào hồ để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Với 400 con giống, mỗi ngày đàn cá chình cần khoảng 8kg thức ăn. Bà Trần Thị Nhàn (62 tuổi, vợ của ông Giàu) cho biết: "Loại thức ăn mà chúng tôi chọn cho đàn cá chình của mình là cá hố bởi nó có nhiều thịt. Cá hố phải được chọn mua thật tươi, vì nếu là cá ươn thì cá chình sẽ không ăn. Sau khi mua về, cá hố được cắt bỏ đầu, băm thật nhỏ rồi để vào tủ lạnh giữ tươi cho cá ăn thành nhiều bữa. Mỗi ngày chúng tôi phải mua khoảng 10kg cá hố, giá 8.000đ/kg, như vậy mỗi ngày đàn cá chình ăn hết gần 100.000đ thức ăn".

Đến nay, sau 9 tháng thả nuôi, đàn cá chình của ông Giàu đã tăng trọng bình quân 1kg/con. Dự kiến đến 3 tháng sau (tròn 1 năm) thì trọng lượng cá chình sẽ đạt đến 1,5kg/con. Sau khi hao hụt trong suốt quá trình nuôi, hồ cá chình của ông Giàu chắc chắn sẽ còn 300 con, đến khi xuất hồ ông sẽ có khoảng 450kg cá chình thương phẩm. Với giá cá chình hiện nay là 280.000đ/kg (tại TP HCM) thì mô hình cá chình "đầu tay" sẽ cho ông Giàu khoản thu là 126 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư xây dựng hồ, cá giống và thức ăn là 57 triệu đồng, ông Giàu còn lãi ròng 69 triệu đồng.

Từ hiệu quả của hồ nuôi 50m2 nói trên, gia đình ông Giàu tiếp tục mở rộng sản xuất với một hồ khác rộng đến 250m2 để nuôi cá chình kết hợp với cá bống tượng. Ông Nguyễn Giàu cho biết: "Vì cá chình và cá bống tượng có chung một "gu" thức ăn nên việc nuôi kết hợp rất thuận lợi. Hiện dưới hồ lớn chúng tôi đã thả nuôi gần 1.500 cá bống tượng, sau 3 tháng nuôi, các con lớn nhất đã đạt trọng lượng 1,2kg/con. Theo dự trù thì trong hồ lớn này chúng tôi sẽ thả nuôi kết hợp 1.500 con cá chình. Thế nhưng, để thực hiện việc mở rộng mô hình, chúng tôi đang rất cần vốn vì số lượng giống ấy phải mua mất khoảng gần 60 triệu đồng. Chúng tôi đang trông chờ vào sự hỗ trợ của các cấp ngành chức năng".

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Trên đường hội nhập  (01/03/2006)
Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan  (01/03/2006)
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)
Nuôi chình bông - một hướng đi mới nhiều triển vọng ở Bình Định  (16/12/2005)