Rừng Bà Bơi là tên gọi của một địa danh - nơi diễn ra buổi lễ long trọng thành lập Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) vào ngày 2-9-1965. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu V, đứng chân hoạt động trên địa bàn Bình Định và nam Quảng Ngãi. Những chiến công của sư đoàn đã đi vào huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Di tích vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ra quyết định công nhận vào ngày 9-1-2006. Đây là cơ sở cho việc phát huy, tôn tạo di tích, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
|
Rừng Bà Bơi (xã Bok Tới - Hoài Ân) - di tích nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu V.
|
Rừng Bà Bơi nằm trong khu rừng đầu nguồn thuộc núi Kim Sơn của hệ thống Trường Sơn nam, ngọn núi cao khoảng 700 mét, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa hai huyện Hoài Ân và Vĩnh Thạnh - ngày nay thuộc làng T2 xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, cách trung tâm huyện lỵ Hoài Ân 25 km về phía tây. Địa điểm nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng nằm cạnh một con đường hình thành từ thời Pháp thuộc (nay là đường 630 xuất phát từ quốc lộ số I qua ngã ba Cầu Dợi (Hoài Nhơn), chạy qua thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) lên Kim Sơn (xã Ân Nghĩa), qua rừng Bà Bơi, vượt Dốc Đót (Bok Tới), qua Vĩnh Sơn lên huyện Kbang (Gia Lai) và nối với tỉnh lộ 637 qua huyện Vĩnh Thạnh xuống Tây Thuận (Tây Sơn) gặp quốc lộ 19). Khu rừng xưa, nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng nay đã được cải tạo thành khu ruộng canh tác nông nghiệp trồng lúa, trung tâm của khu đồi phía bắc được san phẳng, trên đó xây Nghĩa trang liệt sĩ của xã Bok Tới. Phần lớn những mộ chí liệt sĩ là chiến sĩ của Sư đoàn Sao Vàng, họ đã chiến đấu và hy sinh cho mảnh đất này. Hàng chục Nghĩa trang liệt sĩ với hàng vạn chiến sĩ nằm lại chiến trường này là hình ảnh sống mãi trong tâm khảm của các thế hệ hôm nay, hướng về khu rừng Bà Bơi - nơi sinh ra và trưởng thành của sư đoàn trong những tháng ngày chiến đấu, hy sinh gian khổ.
Hiện nay, nơi thành lập Sư đoàn 3 vẫn còn dấu vết hầm trú ẩn, hầm pháo và nền lán trại trong thời kỳ đóng quân. Trong chiến tranh, khu rừng Bà Bơi thường xuyên là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy, hàng trăm tấn bom đạn đã đổ xuống nơi này, biến khu rừng thành vùng đất trắng. Đến khu di tích hôm nay, ta thấy một sức sống hồi sinh, một màu xanh bạt ngàn, như thuở nào từng che chở đoàn quân.
Trong những năm từ 1960-1965 phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc tiến công đánh địch ở cả 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, thành thị, đồng thời phong trào đấu tranh chính trị, bao vây bức rút đồn giặc, đốt phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, tiêu diệt sinh lực địch, góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy.
Chiến trường Quân khu V có địa hình hiểm trở và gồm các con đường chiến lược nối liền các tỉnh đồng bằng với Tây Nguyên, là đầu cầu chiến lược của địch tập trung quân để đánh phá cách mạng. Từ tháng 3 đến tháng 10-1965, Mỹ tăng cường số lượng quân viễn chinh, chư hầu cùng các phương tiện vũ khí hiện đại vào Quân khu V. Cụ thể là chúng đổ 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ vào Chu Lai, Đà Nẵng, Cam Ranh; sư đoàn kỵ binh bay số I vào An Khê; sư đoàn Mãnh Hổ vào Quy Nhơn…
Trước tình hình đó, tháng 8-1965 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu V "xây dựng lực lượng chủ lực, chăm sóc phong trào đấu tranh du kích và chỉ đạo tác chiến đối với bộ đội địa phương". Thực hiện chỉ thị trên, Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định thành lập sư đoàn chủ lực. Sáng ngày 2-9-1965 tại khu rừng Bà Bơi đã diễn ra lễ thành lập Sư đoàn 3 gồm 3 trung đoàn: 2, 12, 22. Buổi lễ giản dị trang nghiêm, với sự có mặt của đại diện cán bộ, chiến sĩ các trung đoàn, đại diện các Đảng bộ, đoàn thể tỉnh Bình Định và huyện Hoài Ân. Cán bộ lãnh đạo sư đoàn gồm các đồng chí: Giáp Văn Cương - Sư đoàn trưởng, Đặng Hòa - Chính ủy, Huỳnh Hữu Anh - Phó sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng sư đoàn, Nguyễn Nam Giới - Phó chính ủy, chủ nhiệm chính trị. Sư đoàn 3 ra đời với khẩu hiệu hành động "Trung thành, anh dũng, ra trận là chiến thắng, quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược". Trước khi trở thành Sư đoàn 3 độc lập, Trung đoàn 2 và 12 vẫn là trung đoàn chủ lực của Quân khu và từng lập được nhiều chiến công. Trung đoàn 22 được thành lập ở miền Bắc năm 1965, vào chiến trường Khu V trung đoàn bổ sung thêm Tiểu đoàn 8 - tiểu đoàn trưởng thành từ phong trào cách mạng khu V.
