Chuyện ở làng Canh Giao
22:8', 29/4/ 2006 (GMT+7)

. Ghi chép của Thu Hà

Làng Canh Giao (dân tộc Chăm H’roi) chỉ cách trung tâm xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) chừng một ngọn đồi. Thế nhưng, chúng tôi phải đi vòng chừng trên 35 km, sang xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), rồi mới có đường vào làng…

 

Khai thác dầu rái - nguồn thu nhập chính của dân làng Canh Giao.

 

* Canh Giao - xưa và nay

Nói chuyện xưa, ông Lê Ngọc Lành, 74 tuổi - Bí thư Chi bộ từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và vừa mới thôi chức Trưởng làng đầu năm 2006 này - vẫn không quên từng chi tiết nhỏ trong mỗi giai đoạn thăng - trầm của làng. Trước năm 1954, Canh Giao nguyên là một xã riêng biệt gồm 4 thôn với 470 dân. Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Canh Giao là địa bàn hoạt động của cách mạng. Dân làng Canh Giao bám làng, đánh giặc. Kháng chiến chống Mỹ, làng có 5 liệt sĩ. Sau năm 1975, Canh Giao nhập với hai xã Canh Hà, Canh Hưng thành xã Canh Hiệp. Có thời gian, người dân đã rời Canh Giao ra gần trung tâm xã sinh sống. Nhưng đến đầu những năm 80 thế kỷ trước, Fulro hoạt động mạnh, chính quyền xã vận động người dân vào lại Canh Giao. Một số người không còn thích nghi với cuộc sống cũ, bỏ làng chạy ra nhưng nhiều người vẫn kiên quyết trụ lại.

Nay, Canh Giao có cả thảy 36 nóc nhà với 174 nhân khẩu.

So với ngày xưa, cuộc sống của người dân Canh Giao đã khá hơn trước. Nhiều ngôi nhà trong làng đã được xi măng hóa theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Một người dân trong làng khoe: "Nhà này mình làm từ năm 2003, Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng. Mình chỉ bỏ ra gần 100.000 đồng làm cái hiên nhà này thôi". Nhà rông của làng có ti vi, dàn máy… Điện năng lượng mặt trời, phong điện và cả điện bình ắc quy đã cung cấp ánh sáng cho mỗi gia đình vào buổi tối.

Trưởng làng Nguyễn Văn Chặt cho biết: Làng có khoảng 5 ha trồng lúa ba vụ, thường vẫn không đủ ăn vì thiếu nước tưới. Từ năm 2003, người dân nhận giữ rừng (khoảng 141 ha) với mức khoán 50.000 đồng/ha/năm. "Chương trình đưa bò giống về nuôi, ba bốn nhà chung nhau nuôi một con bò cái đã phát huy tác dụng rồi. Con bò nhà mình đã đẻ được con nghé con. Chờ hai, ba tháng nữa mình sẽ chuyển bò mẹ sang cho nhà khác nuôi"- anh Chặt khoe.

 

Lớp mẫu giáo của làng do cô giáo trẻ Đặng Thị Kim Cúc phụ trách từ năm 2004 đến nay.

 

Tuy nhiên, khai thác sản phẩm trong rừng mới là nguồn thu nhập chính của dân làng. Từ bao đời nay, đàn ông trong làng đi đốt dầu rái, phụ nữ lượm chai cục (nhựa của cây chò), mùa thu thì đi hái đót. Chị Thảo, một phụ nữ trong làng cho biết, hôm nào "trúng", có thể kiếm đầy một gùi chai bóng (loại chai tốt nhất), nặng gần chục kilôgam, bán được 40-50 ngàn đồng. Anh Lê Văn Đỏ tâm sự: "Nhà mình cũng trồng lúa nhưng thường không đủ ăn. Đi dầu, lượm chai mới là thu nhập chính. Đi đốt dầu rái có khi đến dăm bữa, nửa tháng mới về, vẫn cứ phải nắm cơm đem theo".

Dầu rái, chai cục được thu mua ngay tại làng. Đầu nậu thu mua chính là các quán bán hàng người huyện Đồng Xuân (Phú Yên) lên "đóng đô" ngay tại làng. Vợ chồng ông Sương, nhà ở Đa Lộc (Đồng Xuân) lên Canh Giao mở quán buôn bán trên chục năm nay. Họ vừa thu mua sản phẩm rừng, vừa bán các nhu yếu phẩm cho người làng. Hiện dầu rái được thu mua với giá 9.500 - 12.000đồng/kg, chai cục: 2.000 đến 5.000 đồng/kg tùy loại. Anh Lê Văn An, một người trong làng, nói: "Mỗi lần đi múc dầu (5-10 ngày), nếu trúng có thể thu được cả tạ dầu rái, bán 950.000 đồng. Hôm ít, đi rừng 2 ngày cũng được chừng 400.000 đồng. Có tiền về chi tiêu, mua sắm vật dụng trong nhà; hết tiền thì mua nợ về ăn, rồi đi rừng trả sau".

