Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc
12:25', 2/4/ 2006 (GMT+7)

Di tích ở một giới hạn nào đó là sản phẩm mang tính văn hóa của con người để lại, nó có một giá trị tự thân mang theo những vấn đề về lịch sử và xã hội, chúng nằm ngoài nhận thức và quyền lực của con người, ngoại trừ sự phá hoại. Kiến trúc cổ là một bôï phận của di tích nói chung, mà nơi hội tụ nhất là kiến trúc gắn với tôn giáo tín ngưỡng. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc mang tính cộng đồng cao và gắn liền với tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa... của người Việt.

 

Không gian - môi trường - cảnh quan chùa Thập Tháp (xã Nhơn Thành - An Nhơn). Ảnh: N.T.Q

 

Mỗi ngôi đình, đền, chùa trước hết là trung tâm văn hóa của làng xã, có khi của một vùng hay của toàn dân. Bên cạnh kết cấu kỹ thuật của từng giai đoạn lịch sử, vấn đề tâm linh được chuyển tải theo và giữ một vai trò hết sức quan trọng, có khi chi phối cả mặt bằng, chiều cao, không gian - môi trường - cảnh quan và các mặt khác nhau của di tích.

Di tích kiến trúc cổ của người Việt hầu hết nằm ở vùng nông thôn, và nhờ ở môi trường nông thôn, di tích mới giữ được phần nào cảnh quan khởi nguyên. Môi trường cảnh quan ấy, trong một mức độ tương đối, người ta đã tạm thời phân chia thành bốn không gian cơ bản. Đồng ruộng mênh mông, không phải là nơi cư trú, là không gian tự nhiên, ít yếu tố văn hóa, đó là không gian thứ nhất. Tiếp tới, bìa làng là không gian thứ hai, hòa trộn giữa môi trường tự nhiên và văn hóa. Không gian thứ ba là trong làng, không còn đồng ruộng, mang đậm tính văn hóa. Vào trong nhà là không gian văn hóa đậm đặc, là không gian thứ tư. Như vậy, trong mỗi di tích thường chứa đựng cả một không gian văn hóa cộng đồng, chứa đầy truyền thống, được hình thành bởi nhiều yếu tố lịch sử và xã hội.

Người Việt nhìn nhận trong bao la có một khối sinh lực nào đó ở tầng trên. Dòng sinh lực vũ trụ này dần được đồng nhất với mọi nguồn hạnh phúc, chảy xuống mặt đất, làm nảy nở thành sự sống. Nhưng dòng chảy thiêng liêng ấy chỉ xảy ra ở những mảnh đất hội được các điều kiện nhất định nào đó, mà người xưa bằng kinh nghiệm đã nhận thấy được. Nơi ấy họ thường dựng các kiến trúc tôn giáo. Mảnh đất tụ linh, tụ phúc ấy bao giờ cũng cao hơn xung quanh và chỉ có thể duy trì được vai trò lâu dài của nó khi kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa. Trước hết là hướng.

Người Việt coi hướng Bắc là hắc ám, giá rét; hướng Đông là nơi của các thần, hướng mặt trời mọc, di tích quay mặt hướng này sẽ bị ánh dương rọi vào làm hồn thần bị tán và không tụ; hướng Tây được quan tâm đối với các di tích khá cổ, vì hướng này phù hợp với quy luật đối đãi của âm dương; hướng Nam thường được chú ý nhiều hơn cả, vì trước hết đó là hướng gió mát mẻ vào mùa hè, tránh rét vào mùa đông. "Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam", "Nhà hướng nam không làm cũng có ăn". Theo đạo Phật thì hướng Nam trong sáng, đồng nhất với trí tuệ, mà đạo Phật lấy trí tuệ để diệt trừ ngu tối, tức mầm móng của tội ác; hướng Nam còn mang tính dương cũng gắn với hạnh phúc, với điều thiện...

