"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo
20:50', 29/4/ 2006 (GMT+7)

Ở thôn Xuân Vinh thuộc xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn trong vòng 15 năm trở lại đây đã có đến 35 người chêát vì ung thư, hàng chục trẻ em bị dị tật, và hiện có một số người khác bị bệnh ung thư đang nằm chờ chết. Bà con thôn Xuân Vinh mong được chính quyền và cơ quan chức năng sớm điều tra, khảo sát môi trường nơi đây và tìm ra những căn nguyên gây bệnh hiểm nghèo để giúp bà con phòng tránh.

 

Ông Biện Ngọc Mai được bác sĩ Trang Xuân Chi (Hội Chữ thập đỏ tỉnh) kiểm tra sức khỏe khi còn sống.

 

Anh Trần Quang Thạch (1952), một cựu chiến binh, đang sống tại thôn Xuân Vinh, dù hiện tại anh không đảm nhiệm một chức vụ nào của địa phương, nhưng đứng trước nỗi lo chung này, anh đã cất công nhiều ngày đi khắp các gia đình ở thôn Xuân Vinh để thống kê tên, tuổi, ngày chết của những người mắc bệnh hiểm nghèo để phản ánh với các cơ quan hữu trách. Theo điều tra của anh Thạch, xóm 2 của thôn Xuân Vinh là nơi có người bị bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo nhiều nhất. Người dân ở đây thật hài hước khi giới thiệu về nơi mình sinh sống: "Quê tôi ở xóm ung thư, ở làng văn hóa, ở xã anh hùng...". Sau lời giới thiệu này, họ không giấu được sự lo lắng, bức xúc về những điều mà họ không dám nói ra. Xã anh hùng được nói đến ở đây là xã Hoài Mỹ, nơi diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch trong kháng chiến chống Mỹ, với hàng trăm liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Làng văn hóa ở đây chính là thôn Xuân Vinh, nơi đồng lúa xanh ngát và thẳng tắp những con đường bê- tông dẫn vào từng xóm nhỏ. Còn "xóm ung thư" đó là xóm 2, nơi chỉ có hơn 120 hộ dân, nhưng đã có đến 21 người chết vì bệnh hiểm nghèo này, một số người khác cũng mắc chứng nan y và đang nằm chờ chết.

Người dân xóm 2 đã sống lạc quan và vô tư với sức khỏe của mình suốt nhiều năm qua. Cho đến thời gian gần đây cùng một lúc có đến 5-6 người trong xóm trở thành bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, rồi lần lượt qua đời với kết luận "ung thư...", thì cả xóm, cả thôn mới giật mình lo lắng cho sức khỏe của những người còn lại. Bản thống kê của anh Thạch đã thực sự hâm nóng nỗi lo của người dân Xuân Vinh về sức khỏe và sự phát triển. Sau hàng loạt số trường hợp mới chết chẩn đoán do ung thư như: anh Trương Đình Hải (47 tuổi), bà Huỳnh Thị Chín (61 tuổi), anh Phạm Văn Ngọc (51 tuổi)… ở thôn Xuân Vinh, thì hàng loạt ca bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo khác là: ông Biện Ngọc Mai (61 tuổi) ở xóm 2, cách đây 5 tháng ông ăn không được, cơ thể suy nhược, đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn khám và có kết luận bị ung thư; ông Nguyễn Hữu Tài (58 tuổi) cũng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM; ông Phạm Ta (51 tuổi), ở xóm 3, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn chẩn đoán bị ung thư lưỡi, hiện đang chạy chữa thuốc Nam ở nhà…. Họ và gia đình đang đau đáu nỗi lo không biết "thần chết đến gõ cửa" lúc nào.

 

Anh Phạm Ta (ung thư lưỡi) cùng vợ và con gái bị dị tật bẩm sinh.

 

Nhiều người dân ở xã Hoài Mỹ độ tuổi từ 50 trở lên, ai ai cũng biết và chứng kiến vào năm 1966-1967, quân đội Mỹ đã dùng máy bay rải thảm chất độc hóa học lên cả vùng này, tạo nên một không gian mờ đục. Hai ngày sau dừa rũ lá, lúa héo chết khô, trái cây chín háp; núi Hòn Bồ, núi Gứt, núi Giếng... trở thành núi trọc. Ban đầu một số người bị bệnh ung thư chết, nhiều người trong thôn cho rằng do đun, nấu bằng cây bạch đàn nhiều nên bị nhiễm khói độc, mọi người bảo nhau nên hạn chế dùng cây, lá bạch đàn làm củi. Thế nhưng, theo những người lớn tuổi trong thôn thì cho rằng chất độc hóa học năm xưa Mỹ rải xuống, bây giờ vẫn tiềm ẩn sự chết chóc, gây bệnh cho người dân nơi đây. Theo lời y sĩ Phạm Thị Ngọt- Trưởng Trạm y tế xã Hoài Mỹ (cựu chiến binh Sư đoàn 3- Sao Vàng) thì: Đối với một địa bàn nhỏ như thôn miền núi Xuân Vinh đã có khoảng 50 trường hợp bị bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo là nhiều. Vì khả năng của Trạm còn hạn chế nên sắp tới Trạm sẽ kiến nghị lên trên cho bộ phận có chuyên môn cao về điều tra, khảo sát để có kết luận chính xác.

Trước hiện tượng này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã có công văn đề nghị UBND huyện Hoài Nhơn chỉ đạo xã Hoài Mỹ trước mắt thống kê số bệnh nhân bị nhiễm chất độc hóa học, để đưa vào diện hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, công tác này chưa được triển khai tích cực.

Mới đây, ông Biện Ngọc Mai đã qua đời vì bệnh ung thư. Ông Nguyễn Hữu Tài điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cũng bị bệnh viện "chê" và trả về nhà.

Để có một kết luận chính xác hơn về "Xóm ung thư", mong rằng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp điều tra, nghiên cứu sâu và toàn diện. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng nơi đây tốt hơn; mặt khác, nếu kết quả nghiên cứu cho thấy điều kiện môi trường ở đây không phải là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư và nhiều bệnh hiểm nghèo khác, thì sẽ giải tỏa những hoang mang, lo sợ của bà con địa phương.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)
Sự ra đời bốn câu thơ của Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam  (02/04/2006)
Tuổi trẻ TP Quy Nhơn với đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20"  (02/04/2006)
Di tích Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng - vừa được công nhận xếp hạng  (02/04/2006)
Sức sống mới ở vùng chiến khu xưa  (02/04/2006)
Quy Nhơn: Nhìn về những con đường, khu phố  (02/04/2006)
Phố đá granit Bình Định ở Hà Nội  (02/04/2006)
Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc  (02/04/2006)
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)
Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân  (02/04/2006)
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)
Hoài Ân: Điện sáng - lúa vàng, cây trĩu quả  (01/03/2006)