* Đổi thay: chuyện chỉ mới bắt đầu

Về hành chính, làng Canh Giao thuộc xã Canh Hiệp, nhưng về địa lý lẫn các quan hệ qua lại, mua bán, lại gần với huyện Đồng Xuân (Phú Yên) hơn. Từ trước đến nay, làng vẫn tự cấp, tự túc, đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2001, dân làng tự mở một con đường từ xã Đa Lộc vào tận làng, ròng rã 3 tháng mới xong. Năm 2003, Lâm trường Hà Thanh tiếp tục mở rộng thêm, xe ô tô đi được. Giờ đây, đi lại có phần dễ dàng hơn, song không vì thế mà Canh Giao bớt biệt lập với bên ngoài. Tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao chất lượng sống là điều vô cùng khó. Ông Lê Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, không khỏi day dứt: "So với các làng dân tộc thiểu số khác trong xã, Canh Giao vẫn là làng nghèo nhất vì xa xôi cách trở, đi lại khó khăn. Hầu hết bà con vẫn thuộc hộ nghèo. Hiện tại, chúng tôi đã có những bước khởi động nhằm cải thiện đời sống của bà con".

 

                         Người dân Canh Giao đi hái đót.

 

Sự thay đổi đầu tiên là giải quyết nước tưới và khai hoang ruộng. Đầu năm 2006, công trình đập dâng làng Canh Giao Trong đã được nghiệm thu. Công trình này được Nhà nước đầu tư 500 triệu đồng, đủ sức tưới cho khoảng 20 ha nhưng dự kiến chỉ khai hoang 15 ha, trong đó có 10 ha trồng lúa nước và 5 ha trồng hoa màu. Anh Lục Công Duẩn dẫn tôi ra xem khu ruộng mới được khai hoang của làng. Những thửa ruộng đã được khoanh lô, bờ còn đang đắp dở. Từ đằng xa có thể nhìn thấy đường ống dẫn nước màu đỏ từ đập dâng nằm vắt ngang trên sườn núi, rồi bò dần xuống cánh đồng đang trải dài trước mắt. Một người dân mới đi rừng về, nhân đấy cũng lại gần chỗ chúng tôi đang đứng, hoan hỉ: "Nước đã sẵn sàng trong các ống sắt kia. Chỉ chờ ruộng được đắp bờ là có thể tháo nước vào ruộng ngay… Có nước tưới, đến mùa nắng không còn lo ruộng chết khô. Làm lúa hai, ba mùa gì đều ăn chắc, không sợ ông trời hạn như mấy năm trước".

Có ruộng canh tác, có đủ nước tưới mới chỉ là bước khởi đầu cho sự đổi thay ở Canh Giao. Nhưng, theo ông Nguyễn Văn Đồng (78 tuổi)- được coi là khá giả nhất làng - thì bà con cần được tuyên truyền nhiều về cách làm ăn, tính toán chi tiêu sao cho hợp lý. Giúp con cá, giúp cần câu, rồi dần chỉ cách câu theo kiểu cầm tay chỉ việc. Nhưng quan trọng nhất, chính là ý chí của mỗi người dân Canh Giao, phải tự vươn lên làm ăn.

***

Chia tay với Canh Giao, đọng lại trong tôi là những thanh âm ê, a của các em nhỏ đang học lớp mẫu giáo do một cô giáo người Kinh dạy. "Lúc đầu, tiếp cận các em cũng khó khăn lắm bởi sự khác nhau về tiếng nói. Hai ngày, ba ngày, rồi các em cũng nói được câu "Em chào cô giáo". Bây giờ mọi chuyện đã ổn hơn. Mấy em học hát nhanh lắm"- cô giáo dạy trẻ Đặng Thị Kim Cúc kể chuyện. Được biết, năm 2004 cô giáo Cúc được tăng cường lên xóa "trắng" về giáo dục mầm non cho làng Canh Giao.

Và, chuyện của làng Canh Giao bây giờ cũng đang ở bước khởi đầu như vậy.

  • T.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)
Sự ra đời bốn câu thơ của Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam  (02/04/2006)
Tuổi trẻ TP Quy Nhơn với đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20"  (02/04/2006)
Di tích Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng - vừa được công nhận xếp hạng  (02/04/2006)
Sức sống mới ở vùng chiến khu xưa  (02/04/2006)
Quy Nhơn: Nhìn về những con đường, khu phố  (02/04/2006)
Phố đá granit Bình Định ở Hà Nội  (02/04/2006)
Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc  (02/04/2006)
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)
Tiềm Năng du lịch văn hóa - sinh thái ở Hoài Ân  (02/04/2006)
Ngành Y tế Phù Cát: Đầu tư để đi tới  (01/03/2006)
Bình Định - một điểm sáng thu hút đầu tư  (01/03/2006)