Để luôn nhớ tới lời thề thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ trước quân kỳ trong buổi lễ thành lập, Đảng ủy sư đoàn đề nghị Quân khu cho được mang tên "Đoàn Sao Vàng". Từ ngày thành lập 2-9-1965 đến 30-4-1975, mười năm chiến đấu của sư đoàn "quanh năm khẩn trương, bốn mùa chiến dịch", sư đoàn đã ghi vào trang sử của dân tộc những bản anh hùng ca rạng rỡ non sông đất nước : Cuộc giáp mặt đầu tiên với sư đoàn không vận số I của Mỹ, với lời giải đáp từ trận thắng tại thung lũng Thuận Ninh (Tây Sơn) với hơn 200 tên Mỹ bị tiêu diệt, 11 máy bay bị bắn rơi, 40 chiếc khác bị trúng đạn. Chiến thắng Thuận Ninh được ghi nhận là một chiến công xuất sắc, là trận mở đầu cho khả năng đánh bại sư đoàn không vận số I của Mỹ. Nó còn là tiếng súng mở màn giòn giã cho phong trào thi đua lập công, nối tiếp những chiến thắng như: Chiến thắng khu đồi Nhơn Tịnh, chiến thắng Phú Cũ - Minh Long… Trên chiến trường Bình Định, riêng trong mùa khô 1966, Sư đoàn Sao Vàng đã tiêu diệt 7.480 tên địch, trong đó có gần 4.000 tên Mỹ, 330 lính Nam Triều Tiên; bắn rơi 187 máy bay, bắn cháy 29 xe quân sự; thu 6 khẩu pháo 105mm và 155mm.
|
Bộ đội chủ lực Sư đoàn Sao Vàng đánh chiếm quận lỵ Hoài Ân trong chiến dịch Xuân hè 1972.
|
Bị thất bại trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, chính quyền Giônxơn chủ trương tiếp tục xoay chuyển tình hình miền Nam Việt Nam vào mùa khô lần thứ hai (1966-1967). Mỹ cho tăng cường quân viễn chinh từ 20 vạn lên 40 vạn vào cuối năm 1966. Nhiệm vụ bình định nông thôn được chúng đặt lên hàng đầu với khẩu hiệu "tìm diệt". Nhiệm vụ chủ yếu của Sư đoàn Sao Vàng là tiến công đánh bại các cuộc hành quân "bình định" của Mỹ - ngụy. Trận đánh đầu tiên trong chiến dịch Đông Xuân (17-2-1966) của sư đoàn là đánh địch tại thôn Long Giang, Lộc Giang thuộc huyện Hoài Ân, ta tiêu diệt 4 đại đội, bắn rơi 12 máy bay lên thẳng của địch. Tiếng súng ở Long Giang, Lộc Giang vừa dứt, sư đoàn đã chuẩn bị xong phương án cho trận đánh lớn thứ hai, tiêu diệt căn cứ pháo binh dã chiến của Mỹ ở Xuân Sơn (Hoài Ân). ..Trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972 của Khu V, sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Hoài Ân, giải phóng bắc Bình Định và giữ vững vùng giải phóng Hoài Ân.
Đặc biệt, chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, sư đoàn được tăng cường Tiểu đoàn 19 công binh của tỉnh Bình Định, Đại đội pháo cao xạ 37 của Quân khu và thành lập Trung đoàn 68 pháo binh. Ngày 26-2, sư đoàn bắt đầu hành quân từ rừng Bà Bơi vượt Dốc Đót tiến về phía nam. Trước khi chiến dịch Tây Nguyên được mở, Sư đoàn Sao Vàng đã đánh thiệt hại nặng trung đoàn 47 cộng hòa và liên đoàn bảo an 927 của địch, làm chủ một đoạn đường chiến lược dài hàng chục kilomet, chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng Khu V, tạo điều kiện cho chiến dịch Tây Nguyên. Hơn 20 ngày đêm, Sư đoàn Sao Vàng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh giao: làm chủ đường 19, đoạn Bình Khê - An Khê, vây cắt và tiêu diệt sư đoàn 22 ngụy, tạo điều kiện để lực lượng địa phương Bình Định đập tan hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở đông bắc thị xã Quy Nhơn; nhanh chóng chớp thời cơ, đưa lực lượng vào tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn ngày 31-3-1975.
Mười năm chiến đấu trên chiến trường trọng yếu Khu V, Sư đoàn Sao Vàng luôn được sự đùm bọc, che chở với tình cảm thân thương của người dân xứ dừa Bình Định, đất và người Bình Định đã trở thành một phần máu thịt của các cán bộ, chiến sĩ sư đoàn. Máu của bao chiến sĩ sư đoàn đã ngã xuống cho mảnh đất Bình Định, mảnh đất miền Trung được toàn vẹn cho đến ngày toàn thắng.
Tháng 6-1976, trong chiến tranh biên giới phía Bắc, Bộ Tổng tham mưu quyết định điều Sư đoàn Sao Vàng ra phía Bắc làm nhiệm vụ thường trực cơ động của Quân khu 3 và của Bộ - nay thuộc Binh đoàn Chi Lăng, Quân khu 1.
Di tích Rừng Bà Bơi - nơi lưu niệm sự kiện Sư đoàn 3, sư đoàn chủ lực của Quân khu V ra đời - vừa được Bảo tàng Tổng hợp Bình Định nghiên cứu biên soạn thành hồ sơ khoa học và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ra quyết định công nhận xếp hạng di tích vào ngày 9-1-2006. Đây là cơ sở pháp lý, quản lý, bảo vệ di tích. Sau khi được công nhận là di tích văn hóa của tỉnh, di tích cần được quy hoạch thành nơi sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng; mặt khác, cần gìn giữ những gì còn lại của dấu tích nơi thành lập sư đoàn để các thế hệ mai sau biết và tự hào về truyền thống chống ngoại xâm của cha anh.
|