Phát triển ngành Y tế địa phương, phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, huyện Phù Cát cùng một lúc làm được cả hai nhiệm vụ: đầu tư nguồn lực cho bệnh viện (BV) tuyến huyện và y tế cơ sở (YTCS). Điều này đã làm nên cú nhảy ngoạn mục cho ngành Y tế huyện mà không phải địa phương nào cũng làm được.
|
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại đơn nguyên nhi sơ sinh.
|
* Đầu tư nguồn lực
Trong số 11 huyện-thành phố, Phù Cát có hoạt động y tế được tập trung đầu tư nguồn lực ở cả các tuyến. Từ một cơ sở chật hẹp với vài chục giường bệnh và một số loại máy móc, thiết bị cũ kỹ, đến nay, BVĐK huyện đã "lột xác". Công tác xã hội hóa y tế được thực hiện tốt tạo thêm động lực thúc đẩy BV phát triển.
Bên cạnh các trang thiết bị y tế được cấp, Phù Cát đã tìm ra hướng đi riêng cho mình. Từ dự án nâng cấp các trang thiết bị y tế bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật, BV được trang bị thêm nhiều thiết bị y tế hiện đại: máy nội soi dạ dày, siêu âm trắng đen, máy huyết học tự động 18 thông số, máy sinh hóa bán tự động, monitoring… Thế nhưng, đối với Phù Cát, điều đáng nói là sự đồng lòng trong dự án huy động vốn tập thể cán bộ, nhân viên BV để đầu tư 3 loại thiết bị y tế khá "hiếm" tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, là máy siêu âm màu, máy đo điện não đồ và máy đo độ loãng xương.
Để có con người có trình độ chuyên môn cao, BV cử hàng loạt bác sĩ (BS), điều dưỡng viên đi đào tạo nâng cao và chuyên sâu. Đến nay, BV sở hữu một đội ngũ y, BS, trong đó có nhiều người có trình độ cao như thạc sĩ, BS chuyên khoa I, II, dược sĩ chuyên khoa I, cử nhân điều dưỡng. Hiện, BV có 8 khoa lâm sàng: Khám, Nội, Ngoại, Nhi, Sản, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Đông y; 3 khoa cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Dược và Chống nhiễm khuẩn. Mặt khác, để chuyên môn hóa sâu từng chuyên khoa đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, BV thành lập 2 đơn nguyên Nhi sơ sinh và Gây mê hồi sức cấp cứu ngoại.
"Nếu chúng tôi chỉ lo cho tuyến huyện thì cũng không có gì để nói. Thế nhưng, chúng tôi quan niệm, YTCS có vững mạnh thì ngành Y tế huyện mới thật sự phát triển. Vì thế, chúng tôi không ngừng đầu tư cho YTCS" - BS Trương Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, khẳng định. Chính điều này đã tạo ra thế mạnh riêng, vun đắp thêm sự thành công trong hoạt động y tế của huyện. Chỉ sau 2 năm triển khai chuẩn quốc gia y tế xã, củng cố mạng lưới YTCS, tăng cường năng lực khám - chữa bệnh của các trạm y tế, huyện Phù Cát đã làm một cú hích "vô tiền khoáng hậu" khi trở thành địa phương đầu tiên có 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn. Làm được điều này không phải dễ bởi các quy định nghiêm ngặt và cao hơn nhiều so với thực tế của các trạm y tế xã. Tuy nhiên, Phù Cát đã áp dụng cách làm sáng tạo "vừa xây nhà, vừa trả nợ", mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị y tế cao cho trạm y tế xã như máy đo điện tim, máy siêu âm…
* Và đi tới
BS Trương Quang Đạt phấn khởi: "Hiện, BVĐK huyện đã triển khai nhiều ca phẫu thuật dành cho tuyến tỉnh. Bệnh nhân sẽ không còn phải chi phí và tốn nhiều thời gian để đến các BV lớn". Đó là kết quả của sự đầu tư mạnh mẽ nguồn lực.
