Văn nghệ quần chúng ngày ấy...
20:42', 29/4/ 2006 (GMT+7)

Sau ngày giải phóng, trong bộn bề công việc, các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng được các cấp chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có đội văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Thành phố Quy Nhơn tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng với chủ đề "Giai điệu tháng Tư". Ảnh: Hoàng Vân

 

Riêng ở Quy Nhơn hồi ấy đều có nhu cầu thành lập đội văn nghệ phường, xã và việc làm này được xem là "mốt" của thanh niên lúc bấy giờ. Thậm chí, khóm phố (khu phố bây giờ) cũng có đội văn nghệ. Như ở phường Trung Kiệt (sau này là phường Lê Hồng Phong), các đội văn nghệ "xóm" có tiếng là: Hỏa Xa (nay là khu phố 5 và 6), Nguyễn Công Trứ (nay là khu phố 1 và một phần phường Lý Thường Kiệt), với những giọng ca "vàng" chủ lực như: Thanh Cảm, Ly Châu, Kim Long, Linh Trang, Thế Tuyên, Bá Huấn… Trang thiết bị thì đơn giản vô cùng, một cây ghita điện, một bộ trống với mặt trống được phất giấy ximăng, mỗi lần gõ nghe thùm thụp; tăng âm thì vẻn vẹn một micro mini (của máy radio) với dàn loa sắt nghe oang oang vui tai. Các đội văn nghệ này thành lập và hoạt động được vài tháng đầu mới giải phóng, sau đó thì diễn viên được "trên điều về" tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ thành lập đội văn nghệ phường. Lúc này ở Quy Nhơn, những đội văn nghệ phường "tiếng tăm" như: Lê Hồng Phong mạnh về ca (người dân bấy giờ gọi các chàng trai, cô gái ở đây hát thanh như còi xe lửa), Trần Hưng Đạo mạnh về múa với dàn diễn viên nữ người Hoa xinh đẹp vô cùng, Lê Lợi mạnh về dân ca bài chòi với dàn nhạc cổ của gia đình cụ Nguyễn Đốc (Tân Phong)… Ở huyện An Nhơn có đội văn nghệ thị trấn Bình Định với tốp ca nam hát như "văn công chuyên nghiệp"… Tuy Phước thì nổi lên đội văn nghệ xã Phước Lộc với dàn diễn viên vừa ca, vừa kịch, vừa hát cải lương "mùi mẫn như đào kép Sài Gòn"…

Trong dịp mừng Quốc khánh năm 1975, Ty Văn hóa Thông tin tỉnh tổ chức Hội chợ tại khuôn viên trường Nguyễn Huệ (nay là trường THCS Lê Hồng Phong) với đầy đủ các trò chơi sôi nổi. Vườn thơ - nhạc quy tụ các nhà thơ, ca sĩ, nhạc công từ An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước về phục vụ. Đặc biệt là chương trình văn nghệ của Đoàn ca múa Hà Tĩnh biểu diễn trên sân khấu trung tâm khu hội chợ. Lần đầu tiên khán giả Quy Nhơn xem văn công Cách mạng biểu diễn nên rất phấn khởi. Bên cạnh đó, các đội văn nghệ quần chúng được học hỏi nhiều điều hay, đó chính là tiền đề cho hoạt động văn nghệ quần chúng sôi nổi sau này.