Ngoài ra, đối với một di tích kiến trúc còn được quan tâm tới không gian xa và không gian gần. Với không gian xa, người ta chú ý tới thế đất, mặt trước phải quang đãng, và càng đẹp hơn khi có núi đồi chầu về tạo nên một tiền án và nhất là có "tả Thanh Long hữu Bạch Hồ", hai gò đống hai bên... Tóm lại, di tích kiến trúc có thế tựa, hai bên có thế tì và nguồn thủy lưu trước mặt tạo nguồn hạnh phúc. Với không gian gần, người ta thường bố cục di tích trong một thế cân bằng của âm dương đối đãi, cụ thể là kiến trúc (cao) mang yếu tố dương, nước (thấp) mang yếu tố âm. Quan niệm xưa thường tạo các giếng nước lớn trước mặt di tích, đó là những điểm tụ phúc (thường thấy ở các đình làng). Ngoài ra, người ta còn tạo một bức bình phong cho ngôi đình để tránh luồng gió tà độc thổi vào điện thờ. Các ngôi chùa không có bình phong, nhưng lại được bổ sung hòn non bộ, tượng trưng cho núi Linh thứ (đất Phật), ở trước cửa tiền đường và để nhắc nhở kẻ hành hương không bước ngay vào giữa cửa Tam bảo.

Nói đến không gian của di tích văn hóa lịch sử cổ truyền, ngoài những điều như nêu trên, còn một yếu tố quan trọng khác là cây cỏ. Cây cỏ được ví như bộ quần áo đẹp để tô điểm cho di tích, làm cho chúng hòa quyện vào môi trường và không cách biệt. Mặt khác, cây cỏ còn là biểu hiện sự tươi tốt của mảnh đất thiêng, đất lành của muôn loài. Tuy nhiên, không phải di tích nào cũng có số lượng cây cỏ cùng loài như nhau, mà tùy theo từng loại hình kiến trúc người ta trồng những cây tương ứng.

Đình vốn xuất thân là nơi ban bố lệnh của triều đình, sau đó được cấy vào một hay nhiều vị thành hoàng làng. Đình còn là một nhà cộng đồng để giải quyết việc làng, nên ngôi đình có mối quan hệ gần với đời thường, khiến con người đi từ trong làng vào địa phận đình ít có cảm giác thay đổi về không gian. Đình thường không trồng nhiều cây, phía trước mặt đình là một khoảng sân thoáng rộng, cây lớn chỉ được trồng phía sau và hai bên, chủ yếu là các loại cây um tùm tạo bóng mát như: bàng, sanh, đa, bồ đề... cùng một ít cây có hoa như : phượng, điệp và một vài loại cây hoa nhỏ.

 

             Linh Phong Tự (Cát Tiến - Phù Cát). Ảnh: ĐTĐ

 

Đối với đền và chùa thì cây cỏ thường có ý nghĩa và nhiều hơn. Ở đây cây cối thường hòa với kiến trúc thành một tổng thể thống nhất. Mặc dù di tích chiếm vị trí trung tâm, nhưng đôi khi người ta cảm thấy chúng như cố thu mình lại trước cỏ cây để trả cho không gian sự vĩnh hằng. Do vậy, vào trong khuôn viên chùa, kẻ hành hương hầu như có cảm giác bước vào một không gian khác, nơi đó những ý tưởng ngoài đời, những vướng mắc thường nhật đã được gạt bỏ, đưa con người trở về với sự hồn nhiên trong trắng. Đền thường được trồng một cây si lớn ở giữa sân gần cửa, cũng có khi ở bên hoặc sau đền và một số cây khác như: ngọc lan, hoàng lan, sứ, cau, trúc, thông, tùng...

Theo dòng chảy của thời gian, không gian tâm linh trên di tích ngày một tàn phai, những cây thiêng, cây thế, hoa lá đã tạo nên một thế giới tươi tốt, một không gian rất gần với tự nhiên, đối trọng với cuộc sống ồn ào, bon chen đời thường ngày một thay đổi. Ở nhiều vùng, trong xu thế đô thị hóa, vai trò khởi nguyên của ngôi đình bị giảm hẳn, đình dần mang thêm chức năng của đền để thành nơi lễ bái thường xuyên và người ta quây đình lại trong những tường bao. Đôi khi với ý thức thực dụng, người ta đưa thêm vào kiến trúc nhiều cây cối ít có giá trị văn hóa hoặc cây ăn quả, cây lấy gỗ... Song tinh thần Việt vẫn là điều không thay đổi. Cây cỏ đã tạo nên cho di tích nét trữ tình muôn thuở.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)
Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân  (02/04/2006)
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)
Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả  (01/03/2006)
Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả  (01/03/2006)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Trên đường hội nhập  (01/03/2006)
Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan  (01/03/2006)
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)
Có một "Hội Pưn" ở làng Kon Tơ-lok  (01/03/2006)
Đinh Bằng: Nghệ sĩ của bản làng…  (01/03/2006)