Quy Nhơn: Nhìn về những con đường, khu phố
16:24', 2/4/ 2006 (GMT+7)

Đô thị Quy Nhơn bắt đầu hình thành và phát triển từ khoảng thế kỷ thứ XVII, đến nay đã trải qua hơn 400 năm. Qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, mỗi triều đại - chế độ khác nhau, Quy Nhơn luôn là trung tâm hành chính - văn hóa của địa bàn tỉnh Bình Định ngày nay.

 

                   Một góc thành phố Quy Nhơn. Ảnh: H.S

 

* Phát triển ở nhiều góc độ

Kế thừa những đặc tính vốn có, trên nền tảng thiết kế của các con đường làng trung tâm của 2 làng Chánh Thành và Cẩm Tượng xưa kia, đến năm 1930 đô thị Quy Nhơn đã có trên 10 đường phố lớn, trong đó có 3 con đường lớn chạy song song với nhau. Đến năm 1940 với việc hình thành các con đường chính, dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động buôn bán diễn ra sầm uất với nhiều nhà hàng, vũ trường, cửa hàng bách hóa… lần lượt xuất hiện trên những trục đường chính, làm cho bộ mặt đời sống đô thị của Quy Nhơn đổi thay đáng kể.

Ngày nay, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, Quy Nhơn đang trên đà phát triển và hội nhập, nhiều con đường, khu phố mới được mở rộng, nâng cấp, chỉnh sửa khang trang hiện đại hơn, tạo nên một dáng vẻ trẻ trung cho thành phố như: đại lộ Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, đường Lam Sơn, đường ven biển Xuân Diệu… Tuy nhiên, về cơ bản những trục đường chính vẫn không thay đổi so với trước đây; những con đường mang dấu ấn lịch sử một thời như: đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo), Oden d’Hall (nay là Nguyễn Huệ), đường Võ Tánh (nay một phần là đường Lê Hồng Phong), Khải Định (Lê Lợi), Jules Ferry (Phan Bội Châu)… đã được nâng cấp, mở rộng và là "bộ mặt" chính của thành phố Quy Nhơn ngày nay. Bên cạnh đó, hầu hết các con đường, khu phố trong nội thành đều chưa quy hoạch được, nên vẫn nhỏ hẹp, trầm lắng, mang dáng vẻ xưa kia; cuộc sống, tập quán kinh doanh, buôn bán của người dân phố biển vẫn còn nhỏ lẻ, các ngành nghề mua bán còn đan xen, ngổn ngang.

 

Cả dãy phố Lê Lợi đã hình thành nghề buôn bán quần áo. Ảnh: V.T

 

Những năm gần đây, từ khi có sự xuất hiện của những con đường, khu phố mới thì nhu cầu mua bán, kinh doanh của người dân theo một trào lưu mới cũng bắt đầu hình thành và bộc lộ một cách tự phát. Như khu vực Đông sân bay - cụm Hàng Không và con đường Phạm Hùng nối dài, đã hình thành một dãy phố cà phê muôn sắc màu, đủ nhiều kiểu dáng khác nhau, lung linh rực rỡ ánh đèn về đêm, tạo nên một phong cách rất riêng biệt. Khu phố Trần Độc được thập khách các tỉnh gần xa biết đến với nhiều món ăn hải sản tươi, ngon: cua, ghẹ, cá tôm… mà không phải nơi nào cũng có được; rồi cả con đường Phan Đình Phùng hình thành nên một dãy phố ăn uống sầm uất, nườm nượp xe cộ, đủ các biển số ở các tỉnh thành lân cận; cả dãy phố Lê Lợi đã hình thành nghề buôn bán quần áo… Gần đây, dọc chiều dài con đường Hoàng Văn Thụ đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt nhà hàng, quán xá buôn bán nhộn nhịp, các quán lẫu bình dân như: Phong Lẫu, Quê Hương, Bội Châu, Ngọc Quý… luôn tấp nập khách ra vào, phần nào đáp ứng nhu cầu về ẩm thực của lượng lớn người dân lao động bình dân phố biển. Phải chăng đã bắt đầu định hướng về sự phát triển mới cho các con đường, khu phố ở đô thị Quy Nhơn?

* Lấy bộc phát làm định hướng

Có thể nói, từ sự hình thành và phát triển một cách bộc phát về nhu cầu mua bán, kinh doanh của những con đường, khu phố ở Quy Nhơn, đã khiến những người có trách nhiệm suy ngẫm nhiều về tính quy hoạch của thành phố trong tương lai, nhất là việc quy hoạch thành phố Quy Nhơn đến năm 2020 theo Quyết định số 98/2004 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Từ sự phát triển đi lên hiện đại, tầm vóc của các đô thị miền Trung như: Nha Trang, Đà Nẵng; việc quy hoạch, mở rộng và phát triển các con đường, khu phố mới luôn là "bản lề" của quá trình đô thị hóa. Để hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, chúng ta lấy sự phát triển bộc phát của những con đường, khu phố đã hình thành để tiếp tục quy hoạch, phát triển theo một cách làm riêng, đặc điểm kinh doanh riêng. Không phải ngẫu nhiên mà khách thập phương khi đến TP. Hồ Chí Minh đều biết câu nói "Ăn quận 5, nằm quận 3, hát ca quận 1…", đó là cái tổng thể của một thành phố lớn được mệnh danh là "hòn ngọc Viễn Đông" từ những thập niên trước đây. Đối với Quy Nhơn, diện mạo đô thị còn hạn hẹp về không gian, nhỏ lẻ về cơ sở hạ tầng, nên chỉ có thể tạo dấu ấn, phong cách riêng ở những con đường, khu phố; để khi Quy Nhơn trở thành điểm đến của du khách trong một tour du lịch nào đó, trong chuyến hành trình du lịch Bắc-Nam, du khách có thể tự mình đi tìm hương vị đằm thắm, mặn nồng của thành phố biển Quy Nhơn; ăn uống - con đường nào, giải khát - con đường nào, mua sắm - khu phố nào…

