Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !
21:44', 29/4/ 2006 (GMT+7)

Trong căn phòng thật ấm áp tại nhà riêng trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội, chúng tôi được Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, một người con của quê hương Bình Định, tâm sự về cuộc đời binh nghiệp và sự trở về cuộc sống đời thường của một vị tướng, nhất là kỷ niệm về những ngày chiến đấu tại chiến trường Bình Định ngày ấy.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh trong đời thường.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sinh ngày 20-2-1926 tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn trong một gia đình nông dân nhưng đã bị địa chủ thực dân chiếm hết đất nên cha mẹ ông đi làm công nhân ở xưởng dệt Đờ-li- nhông (Phú Phong - Tây Sơn). Ông là con lớn nhất trong gia đình có 5 anh em trai. Học hết sơ học ở quê, ông xuống Quy Nhơn học hết bậc tiểu học và tiếp tục học trung học bằng cách vừa học vừa làm thuê tại các cửa hàng ăn. Nhưng học được hơn 2 năm thì bỏ dở vì cha mẹ ông lúc đó không thắng nổi cái nghèo. Những năm tháng ở quê, nhờ sự giác ngộ của người chú họ là thầy giáo Nguyễn Đông, ông đã sớm nhận ra nhiều thủ đoạn độc ác của bọn địa chủ, thực dân, và nỗi nhục của người thanh niên mất nước. Cuối năm 1943, ông làm công nhân của hãng dệt Đờ-li-nhông, nơi cha mẹ ông đang làm. Tại đây, ông nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc thực dân đã bóc lột sức lao động của công nhân, cư xử tàn ác, thô bạo đối với người dân thuộc địa. Nhiều đêm, ông thao thức không sao ngủ được, mong muốn thoát khỏi sự áp bức, nhưng chưa biết đi đâu, làm gì? Đang băn khoăn trước ngã ba đường thì phong trào cách mạng tràn về, ông đến với "Việt Minh" như nắng hạn gặp mưa rào!

Tháng 3-1945, ông được tiếp xúc với hai chiến sĩ Việt Minh ngay tại hãng dệt Đờ-li-nhông. Đầu tháng 4-1945, ông chính thức được kết nạp vào tổ chức "Việt Minh" huyện Bình Khê và tham gia vào đội ngũ tuyên truyền lưu động, vận động nhân dân trong các huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn nhằm hình thành lực lượng chủ lực cho cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945. Lực lượng này sau đó đã giành được chính quyền tỉnh lỵ Bình Định lúc bây giờ và các huyện xung quanh Quy Nhơn, thành lập Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ (tên mới của tỉnh Bình Định lúc đó). Sự kiện đó là bước ngoặt lớn của đời ông và nhân dân tỉnh Bình Định - từ người mất nước trở thành người làm chủ đất nước. Ông đứng vào hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và từng bước trưởng thành.

Với ông, những trận chiến ác liệt ở chiến trường Bình Định năm xưa là chuỗi tháng ngày không quên của mình. Ông nhớ nhất là trận đánh cuối cùng trong chiến dịch Mùa Xuân 1975 - tiến công đường 19 trong phạm vi hai huyện Bình Khê và An Khê để thực hiện chiến lược chia cắt quân địch giữa đồng bằng và Tây Nguyên. Đường 19 không chỉ là đường tiếp liệu, tiếp vận của địch mà còn là con đường rút lui nhanh nhất của chúng xuống đồng bằng Khu V khi Tây Nguyên bị thất thủ. Do vậy, Mỹ-ngụy đã khẳng định phải bảo vệ đường 19 trong bất cứ tình thế nào… Nhận thức về con đường chiến lược này, ông đã trực tiếp chỉ đạo Sư đoàn 3 lên phương án và chuẩn bị chiến đấu hết sức khẩn trương dưới sự đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Lúc đó, ông là Phó Chính ủy Quân khu V được phân công chỉ đạo Sư đoàn 3 đảm đương trọng trách này. Vào lúc 5 giờ 35 phút ngày 4-3-1975, Sư đoàn 3 nổ súng tấn công cắt đường 19 với chiến thuật tập kích hiệp đồng binh chủng và bao vây tiến công liên tục, cùng một lúc vừa cắt đường, vừa diệt quân chủ lực dự phòng ở Truông Ổi- Định Quang. Trong 5 ngày tấn công, Sư đoàn 3 do ông chỉ đạo đã đánh thiệt hại nặng trung đoàn 47, sư đoàn 22 và liên đoàn bảo an 927 ngụy, diệt 310 tên địch, bắt sống 52 tên; thu 200 súng, trong đó có 2 khẩu pháo 105 mi-li mét; làm chủ đoạn đường dài hàng chục ki-lô-mét, chia cắt chiến lược hiểm hóc giữa Tây Nguyên với đồng bằng Khu V. Đây là tiếng súng mở màn chiến dịch Mùa Xuân 1975 trên chiến trường Khu V…

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh trao học bổng và động viên các bạn sinh viên Bình Định là quân nhân tại ngũ, đang học tập, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo quân đội ở phía Bắc.