Hàng loạt ca phẫu thuật chỉ dành cho tuyến tỉnh được BV Phù Cát thực hiện thành công: chụp dịch não tủy, chọc hút dẫn lưu màng ngoài tim, phẫu thuật viêm phúc mạc - tắc ruột, cắt toàn bộ tử cung đường bụng, đo loãng xương, đo đường kính hồng cầu, phẫu thuật sỏi bàng quang, cấy chỉ trong chữa hen phế quản, chẩn đoán nhồi máu cơ tim, bóc u vú và điều trị bảo tồn thành công xẹp đốt sống, vỡ bao gan, HDL-Cholesterol, LDL-Cholesterol… Năm 2005, BV phẫu thuật 808 ca, trong đó phẫu thuật loại một 105 ca, phẫu thuật loại hai 600 ca và phẫu thuật loại ba 103 ca.
Với việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, đội ngũ y, BS có trình độ chuyên môn sâu, BV thu hút ngày càng đông bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh liên tục vượt 100%.
Trong khi đó, chất lượng khám - chữa bệnh tại YTCS được nâng lên đáng kể. Năng lực khám - chữa bệnh được tăng cường, bệnh nhân ngày càng tăng, nhiều mặt bệnh được BS điều trị tại trạm. Việc triển khai hoạt động xét nghiệm, sản khoa đã góp phần tăng chỉ số hấp dẫn, hạn chế sai sót chuyên môn để người bệnh đến trạm y tế, giảm quá tải tại BV huyện. Tín hiệu vui của Phù Cát là trong vài năm trở lại đây, số bà mẹ sinh tại trạm y tế chiếm gần 1/3 số trường hợp cả huyện. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, trạm y tế xã Cát Thành, nói vui: "Trước đây, sản phụ đến trạm để khám thai nên tôi còn phụ trách chương trình mục tiêu quốc gia, còn bây giờ thì khổ rồi! Trừ những ca khó sinh phải vào BV, còn lại các chị đều đến trạm".
* Cho chặng đường tiếp theo
11 giờ - giờ nghỉ trưa.
Tại khoa Khám bệnh, phía hành lang, người dân vẫn đến. Trong phòng khám, các y, BS vẫn làm việc, bệnh nhân vẫn không ngớt. Mặc dù, hơn năm nay, BV đã tăng thời gian phục vụ tại khoa Khám bệnh sớm hơn quy định 30 phút mỗi buổi sáng hàng ngày, để giải quyết nhu cầu của người dân.
Tại phòng Hành chính, khoa Sản, các điều dưỡng viên vẫn cặm cụi bên đống hồ sơ bệnh án và các giấy tờ, sổ sách. Ở phòng Sinh, BS Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó trưởng khoa - và một điều dưỡng viên vẫn bận bịu với dụng cụ, máy móc để đo tim thai cho một sản phụ sắp sinh. Giờ ăn cơm trưa và nghỉ ngơi trôi qua một cách nhanh chóng.
Chị Hoa cho biết: "Khoa chỉ có 14 giường bệnh theo chỉ tiêu nhưng liên tục bị quá tải. BV đã kê thêm đến 26 giường bệnh, vậy mà cũng không ăn thua. Ngay thời điểm này, khoa đã tiếp nhận 31 ca sinh". Giường bệnh đã thiếu, BS càng thiếu hơn. Cả khoa Sản chỉ có hai BS thay phiên nhau trực. Vừa rồi một BS được cử đi học nên chỉ còn lại một người. Vì thế, BS Hoa gần như không thể nghỉ bù hay nghỉ phép. Nhiều hôm, bệnh nhân vào nhiều, BS đối phó bằng cách ưu tiên cho những ca có nguy cơ trước, hoặc phải nhờ đến sự "viện trợ" của BS khoa Ngoại.
BS Đạt cho biết thêm: "Bệnh nhân đông, BV huyện quá tải là chuyện bình thường. Đằng này, ngay cả YTCS cũng rơi vào cảnh này. Vì thế, huyện Phù Cát thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là BS, khoảng 30 người. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm các chuyên khoa sâu, tăng cường đầu tư nhân lực cho các tuyến, khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người dân".
|