Sức sống mới ở vùng chiến khu xưa
16:12', 2/4/ 2006 (GMT+7)

Tôi vào thăm một người bà con trong vùng kinh tế mới thôn Thọ Tân Nam thuộc xã Nhơn Tân (An Nhơn) vào một buổi chiều xuân. Nắng nhẹ trải trên mặt hồ Núi Một mênh mông đầy nước. Trữ lượng nước ăm ắp trong lòng hồ có thể cho ta lạc quan về nguồn nước tưới và chắc chắn sẽ góp phần quan trọng cho mùa màng bội thu không chỉ vụ đông xuân mà cả năm 2006.

 

              Trường PTCS Nhơn Tân (xây dựng năm 2002).

 

Chiếc ca nô cuối cùng trong ngày đưa khách du lịch trên mặt hồ Núi Một đã cập bến. Đứng trên bờ hồ nhìn toàn cảnh An Trường Đông, An Trường Tây của Thọ Tân Nam, Thọ Tân Bắc mà trước kia những cái tên Canh Tiến, Canh Liên bên kia hồ thuộc huyện Vân Canh và Dốc 52, Hòn Tượng, Đồng Húa, Đá Mài, Đá Lố, Đá Chẹt, Sình Môn…đã quen thuộc với cán bộ và người dân ở vùng căn cứ địa của huyện ủy An Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một thời lửa đạn với những chiến công vang Đội của quân và dân khu V đã qua. Giờ đây Nhơn Tân đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Chiến tranh đã lùi xa 31 năm, mảnh đất Nhơn Tân - xã mới của huyện An Nhơn - sắp tròn 20 năm tuổi, vùng chiến khu xưa đang trải rộng một màu xanh ngút ngàn. Tháng 4-1986 xã Nhơn Tân tách ra từ xã Nhơn Lộc giàu truyền thống cách mạng. Khi ra "ăn riêng", cơ sở vật chất của Nhơn Tân gần như không có gì, chỉ có đất là nhiều nhất so với các xã trong huyện, với 6.130 ha đất tự nhiên thuộc vùng bán sơn địa như là miền núi với độ dốc cao, đất đai bạc màu, khô cằn. Toàn xã có 5 thôn với trên 7 ngàn dân, mật độ dân số 120 người/km2, chỉ bằng một phần bảy so với mật độ trung bình toàn huyện và bằng một phần ba mươi so với thị trấn Đập Đá, nhất là hai thôn vùng kinh tế mới dân cư càng thưa thớt hơn. Đất nông nghiệp chỉ có 1.492 ha, chưa được một phần tư diện tích đất tự nhiên của xã trong đó có gần 400 ha đất lúa, trên 2.100 ha đất lâm nghiệp, còn lại là đất bãi, đất đồi gò…

Khó khăn là thế, nhưng nhân dân xã mới Nhơn Tân vốn có truyền thống yêu nước, cần cù lao động, gắn bó với vùng đất căn cứ cách mạng, đã biến truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ thành sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Khi cán bộ và nhân dân Nhơn Tân bắt tay vào xây dựng xã mới thì đúng vào thời điểm cả nước bắt đầu triển khai công cuộc đổi mới như luồng gió mát thổi vào vùng đất chiến khu xưa, làm bật dậy bao tiềm năng. Từ ấy, Nhơn Tân đã nhanh chóng đẩy lùi bao khó khăn, vươn lên để bằng chị, bằng anh.

Nhớ lại khi mới giải phóng, Nhơn Tân là một vùng đất bom cày đạn xới, đồng khô cỏ cháy, quanh năm chỉ làm một vụ lúa trì gieo khô trông chờ nước trời. Rồi Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước Núi Một, một công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh ngay trên đất Nhơn Tân tưới cho hơn 7.000 ha của các xã phía nam An Nhơn và một phần diện tích của hai huyện Tây Sơn, Tuy Phước. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của Nhơn Tân trong khu tưới đều trở thành cánh đồng 3 vụ, đã căn bản giải quyết nhu cầu lương thực cho nhân dân và bắt đầu có tích lũy để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Mức bình quân lương thực đầu người ở Nhơn Tân từ chưa đầy 300 kg trước đây đã lên gần 600 kg, trong khi dân số tăng hơn 2 ngàn người trong 20 năm.

Nhờ chủ động nước tưới nên sản xuất nông nghiệp ở Nhơn Tân dần đi vào thâm canh và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài thâm canh 350 ha lúa quay vòng 2,8 lần trong năm, diện tích lúa có năng suất thấp được chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn, bà con nông dân còn tập trung khai thác hàng ngàn ha đất phù sa ven sông An Tượng, đất đồi gò, đất lâm nghiệp để trồng các lại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Nhơn Tân là xã có diện tích mía và mì lớn nhất huyện An Nhơn nằm trong vùng qui hoạch sản xuất mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đường của tỉnh. Hiện nay toàn xã có gần 90 ha mía gốc đang cho thu hoạch; xã tiếp tục qui hoạch mở rộng trồng mới trên 80 ha nữa theo hợp đồng với Nhà máy đường.

Địa bàn rộng trên 60 cây số vuông, dân cư thưa thớt, nhất là vùng kinh tế mới, nhưng được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện và nhân dân đóng góp, Nhơn Tân đã phủ kín lưới điện trong toàn xã, trên 99% số hộ đã có điện sinh hoạt. Hệ thống giao thông liên thôn, liên xóm đã được đầu tư nâng cấp. Tuyến đường trục chính từ Quán Cai Ba vào khu chăn nuôi bò sữa và hồ Núi Một đã được mở rộng, trải bê tông xi măng, những chiếc xe trọng tải hằng ngày chở đá Granit từ các mỏ khai thác đá về cảng Quy Nhơn. Đặc biệt là vùng kinh tế mới Thọ Tân Nam đã có cầu xi măng kiên cố bắc qua sông An Tượng.