Có thể nói, cả đời binh nghiệp của ông gắn chặt với chiến trường Bình Định, ông đã từng chứng kiến nhiều gương chiến sĩ có tinh thần quả cảm, với ý chí kiên cường và sự che chở, giúp đỡ nhân hậu của những bà mẹ, bà chị trên mảnh đất Bình Định kiên cường. Trở về cuộc sống đời thường, ông không thể nào quên những tấm lòng kiên trung, xả thân vì nghĩa lớn của những chiến sĩ cách mạng, tấm lòng của nhiều người dân vì che chở bộ đội mà ngã xuống để có ngày độc lập hôm nay. Ông kể: Trong kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn 3 (Sao Vàng) cũng như du kích và nhân dân ở đây đã xây dựng Bình Định trở thành một chiến trường kiên cường, thành đồng vững chắc sau lưng địch, đã chi phối và chôn chặt quân đoàn 2 của địch ở miền Trung. Quân dân Bình Định đã cắt đứt, khống chế hoàn toàn đường 19. Không một đơn vị nào của địch tấn công được lên Tây Nguyên, góp phần giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, làm bàn đạp tấn công vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền ở Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30-4-1975.

Mặc dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, dưỡng thọ, nhưng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh vẫn còn tất bật với bao công việc. Theo ông, đã là bộ đội Cụ Hồ thì... không có chuyện về hưu, còn sức thì còn lao động. Một vị tướng về với đời thường nhưng hằng ngày vẫn tất bật bao việc viết hồi ký, viết sách, viết báo, nói chuyện truyền thống của quân đội, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp trẻ. Hiện nay, ông còn là Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định ở miền Bắc, tập hợp những người con Bình Định để hướng về quê hương, vận động họ quyên góp  ủng hộ cho nhân dân Bình Định mỗi khi gặp thiên tai, lụt bão… Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Bình Định, ông đều đến thăm các học viên, sinh viên Bình Định đang học tập, nghiên cứu ở phía Bắc, nói chuyện truyền thống và động viên các em cố gắng học thật tốt để giúp ích cho quê hương, cho đất nước. Ngoài ra, với vai trò Cố vấn chính trị của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, ông lại trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Với nhiều bài viết, bài nói chuyện của mình, những tham luận tại các cuộc hội thảo…, ông cùng GS Hoàng Chương đang tìm mọi biện pháp bảo tồn những nét văn hóa đẹp của dân tộc như nghệ thuật Tuồng, Bài chòi, âm nhạc truyền thống…; tôn vinh những danh nhân văn hóa nước Việt nói chung và danh nhân Bình Định như Nguyễn Huệ, Đào Tấn… nói riêng.

Với tôi, nét đẹp của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh không chỉ có trong thời chiến tranh, mà còn tỏa sáng trong đời thường bởi phong thái ông lúc nào cũng đĩnh đạc, từng trải, toát lên cái uy của một vị tướng trong quân đội; đồng thời tôi cũng cảm nhận được sự gần gũi, cởi mở bởi sự giản dị ấm áp của một chiến sĩ văn hóa, của một vị tướng rất đỗi đời thường.

  • Nguyễn Huỳnh Huyện
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (29/04/2006)
Chuyện ở làng Canh Giao  (29/04/2006)
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)
Sự ra đời bốn câu thơ của Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam  (02/04/2006)
Tuổi trẻ TP Quy Nhơn với đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20"  (02/04/2006)
Di tích Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng - vừa được công nhận xếp hạng  (02/04/2006)
Sức sống mới ở vùng chiến khu xưa  (02/04/2006)
Quy Nhơn: Nhìn về những con đường, khu phố  (02/04/2006)
Phố đá granit Bình Định ở Hà Nội  (02/04/2006)
Không gian - môi trường - cảnh quan của di tích kiến trúc  (02/04/2006)
Vũ điệu cung đình Chămpa trên tác phẩm điêu khắc  (02/04/2006)
Người cựu tù năm ấy  (02/04/2006)