. Ghi chép của Ngọc Thái
Chỉ cách thành phố Quy Nhơn chưa đầy 13 km, nhưng Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng - Quy Nhơn) từng được ví là nơi "góc bể chân mây", bởi địa hình nằm lọt thỏm giữa núi và biển. Từ bao đời nay, cư dân Bãi Xép cứ lặng lẽ mưu sinh theo từng con nước, theo những chuyến đi biển gần bờ. Tưởng chừng thiên nhiên như vô tình đưa đẩy người dân nơi đây vào chỗ biệt lập, đói nghèo, nhưng con đường Quy Nhơn - Sông Cầu (quốc lộ 1D) được xây dựng, đã làm thay đổi diện mạo Bãi Xép...
|
Một góc khu vực Bãi Xép.
|
* Thung lũng biệt lập
"Tôi đã đi qua gần hết cuộc đời rồi, và cũng từng ấy thời gian gắn bó với làng chài này. Những tưởng cuộc đời của mình và con cháu không bao giờ thoát được cảnh cùng cực, nghèo khó, không ngờ bây giờ đã có điều kiện để vươn lên" - ông Nguyễn Văn Bình, 65 tuổi, một cư dân Bãi Xép mà chúng tôi tình cờ gặp được trên đường đến đây, đã bộc bạch như vậy. Không riêng gì ông, hầu như 100 hộ dân với gần 800 nhân khẩu đang sinh sống ở Bãi Xép đều là nhân chứng sống của một thời gian khó của quê hương mình.
Ngày trước, từ Bãi Xép muốn đi ra bên ngoài chỉ có leo núi, vượt biển. Bà con ở đây muốn đến Quy Nhơn mua sắm đồ đạc hay ra phường ký giấy tờ phải mất gần 3 giờ đi ghe ra bến Hàm Tử thuộc phường Hải Cảng (Quy Nhơn) rồi thuê xe đi tiếp. Điều kiện giao thông như vậy đã hạn chế rất lớn sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng đất này. Ông Võ Văn Long, một cư dân ở đây, bộc bạch: "Những năm trước, vùng đất này còn hoang sơ lắm, nhà cửa đâu có được khang trang như bây giờ. Không có nổi một chiếc máy phát điện, ban đêm chỉ có ánh đèn dầu leo lét, nhà nào sang hơn một chút cũng chỉ có chiếc bóng đèn thắp sáng bằng bình ăcquy. Những lúc ốm đau, bệnh tật, không có trạm xá để sơ cứu kịp thời, không ít người phải "ra đi" một cách oan uổng dù không mắc bệnh hiểm nghèo".
Những năm cuối của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một số ngư dân Bãi Xép đã học được của ngư dân Phú Yên nghề khai thác và ươn nuôi tôm hùm giống. Tuy nhiên, nghề mới này cũng chỉ tạo cho họ có thêm điều kiện mưu sinh, chứ chưa giúp họ thoát khỏi đói nghèo vì điều kiện giao thông còn cách trở. Ông Nguyễn Tấn Bi - đã ngoài bát tuần - bùi ngùi nhớ lại: "Thời gian khó ấy, người dân Bãi Xép chỉ có làm biển với vài thứ ngư cụ nhỏ lẻ, cuộc sống khó khăn. Sản phẩm chúng tôi làm ra muốn bán cũng rất trầy trật bởi phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Vẫn biết rằng mình bị ép giá nhưng đành chịu, chứ không bán thì biết bán cho ai bây giờ…". Ông bỏ lửng câu nói ở đây, chỉ còn nghe tiếng thở dài ảo não.
* Đánh thức tiềm năng
Bãi Xép chuyển mình từ khi tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu mở ra, phá thế cô lập mà lâu nay vùng đất này phải gánh chịu. Tuyến đường này đã tạo điều kiện cho nhân dân Bãi Xép đi lại thuận lợi, giao lưu với bên ngoài và đánh thức những tiềm năng kinh tế đang còn ngủ yên.
|
Tàu thuyền của ngư dân Bãi Xép chuẩn bị ra khơi khai thác tôm hùm giống.
|
Mấy năm qua, nghề đánh bắt tôm hùm giống đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của ngư dân Bãi Xép. Ở vụ chính, nếu được mùa, trung bình mỗi đêm một thuyền có thể khai thác được 30-40 con tôm hùm giống, cá biệt có tàu khai thác được gần 200 con. Với giá tôm hùm giống dao động từ 120-130.000 đồng/con như hiện nay, mỗi đêm một tàu thu nhập ít nhất được 2 triệu đồng; tàu nào trúng thì thu gần 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Phước, một ngư dân khai thác tôm hùm giống ở Bãi Xép, cho biết: "Chỉ tính từ đầu năm đến nay, sau khi trừ các khoản chi phí và chia cho bạn, gia đình tôi còn lãi hơn 30 triệu đồng, trả được nợ và cũng dư dả đôi chút để sắm sửa đồ đạc trong nhà". Không riêng gì ông Phước, hơn 100 ngư dân làm nghề khai thác tôm hùm giống ở Bãi Xép cũng có thu nhập cao từ nghề này. Chỉ tính trong vụ vừa qua, ngư dân Bãi Xép đã khai thác được hơn 25.000 con tôm hùm giống, thu về hơn 3 tỉ đồng.
Ngoài khai thác, nghề ươn nuôi tôm hùm ở đây cũng phát triển mạnh. Anh Nguyễn Hữu Trí, một hộ nuôi tôm hùm khá thành công ở đây đã dắt chúng tôi ra thăm những lồng tôm của mình và giới thiệu: "Trước kia có bao giờ tôi dám nuôi với số lượng lớn như thế này. Nhưng từ khi có con đường Quy Nhơn - Sông Cầu chạy qua, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển thêm lồng nuôi". Hiện anh đã có hơn 6 lồng tôm, ước tính mỗi vụ thu hoạch lãi 30-40 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Xuân thì phấn khởi: "Như tui đây, già rồi cũng nuôi được 7 lồng nữa là trai trẻ. Tụi trẻ bây giờ làm ăn dữ lắm, cứ đưa lồng ra xa dần, mỗi năm mỗi tăng thêm nhiều". Ông chủ này không hề giấu giếm, khoe luôn: "Năm vừa rồi tui nuôi 3 lồng, tất cả là 500 con tôm, thu hơn 40 triệu đồng". Hiện nay tôm hùm đang được xem là loại hải sản rất có giá trị với giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 700.000 đồng/kg. Bởi vậy, tuy mấy năm qua giá tôm hùm giống liên tục tăng, nhưng người nuôi vẫn có lãi. Ông Nguyễn Văn Thanh, khu vực trưởng khu vực Bãi Xép, cho biết: "Ở Bãi Xép hiện đã có hơn 80 hộ ươn nuôi tôm hùm giống, với hơn 200 lồng tôm. Con số này đang được nhân lên từng ngày, khi mà ngư dân vẫn đang ấp ủ giấc mộng làm giàu từ biển bạc".
Cuộc sống của cư dân Bãi Xép bây giờ đã thay đổi khá nhiều. Cách đây vài năm, cả khu vực Bãi Xép không có một ngôi nhà ngói nào. Vậy mà giờ đây, tất cả đã xây được nhà ngói khang trang, nhiều hộ xây cả nhà lầu, 100% số hộ có ti vi, 90% số hộ có xe máy và mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền khác. Những con số này sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, khi vùng biển nghèo đói xác xơ, những con người âm thầm, thô mộc ngày nào đã hoạt bát, tươi vui, năng động, sáng tạo và làm ăn có tính toán.
|