|
Trùng tu tháp Cánh Tiên (An Nhơn). |
Hơn mười năm trở lại đây, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII chỉ rõ "Văn hóa là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng con người mới, xã hội mới", bộ mặt di tích - bảo tàng ở Bình Định có những bước khởi sắc đáng kể, ngày càng hoàn thiện hơn về quy mô, nội dung cũng như chất lượng khoa học. Hệ thống Bảo tàng Bình Định ngày càng đi vào hoạt động có kỷ cương, nội dung phong phú.
Xã hội hóa văn hóa, có nghĩa văn hóa sẽ trở về với cộng đồng xã hội, tự nhiên và dồi dào sức sống. Đồng thời theo bản năng sinh tồn, xã hội sẽ định đoạt cái gì nảy nở, cái gì cho lãng quên, cái gì được hồi sinh. Ở thời đại mới, sẽ sinh ra những nhu cầu mới, những sự đáp ứng mới. Bảo tồn di tích và xây dựng các bảo tàng vốn dĩ là những hoạt động thuộc cả hai lĩnh vực văn hóa lẫn khoa học. Chúng xuất hiện và phát triển khi nền văn minh loài người đã đạt đến trình độ cao. Bảo tồn di sản văn hóa vật chất khởi đầu từ nhận thức coi trọng lịch sử, nhu cầu thưởng thức cái đẹp, cái quý tiền nhân để lại. Dần dần bảo tồn di sản văn hóa trở thành hoạt động của các nhà khoa học, các nhà văn hóa, mang tính bác học.
Về hoạt động bảo tồn di tích ở Bình Định, trong những năm qua đã thực hiện xã hội hóa lĩnh vực này trên nhiều phương diện sau: Phát hiện di tích; Bảo vệ di tích; Đóng góp công của cho trùng tu di tích; Bảo quản và trùng tu di tích; Phát huy tác dụng của di tích. Từ trước đến nay vai trò của nhân dân trong việc phát hiện di tích, động sản và bất động sản là rất quan trọng. Trong tổng số hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng, hiện vật do nhân dân phát hiện giao nộp chiếm số lượng đáng kể. Ngành văn hóa trong những năm qua luôn phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng trong việc thu giữ những di vật, cổ vật buôn bán trái phép, hoặc trục vớt lậu từ biển khơi… Gần đây, với việc ra đời của Luật Di sản văn hóa, đã đề cập đến quyền và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc sở hữu di vật, cổ vật, thì việc giữ gìn những di sản văn hóa vật thể đã trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành. Nhiều người dân có ý thức bảo vệ và thông báo cho cơ quan chuyên môn các di tích và di vật do họ phát hiện như mộ cổ, bia ký cổ, di chỉ khảo cổ, di vật…
Xã hội hóa bảo tồn di tích là nhằm mục đích đem trả lại di tích cho cộng đồng dân cư các làng xã, phố phường. Gắn di tích với cộng đồng sở tại, di tích sống trong sự chăm sóc của cộng đồng dân cư truyền thống, đó là điều kiện duy nhất và có thể để giữ gìn chúng lâu dài.
Các di tích tôn giáo tín ngưỡng gặp nhiều thuận lợi trong chăm sóc và duy tu. Các di tích cách mạng cũng đã và đang được Đảng và nhân dân quan tâm, song đa số các di tích này hiện nay chỉ ở mức độ lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng bảo vệ, đặt bia di tích. Trong số di tích cách mạng, di tích Núi Bà (Phù Cát) - một trong những khu căn cứ của Tỉnh ủy Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ - được xếp hạng cấp Bộ. Thực hiện phương châm xã hội hóa, Chủ tịch UBND tỉnh đang kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư quy hoạch tôn tạo nhằm phát huy giá trị di tích. Có di tích đang trong giai đoạn thai nghén, lập dự án xây dựng, với sự đầu tư của một tổ chức cá nhân, trong thời gian đến sẽ thực hiện như di tích Bãi biển Quy Nhơn - nơi diễn ra sự kiện 300 ngày đêm chuyển quân tập kết ra Bắc năm 1954; có di tích như tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tỉnh đang tiến hành trùng tu cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Cộng hòa Liên bang Đức...
Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 76 di tích đã được xếp hạng, trong tương lai có thể lên tới trên 100; con số này không nhỏ, nếu di tích nào cũng trông chờ vào sự đầu tư trùng tu của Nhà nước, thì sẽ không chịu nổi chi phí lớn như vậy. Thiết nghĩ, có một số loại hình di tích cách mạng, chúng ta nên giao cho các tổ chức như Cựu chiến binh, Thanh niên… đỡ đầu, để hàng ngày, hàng tuần… họ lấy đó làm nơi sinh hoạt văn hóa, nhưng không phải là kinh doanh thu lợi nhuận, họ sẽ có ý thức lau chùi, quét dọn. Di tích sẽ được nằm trong sự chăm sóc thường xuyên của con người.
|
Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành của nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo, hằng ngày mở cửa phục vụ khách tham quan.
|
Người dân và làng xã góp công sức, tiền của cho duy tu di tích là điều bức thiết, song việc giao cho họ trùng tu thì cần phải có sự cân nhắc kỹ. Cần phải có sự phân cấp và hướng dẫn của Nhà nước, quy định trường hợp nào dân và làng xã được tu sửa di tích, trường hợp nào thì không được; quy định về các bài bản tu sửa di tích. Số lượng vốn, nguồn vốn không thể là yếu tố chính quyết định đối tượng và kỹ thuật trùng tu di tích. Các nhà trùng tu, cơ quan chuyên môn luôn phải can thiệp vào các di tích có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa.
Nằm trong phong trào chung của cả nước, các di tích tín ngưỡng và danh lam thắng cảnh ngày nay thu hút mạnh các tầng lớp nhân dân đến thăm viếng và thưởng thức. Càng có đông người thăm viếng, càng có lý do tồn tại và đầu tư. Song ở đây lại xuất hiện nguy cơ khác, đó là di tích bị xâm hại, có di tích trở thành đối tượng khai thác kinh doanh tự phát, như Ghềnh Ráng, Hầm Hô… cách đây nhiều năm.
Về xã hội hóa công tác bảo tàng. Bảo tàng vốn dĩ bắt đầu từ sưu tập. Sưu tập là việc làm, là niềm say mê của người yêu nghệ thuật, yêu vốn cổ. Ngày nay, sự nghiệp bảo tàng phát triển mạnh và rộng khắp, sưu tập trở thành việc làm của các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức. Song về cốt lõi, bảo tàng với đầy đủ ý nghĩa của nó, phải dựa trên cơ sở khoa học, phải làm công việc mang tính bác học. Sưu tập càng được dựng lập công phu, hiếm hoi, mang tính tư liệu lịch sử, trưng bày đẹp đẽ bao nhiêu, thì càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi và sâu sắc của xã hội bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dòng người đến di tích nhiều hơn bảo tàng. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, trong công tác sưu tầm, Bảo tàng Bình Định đi theo xu hướng sưu tầm sưu tập, có những sưu tập hiện vật quý mà khi đến Bảo tàng mới có được. Bảo tàng bổ sung các sưu tập ngày càng nhiều hơn, nâng cao tính khoa học và tính văn hóa cho mỗi sưu tập hiện vật để tương lai dần trở thành nhu cầu của xã hội. Một khi sự phát triển văn hóa cộng đồng, cùng với sự nâng cao mức sống và dân trí thì dòng người đến với bảo tàng sẽ nhiều hơn.
Để có những sưu tập hiện vật quý trong Bảo tàng hiện nay, trong những năm qua Bảo tàng đã hợp tác với nhiều cơ quan trung ương, cũng như các tổ chức trong và ngoài nước như phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khai quật khu lò gốm cổ Gò Sành (Nhơn Hòa - An Nhơn); phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật hoàng gia Bỉ khai quật lò gốm cổ Gò Hời (Tây Vinh - Tây Sơn); phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam khai quật Di chỉ khảo cổ ở Động Cườm (Tam Quan) thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây trên 2.000 năm… Những lần khai quật này đều do nguồn kinh phí của phía đối tác đầu tư, khối lượng hiện vật đem về Bảo tàng ngày càng nhiều. Ngoài ra, trong xu thế giao lưu hợp tác với quốc tế trong giai đoạn hiện nay, vừa qua, Bảo tàng Bình Định đã đưa 2 cổ vật Chăm cùng với các cổ vật của 13 bảo tàng trong cả nước, đi trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bruxells - Bỉ và Bảo tàng Volkerkunde - Áo, với nội dung trưng bày là Việt Nam - quá khứ và hiện tại. Thông điệp của cuộc trưng bày là hình ảnh của nước Việt Nam có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, thân thiện hữu nghị trong xu thế toàn cầu hóa.
Luật Di sản văn hóa ra đời, tạo một không khí cởi mở và hồ hởi cho các nhà sưu tập. Bằng sự nỗ lực của nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo, nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành đã ra đời (173 Lê Hồng Phong - TP Quy Nhơn), tạo bước đột phá trong lĩnh vực bảo tồn bảo tàng. Đây sẽ là tiền đề cho một loại hình hoạt động văn hóa mới: Bảo tàng tư nhân, Bảo tàng gia đình, các sưu tập mở ở Bình Định phát triển trong những năm tiếp theo.
|