Nhờ lợi thế ở đầu nguồn nước hồ Núi Một và nguồn điện nên nhân dân đã khai thác có hiệu quả mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng, hàng trăm gia đình khá và giàu lên rõ rệt. Mạng lưới giao thông ngày càng thuận lợi nên đã phát triển dịch vụ thương mại từ trung tâm xã đến tận vùng sâu phía nam, xóa dần ngăn cách giữa vùng kinh tế mới với các thôn phía bắc, giữa Nhơn Tân với các xã lân cận. Chuyện khó tin mà có thật ở thôn kinh tế mới Thọ Tân Nam tận cùng phía nam xã Nhơn Tân giáp huyện Vân Canh là dù đèo dốc, núi cao rừng rậm là thế mà gần 200 hộ chỉ còn 5 hộ chưa có điện; hầu hết nhà ở đã ngói hóa; những gia đình có thu nhập vài ba chục triệu đồng một năm không phải là ít, nhiều hộ chăn nuôi có đàn bò lai giá trị hàng trăm triệu đồng; nhiều hộ mua sắm phương tiện để vận chuyển mì đi An Khê, vận chuyển mía lên Nhà máy đường ở Tây Sơn và các loại hàng tiêu dùng khác.

Một xã mới sinh sau đẻ muộn ở vùng sâu, vùng xa như Nhơn Tân mà đến nay không còn hộ đói, số hộ nghèo đầu năm 2005 chỉ còn 14% - xấp xỉ một số xã đồng bằng - là sự cố gắng rất lớn. Bốn năm nay, Nhơn Tân đã có trường phổ thông cơ sở, học sinh THCS trong xã không còn phải đi hàng chục cây số để ra Nhơn Lộc học. Thời kỳ kinh tế thị trường đang gõ cửa từng nhà tận vùng sâu, vùng xa nên đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân khá hơn trước nhiều. Tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, phương tiện đi lại đang được cải thiện rõ rệt: máy thu thanh, thu hình, xe máy… đã phổ biến đến đại bộ phận người lao động.

Mảnh đất Nhơn Tân khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài tỉnh. Hiện toàn xã có trên 30 doanh nghiệp mở cơ sở gồm khai thác chế biến đá Granit; sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa, heo hướng nạc, gia cầm; kinh doanh xăng dầu; du lịch sinh thái… Hàng chục trang trại chăn nuôi đang có kế hoạch củng cố vượt qua khó khăn để khôi phục phát triển đàn gia súc, gia cầm sau thời gian bị dịch. Bởi chăn nuôi trang trại tập trung lẫn chăn nuôi gia trại là thế mạnh của Nhơn Tân, không ít gia đình ở đây đã từng khá và giàu lên nhờ chăn nuôi.

Từ Thọ Tân Nam, hồ Núi Một ra Quán Cai Ba giáp quốc lộ 19, ta bắt gặp những ngôi nhà mái ngói, mái bằng liền nhau dọc hai bên đường và gặp những chiếc xe tải lớn, nhỏ hối hả chở đất đá cho các công trình, vận chuyển những khối đá thô hàng chục tấn xuôi về cảng Quy Nhơn để xuất ra nước ngoài, vận chuyển mì, mía lên nhà máy và những chuyến hàng vật tư, nông sản từ Tây Nguyên về dừng ngay trước chợ mới Nhơn Tân cho phiên chợ ngày sau. Lúa đông xuân đang làm đòng trổ bông, trà sớm đã ngậm sữa, vào hạt cùng với các loại rau màu, cây công nghiệp và cánh rừng trải rộng một màu xanh trong tầm mắt. Thật là, về Nhơn Tân hôm nay khó nhận ra đây là vùng kinh tế mới một thời nghèo khó nhất huyện.

Tạm biệt Nhơn Tân, tôi hẹn ngày trở lại. Lúc ấy chắc hẳn Nhơn Tân sẽ đổi thay nhiều hơn, mang diện mạo mới của một vùng quê giàu đẹp xứng với truyền thống anh hùng trong kháng chiến của vùng chiến khu xưa. Bởi khi ấy là những năm từ 2006-2010, cán bộ và nhân dân Nhơn Tân phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã sẽ đạt những thành tựu mới cao hơn. Vị trí của xã Nhơn Tân cũng sẽ khác hơn, quan trọng hơn khi thị xã Bình Định hình thành thì khu vực Tây - Nam huyện hiện nay sẽ được quy hoạch, xây dựng thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện mới An Nhơn. Tự hào thay cho một địa bàn mà ở đó có biết bao con người đã từng ngày đêm bám trụ với núi rừng, xây dựng căn cứ cách mạng của Huyện ủy An Nhơn làm bàn đạp đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Và, ngày nay ở nơi này có những con người của thế hệ tiếp theo đang tìm cách vươn lên, làm giàu cho quê hương, cho đất nước.

  • Trần Duy Đức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn: Nhìn về những con đường, khu phố  (02/04/2006)
Phố đá granit Bình Định ở Hà Nội  (02/04/2006)
Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc  (02/04/2006)
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)
Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân  (02/04/2006)
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)
Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả  (01/03/2006)
Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả  (01/03/2006)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Trên đường hội nhập  (01/03/2006)
Nghề tiếp xơ dừa ở Tam Quan  (01/03/2006)
Hương buồn làng cốm xưa  (01/03/2006)
Tính bản địa của trống đồng Đông Sơn ở Bình Định  (01/03/2006)
Lên non dự hội  (01/03/2006)