Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân
11:57', 2/4/ 2006 (GMT+7)

Ai rời Hóc Nghệ, Ô Căm

Bỏ dâu ai hái, bỏ tằm ai nuôi?

* Vùng đất giàu tiềm năng

Hoài Ân, vùng đất được thiên nhiên ban tặng những thắng cảnh hữu tình như thác Đá Yàng (Ân Hảo), thác Đổ Nghĩa Điền (Ân Nghĩa), thác Hóc Đèn (Ân Mỹ), cùng hàng chục con suối với nguồn nước mát trong đổ về 2 dòng sông Kim Sơn, An Lão, hội tụ nên vùng đất Phú Văn - nơi còn lưu truyền Núi Bút - Đầm Nghiêng phản ảnh sự hiện hữu của ý chí con người quyết tâm lập thân bằng chữ nghĩa. Nơi đây có những làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa Ân Thường, Kim Sơn mà đến hôm nay vẫn còn lắng đọng câu ca "Ai rời Hóc Nghệ, Ô Căm/ Bỏ dâu ai hái, bỏ tằm ai nuôi?"; rồi làng làm nong (Đức Long), làng làm nón lá (Vĩnh Đức) là niềm tự hào cho bao thế hệ cháu con gìn giữ. Hoài Ân còn lưu giữ dấu chân một thời khai cơ lập nghiệp của nhiều dòng họ mà hôm nay về Vạn Hội ta còn nhận ra ngôi mộ rêu phong "Trần Gia Tổ Cơ"; về Thanh Lương thấy dấu tích hơn trăm năm của ngôi chùa Thanh Sơn trầm mặc; về Ân Đức, Ân Tường chiêm ngưỡng những ngôi nhà lá mái ghi dấu thời gian. Và, chúng ta khó quên những con người làm nên vùng đất hiếu học như cụ Hồ Văn Nghĩa - ở làng Vĩnh Viễn - người đầu tiên mở ra thế hệ khoa cử của Bình Định; rồi Trần Văn Chánh ở làng Linh Chiểu - vị tiến sĩ đầu tiên của đất Hoài Ân; nghe đâu đó những bài thơ, bài vè, những câu chuyện tiếu lâm Mười Giáo. Đặc biệt lắng nghe tiếng vó ngựa vọng về của vị anh hùng dân tộc Tăng Bạt Hổ - nhà chí sĩ yêu nước thời Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà hôm nay trên quê hương ông, làng Ân Thường (Ân Thạnh) đã xây dựng một ngôi nhà tưởng niệm, quanh năm khói hương tưởng nhớ…

 

Nhà lưu niệm Tăng Bạt Hổ xây dựng năm 2001, hiện là một trong những điểm tham quan của du khách khi đến Hoài Ân.

 

Thời gian và chiến tranh đi qua, mỗi tên đất tên làng ở Hoài Ân là những dấu son lịch sử, nơi đã từng là hậu cứ cách mạng an toàn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bất khuất và anh dũng của dân tộc. Nơi đây đã ghi đậm những chiến công oai hùng của nhân dân Hoài Ân như Vạn Đức (Ân Tín) - nơi đầu tiên hiệu triệu toàn dân Hoài Ân làm cách mạng dưới cờ Đảng Cộng sản Việt Nam (7-1931); Sân vận động Ân Thường, Huyện đường Hoài Ân - nơi phản ảnh khí thế hào hùng của ngày giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong thời chống Mỹ, những chiến thắng Vạn Trung, Năng An, Xuân Sơn, Núi Chéo, Núi Chợ, cho đến chiến thắng Gò Loi, đồi Đất Đỏ - giải phóng hoàn toàn Hoài Ân trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, mà hôm nay, tại những nơi đó, những công trình văn hóa, những bia bản ghi dấu lịch sử, những tượng đài tưởng niệm được nhân dân xây dựng, mãi mãi là niềm tự hào về truyền thống của thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong hơn 30 năm xây dựng, trên đất Hoài Ân đã hình thành nhiều công trình văn hóa, nhiều công trình dân sinh không chỉ đem lại lợi ích cho phát triển đời sống vật chất mà còn chứa đựng những tiềm năng phục vụ nhu cầu tinh thần lâu dài như hồ Vạn Hội, hồ Thạch Khê…, những công trình thủy lợi có thể xây dựng thành khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch sinh thái trong nay mai. Hòa vào đó, Hoài Ân có 3 dân tộc anh em đã tạo dựng nét truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội dân gian giàu bản sắc, là nơi tìm đến của bao người để tìm hiểu, chiêm nghiệm và nghiên cứu.

* Cần một kế sách để đánh thức tiềm năng

Trong những năm qua, Bình Định đã và đang phát triển tiềm năng kinh tế du lịch hòa vào tuyến điểm du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Với lợi thế thiên nhiên ban tặng gần 200 km bờ biển có thể hình thành nhiều khu vui chơi, bãi tắm…; những di sản văn hóa, di tích lịch sử ở các huyện dọc theo Quốc lộ 1A là những điểm đến lý tưởng cho du khách... Tuy nhiên du lịch không thể thiếu món ăn tinh thần cho du khách là tham quan tìm hiểu, đắm mình trong không khí trong lành của rừng đại ngàn ở các huyện trung du - miền núi. Ở đó có những ngọn núi, những cánh rừng mang trong mình bao huyền thoại; những thác nước do thiên nhiên tạo dựng hữu tình; những tộc người Ba na, Chăm, Hre với những lễ hội văn hóa dân gian làm xao xuyến lòng người; và đặc biệt là vùng hậu cứ cách mạng, với những tên đất tên làng ghi đậm những chiến công hào hùng của dân tộc. Đó là điều kiện, cơ hội để cho ta khai thác.

 

Hồ Vạn Hội (xã Ân Tín) có thể là nơi xây dựng điểm du lịch sinh thái trong tương lai.

 

Ở Hoài Ân, xác định được tiềm năng vốn có, Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã đề ra quyết sách "Xây dựng, phát triển dịch vụ thương mại và du lịch trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ 5 năm (2005 - 2010)...". Vấn đề đặt ra là phù hợp với nhu cầu thực tế. Để góp phần phát triển tiềm năng kinh tế và du lịch của Hoài Ân, điều cấp thiết là các cấp ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, hoạch định một kế sách tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Trước mắt, năm 2006 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm - việc đầu tư nâng cấp phát huy di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ; xây dựng Nhà bia nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện tại Vạn Đức - Ân Tín; kêu gọi đầu tư xây dựng khu vui chơi, du lịch sinh thái hồ Vạn Hội và bảo tồn các lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc Hre, Ba na ở xã Ân Sơn để hình thành tuyến tham quan, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái là điều nên làm. Đây chính là hành động thiết thực góp phần đưa Nghị quyết Đảng bộ huyện vào cuộc sống. Tiềm năng kinh tế du lịch của Hoài Ân được đánh thức sẽ đem lại lợi ích thiết thực, góp phần xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

  • Hà Hoài Ân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)
Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả  (01/03/2006)
Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả  (01/03/2006)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Trên đường hội nhập  (01/03/2006)
Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan  (01/03/2006)
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)
Những ly rượu buồn  (01/03/2006)
Tiểu đoàn bộ binh 52 với hệ thống bia phục vụ bắn 2 chiều  (16/12/2005)
Đi dân nhớ, ở dân thương  (16/12/2005)