Trong tương lai, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, mạng giao thông của thành phố được nâng cấp, mở rộng và hoàn chỉnh, nhất là hệ thống cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, đại lộ Nguyễn Tất Thành nối dài sẽ được đầu tư xây dựng, tạo nên lợi thế về du lịch cho Quy Nhơn. Trên cơ sở quy hoạch có sẵn, khu mua sắm, giải trí ở siêu thị Co.op Mart tiếp tục được phát triển thành khu phố vui chơi, giải trí cuối tuần cho người dân thành phố; đồng thời có thể quy hoạch, xây dựng liền kề từ 2-3 vũ trường ở các khu phố mới, để đáp ứng nhu cầu nhịp sống hiện đại của đô thị, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của giới trẻ… Đại lộ An Dương Vương là con đường dạo mát, ngắm cảnh lý tưởng. Đoạn đầu đường Nguyễn Thái Học lâu nay đã hình thành nhiều cửa hàng buôn bán đồ gỗ, nay có thể tiếp tục phát triển kinh doanh, buôn bán hàng nội thất… Đường Trần Hưng Đạo sẽ chuyên về các mặt hàng xe máy, công cụ sản xuất công-nông; đường Tăng Bạt Hổ với các mặt hàng thiết bị vi tính, điện thoại; hình thành phố mua bán đồ cũ ở đường Lê Lợi… Vẫn biết rằng, mọi thay đổi đều có mặt trái của nó, đó là tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi đã từng chứng kiến cuộc chiến "võ mồm" gay gắt giữa 2 chủ quán cà phê trên đường Phạm Hùng, với lý do đơn giản chỉ vì chủ quán bên này lỡ để bàn ghế xâm phạm ranh giới bên kia, đó là lối hành xử thiếu văn hóa trong kinh doanh, gây phản cảm cho nhiều người xung quanh. Vì vậy, để xây dựng một đô thị văn minh - hiện đại, chúng ta cần xóa bỏ thói làm ăn thiếu lành mạnh, hướng đến xây dựng nếp văn hóa ứng xử lành mạnh, lịch sự "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", tạo dấu ấn tốt đẹp về một đô thị mến khách, hiền hòa.

 

Con đường Phan Đình Phùng hình thành nên một dãy phố ăn uống sầm uất. Ảnh: Văn Tư

 

* Thay lời kết

Để thay đổi đặc điểm kinh doanh, nếp sống của một gia đình, khu phố là điều không dễ dàng, thậm chí là không thể, khi mà người dân đã quen với nếp sống sinh hoạt, buôn bán của mình. Tuy nhiên, để phát triển đi lên thành một đô thị hiện đại, năng động và có sức thu hút lớn, chúng ta cần có sự thay đổi dần, không nhất thiết phải thay đổi toàn diện mà cần lấy những con đường, khu phố có tính khả thi về một số ngành nghề, mặt hàng buôn bán, kinh doanh để quy hoạch, thực hiện thí điểm; đồng thời bước đầu vận động, khuyến khích người dân thay đổi tập quán kinh doanh, mua bán tự phát xưa kia, hướng đến vì một diện mạo mới của đô thị hiện đại, tầm vóc.

Mỗi vùng đất, con người đều có phong tục tập quán, văn hóa, nếp sống riêng, nhất là miền đất có truyền thống và phong phú về lịch sử văn hóa như Bình Định nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng. Nền nếp sinh hoạt, buôn bán ở mỗi con đường, khu phố đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa, chúng ta cần làm tốt công tác quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể, quy hoạch nét đặc trưng riêng cho các con đường gắn liền với các khu trung tâm hành chính - văn hóa, khu mua sắm, khu phố ẩm thực, vui chơi giải trí…, đáp ứng cho yêu cầu phát triển toàn diện của đô thị Quy Nhơn trong tương lai.          

  • Trần Hồng Dương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phố đá granit Bình Định ở Hà Nội  (02/04/2006)
Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc  (02/04/2006)
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)
Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân  (02/04/2006)
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)
Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả  (01/03/2006)
Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả  (01/03/2006)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Trên đường hội nhập  (01/03/2006)
Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan  (01/03/2006)
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)
Nhà thơ Giang Nam với Quy Nhơn - Bình Định  (01/03/2006)