Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả
14:23', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Hoài Ân được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, nhờ đất rộng, màu mỡ và lao động dồi dào. Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống lưới điện, vùng đất trung du này đã và đang từng bước chuyển mình.

* Từ không đến có

Trạm biến áp Hà Tây (xã Ân Tường Tây) vừa được nâng cấp, đảm bảo cung cấp điện cho hơn 100 hộ dân.

Trước năm 1995, lưới điện quốc gia chưa về được huyện Hoài Ân, toàn huyện chỉ có 4 máy phát điện diezen, với tổng công suất trên dưới 500 KVA, chủ yếu phục vụ cho các cơ quan và người dân ở khu vực trung tâm huyện. Cuối năm 1995, Hoài Ân mới có trạm biến áp đầu tiên tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia. Từ đây, Hoài Ân tăng tốc đầu tư xây dựng mạng lưới điện, nhiều trạm biến áp, nhiều đường dây trung thế và hạ thế được xây dựng ở khắp các vùng quê. Hệ thống lưới điện của huyện ngày một tỏa rộng, vươn dài khắp các buôn làng xa xôi hẻo lánh. Các xã trung du, miền núi khó khăn như Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Đăk Mang, Bok Tới… vào năm 1998 cũng đã hòa được lưới điện quốc gia, nâng số xã ở Hoài Ân được hưởng điện lưới quốc gia lên 100% xã, với 76/79 thôn có điện, 90% số hộ dân được sử dụng điện. Đến năm 2000, toàn huyện đã có 74 trạm biến áp, tổng công suất 6.715 KVA; chiều dài của đường dây trung thế là 125 km, đường dây hạ thế là 175 km.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2000 đến nay, huyện Hoài Ân đã tích cực đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, nhằm tăng tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện và nâng cao chất lượng nguồn điện trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm huyện đã đầu tư gần 2 tỉ đồng cho việc nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện. Bức tranh miền quê: điện - đường - trường - trạm ở Hoài Ân ngày một hiện rõ lên sắc màu mới, tươi tắn hơn, rực rỡ hơn xưa. Hình ảnh những trụ điện cao thế, trung thế, hạ thế, mang trên mình những sợi dây cáp chạy dọc theo những con đường bê tông xuyên qua những xóm làng, vườn tược, chở nguồn điện năng về phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất đã trở nên thân quen với người dân nơi đây. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín 100% số thôn, làng trên địa bàn huyện, với 98% số hộ dân được sử dụng điện. Chất lượng nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt, cho sản xuất của người dân cũng luôn đảm bảo và ổn định.

* Trở thành sinh lực

Điện về, đã giúp cho người dân huyện trung du này có thêm điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Khi chưa có điện, có ai dám nghĩ đến chuyện xây dựng nhà xưởng, mở cơ sở xay xát, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến nước đá, cửa hàng điện tử… Ở các xã miền núi của Hoài Ân, trước khi có điện, các dịch vụ hầu như là con số không, mọi nhu cầu đều tập trung ở trung tâm huyện và các xã dưới đồng bằng. Điện về, các cơ sở sản xuất, các loại hình dịch vụ đã thi nhau mọc lên trên khắp địa bàn huyện, đáp ứng mọi nhu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt hàng ngày của người địa phương.

 

           Nông dân Hoài Ân chăm sóc trang trại cây ăn trái.

 

Ngoài ra, do địa hình mang đặc thù trung du, miền núi, độ chênh lệch từ mặt nước sông hồ đến ruộng lúa ở nhiều địa phương trong huyện cao trung bình tới 6 mét. Khi có điện, các địa phương này đã đầu tư xây dựng trạm bơm điện để chủ động cho việc tưới tiêu số diện tích đất sản xuất lúa bấp bênh mà lâu nay không chủ động được nguồn nước. Đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có hơn 40 trạm bơm điện, cao nhất tỉnh. Những trạm bơm điện này đảm nhận tưới tiêu cho chừng 20% diện tích ruộng lúa của huyện và phục vụ cho nhu cầu chống hạn của địa phương. Nhờ đó, năng suất lúa từ những cánh đồng này đã không ngừng tăng lên, kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất lúa chung trên địa bàn toàn huyện. Năm 2005, năng suất lúa bình quân của huyện Hoài Ân đã đạt 48 tạ/ha/vụ, tăng 15 tạ/ha/vụ so với trước năm 2000.

Không những thế, khi dòng điện về, bà con vùng đất trung du này đã có điều kiện mua sắm mô tơ phục vụ nước tưới cho những khu vườn cây công nghiệp, cây ăn quả rộng lớn. Bây giờ, nỗi lo về sức người không thể đảm nhận việc tưới nước để phát triển kinh tế vườn đã không còn nữa. Tiềm năng đất đai dồi dào của Hoài Ân đã được khai thác, bà con nông dân có điều kiện thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, phát triển kinh tế vườn có hiệu quả. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã có hơn 200 khu vườn tạp không hiệu quả được cải tạo thành vườn cây ăn quả, với tổng diện tích 620 ha, thu nhập bình quân đạt hơn 25 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 82 trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, với tổng diện tích hơn 693 ha, thu nhập bình quân của một trang trại đạt gần 50 triệu đồng/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2004. Mấy năm gần đây, người Hoài Ân luôn tự hào rằng quê mình có thể ví như "mâm ngũ quả" của tỉnh, bởi nơi đây có đầy đủ các loại trái cây từ đu đủ, xoài, sapôchê, cam sành… cho đến các loại cây trái mà ngày trước chỉ có ở miền đất Nam bộ như chôm chôm, nhãn…

Vâng, dòng điện đã biến thành sinh lực, giúp cho miền đất trung du Hoài Ân tạo bước đột phá đi lên. Gương mặt quê hương Hoài Ân hôm nay đã rạng rỡ hơn xưa. Hình ảnh những vườn cây ăn trái trĩu quả, với một màu diệp lục trải rộng khắp các miền quê; những cánh đồng lúa trĩu vàng nặng hạt; ban đêm, ánh điện tựa ánh sao giăng mắc trên các đỉnh rừng… đã trở nên thân thuộc với người dân vùng đất trung du này.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả  (01/03/2006)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Trên đường hội nhập  (01/03/2006)
Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan  (01/03/2006)
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)
Ghi nhận từ một Đại đội anh hùng  (16/12/2005)
Về người được phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội ta  (16/12/2005)
Nông dân đã chọn lựa cây trồng đúng hướng !  (16/12/2005)