Để tiếp tục động viên các đội văn nghệ cơ sở hoạt động, Ty Văn hóa Thông tin tỉnh thông báo tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng lần thứ nhất vào dịp 19-5-1976 (Ngày sinh lần thứ 86 của Bác Hồ) với tên gọi là Mùa xuân nhớ Bác. Trong thể lệ Hội diễn, nhất thiết yêu cầu các địa phương, đơn vị phải tổ chức hội diễn ở cơ sở để chọn tiết mục về tham gia hội diễn tỉnh. Quy Nhơn tổ chức hội diễn cơ sở trong dịp cuối năm 1975, có những đội văn nghệ về tham gia hội diễn mà diễn viên còn vương mùi bùn đất công trường đắp đê như Lê Hồng Phong, Lê Lợi… Sau khi tổ chức hội diễn, các địa phương, đơn vị cơ sở đã chọn ra được dàn diễn viên, nhạc công đặc sắc như: Lý Anh Võ (phường Trần Phú), Lan Phương, Nguyệt Ánh (phường Lê Lợi), Thế Tuyên, Kim Long, Thanh Cảm, Ly Châu (phường Lê Hồng Phong)…, anh em nhạc công Châu Đức Khánh, anh em nhạc công Kỳ Phùng (phường Trần Hưng Đạo). Đặc biệt, bài hát "Chào Quy Nhơn hòa bình" của Châu Đức Khánh được chọn làm bài hợp xướng (100 diễn viên) khai mạc hội diễn. Ở Tuy Phước, những giọng hát như: Quang Ân, Như Sang (Phước Lộc), Phi Phi (Phước An), Thái Hoa (Phước Long)… cũng là lực lượng "đáng nể". Với An Nhơn, những tên tuổi như nhạc sĩ La Hữu Vang, ca sĩ Lý Xuân Vãng, Vĩnh Bình, Hữu Xuân… cùng tốp ca nam cũng "không có đối thủ". Trong các ngày Tết của Mùa xuân 1976, hầu hết các đội văn nghệ tỏa về các điểm để phục vụ công chúng.

Đêm khai mạc Hội diễn văn nghệ mang tên Mùa xuân nhớ Bác thật là hoành tráng. 100 diễn viên nam nữ từ các trường cấp 3 (PTTH bây giờ) Trưng Vương, Quang Trung… và các đội văn nghệ phường đã vang lên lời hát "…từ thành phố này tôi nhìn thấy, thấy khắp quê hương thiết tha nở thắm ngàn hoa…" để rồi trong liên tục nhiều ngày đêm thi thố tài năng, các đội văn nghệ quần chúng đã "dâng lên Người, Bác Hồ kính yêu, ngàn đóa hoa tươi thắm của vườn hoa nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghĩa Bình…" (Lời phát biểu của ông Nguyễn Nam Hà, Trưởng Ty Văn hóa Thông tin thời bấy giờ). Những tiết mục như: múa Khoai mì lên xanh (Quy Nhơn), Bướm xuân (An Nhơn), Sắc bùa (Quảng Ngãi), tốp ca nam liên khúc Ôi Tổ quốc ta đã nghe (An Nhơn), đơn ca Tình Bác sáng đời ta (Lý Anh Võ - Quy Nhơn), Chào em cô gái Lam Hồng (Quang Ân - Tuy Phước), Đêm trăng nhớ Bác (Lan Phương - Quy Nhơn), Người thợ cầu đường (Thế Tuyên tự biên, tự diễn - Quy Nhơn)… đã gây cảm tình cho công chúng ngay trong những đêm công diễn.

Ba mươi năm rồi, tiếng hát nửa đời người đi qua, những diễn viên, nhạc công ngày ấy giờ có người đã lên chức ông, chức bà; có người đã thành danh trên con đường âm nhạc của tỉnh như nhạc sĩ La Hữu Vang, nhạc sĩ Châu Đức Khánh, nhạc sĩ Thế Tuyên (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam); có người chọn nghề giảng dạy như: Lý Anh Võ, Nguyệt Ánh…, hoặc làm nghề khác như: Lan Phương (mua bán), Quang Ân (cán bộ kiểm lâm)…; cũng có người đã vĩnh viễn ra đi như: Lý Xuân Vãng, Đức Chính… nhưng với họ, ký ức về những ngày tháng của phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi thuở ấy không thể nào quên.

  • Nguyễn Thế Tuyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)
Sự ra đời bốn câu thơ của Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam  (02/04/2006)
Tuổi trẻ TP Quy Nhơn với đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20"  (02/04/2006)
Di tích Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng - vừa được công nhận xếp hạng  (02/04/2006)
Sức sống mới ở vùng chiến khu xưa  (02/04/2006)
Quy Nhơn: Nhìn về những con đường, khu phố  (02/04/2006)
Phố đá granit Bình Định ở Hà Nội  (02/04/2006)
Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc  (02/04/2006)
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)
Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân  (02/04/2006)
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)
Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả  (01/03/2006)
Một mô hình nuôi cá chình hiệu quả  (01/03/2006)