Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức sâu thẳm của ông vẫn còn khắc ghi những ngày tháng ông và đồng đội vào sinh ra tử và kiên trung giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng ngay trong lao tù của địch.
|
Ông Trần Thừa |
Cách đây gần 40 năm thành phố Quy Nhơn đang là vùng địch tạm chiếm. Ông tên thật là Trần Thừa, là người mang bí số 02 - cơ sở bí mật của đơn vị Tây Sơn 1 hoạt động cho Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn ngày ấy. Nhìn những tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì, kỷ niệm chương bị giặc bắt tù đày, giấy chứng nhận cán bộ hoạt động thành, cùng bao giấy tờ chứng nhận của đồng đội, chỉ huy trong suốt quá trình công tác của ông tại Quy Nhơn cũng như trong lao tù, chúng ta không thể hình dung được người đàn ông hiền lành, vẻ mặt khắc khổ ấy lại là một con người gan dạ đến thế.
Tham gia công tác nội thành từ năm 1966 cho đến ngày giải phóng, ông Thừa đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như treo cờ Mặt trận trong các ngày lễ, tuyên truyền vận động thanh niên không đi lính cho địch, tổ chức đưa thanh niên thoát ly ra vùng căn cứ, thường xuyên báo cáo tình hình của địch về căn cứ Núi Bà, về Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn, vận động tài chính ủng hộ Cách mạng, tham gia rải khuyến cáo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cho gia đình và bản thân những tên ác ôn khét tiếng, có nợ máu với dân, với nước để chúng phải lo lắng, sợ sệt và cút khỏi nơi sinh sống… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành và hoàn thành tốt khiến tổ chức ngày càng tin tưởng.
Phẩm chất đáng quý nhất trong con người ông là tấm lòng kiên trung với cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng. Bởi ông biết rằng, nếu ông bị địch bắt thì đàn con 7 đứa, chưa đứa nào lớn khôn của ông sẽ ra sao một khi vợ ông cũng là một cơ sở cách mạng, một chiến sĩ hoạt động nội thành. Thế nhưng, ông đã quyết tâm và làm bằng được điều mà không dễ ai cũng có thể làm. Hoạt động cách mạng đã khó khăn mà giữ được phẩm chất người cộng sản trong lao tù lại càng khó khăn hơn. Sau một lần bị lộ, bị chỉ điểm, ông bị bắt, bị tra tấn đánh đập hết sức dã man nhưng ông vẫn không hé răng khai ra tổ chức, đồng chí của mình. Hết đòn roi địch lại dùng đến cực hình, nào đổ nước, tra điện vào đầu, nào đánh vào phổi, vào tim. Kẻ thù không ngừng nghĩ ra những đòn tra tấn nghiệt ngã nhất khiến ông sau khi ra tù trở về với bà đã không còn là một người chồng, người đàn ông lành lặn. Vết thương ngày ấy luôn để lại những di chứng mãi mãi về sau cho ông, từ những cơn đau dai dẳng mỗi khi trái gió trở trời cho đến những lần lên cơn do bị tra điện. Sức chịu đựng của ông quả là đáng phục, bởi ròng rã suốt cả tháng trong tù, không ngày nào là ông không bị kẻ thù tra tấn đánh đập dã man, nhưng chúng cũng không moi được gì ở ông. Sau cùng, chúng lôi ông ra tòa xét xử với bản án 24 tháng tù nhưng lại đánh dấu CL (câu lưu - tức là người tù không biết ngày về) trên góc trái của bản án khiến ông không thể bước chân ra khỏi chốn tù đày.
Gần hai năm ở tù, ông Thừa đã để lại trong lòng bạn tù, trong lòng đồng chí, đồng đội một tình cảm sâu sắc và hình ảnh một người chiến sĩ gan dạ. Bà Thái Thị Còn - người bạn tù, người đồng chí đã cùng ông hoạt động - nhận xét: "Địch dùng nhiều hình thức tra tấn đánh đập dã man nhưng ông Thừa vẫn giữ vững khí tiết, không hề khai báo điều gì có hại cho cách mạng".
Chiến tranh đã khép lại mọi đau thương, mất mát, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển và dựng xây, dân tộc ta đang nắm tay nhau cùng bước sang thiên niên kỷ mới. Trong sâu thẳm trái tim người thanh niên xung phong thời chống Pháp, người chiến sĩ cách mạng thời chống Mỹ và nay là một con người bình dị như bao con người khác luôn mong muốn được nhìn thấy lớp lớp cháu con trưởng thành, sống trong hòa bình, độc lập và tự do, được cống hiến sức mình cho đất nước như cha anh chúng ta từng làm. Với ông, được sống đến ngày hôm nay để chứng kiến bao đổi thay của đất nước là nhờ ơn Đảng và Bác Hồ, đã sáng suốt lãnh đạo kháng chiến thành công, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có thành phố Quy Nhơn thân yêu của chúng ta.
*
***
Một mái nhà nho nhỏ nằm trong con hẻm sâu của đường Phạm Ngọc Thạch thuộc tổ 24, khu vực 3, phường Trần Phú, lúc nào chúng ta cũng có thể gặp gỡ, trò chuyện và nghe người chủ căn nhà ấy - ông Trần Thừa, người chiến sĩ nội thành năm xưa - kể về những tháng năm ông cùng đồng đội chịu cảnh tra tấn tù đày thật dã man của kẻ thù.
|