Đầu thế kỷ XX, trên đường vào Sài Gòn để ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã có một thời gian đáng kể dừng chân ở Bình Định. Thời gian đó, khoảng 12 tháng (18-5-1909 – 30-6-1910).
Theo những tư liệu lịch sử còn để lại, ngày 1-7-1909, triều đình Huế đã bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy), thân sinh ra Bác làm Tri huyện Bình Khê. Trước khi lên đường nhậm chức, ông Nguyễn Sinh Huy đã gởi Bác Hồ đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp và văn hóa ở giáo học Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch), giáo viên của trường Pháp-Việt đầu tiên của tỉnh Bình Định ở Quy Nhơn (gọi là trường Sở cò). Vị trí trường Pháp-Việt Quy Nhơn, nơi ông giáo Phạm Ngọc Thọ dạy học (1905-1910) được xác định, hiện nay là khu vực sau tòa Giám mục giáo phận Quy Nhơn, nằm phía Bắc đường Bạch Đằng, bên trái đường Trần Bình Trọng, khu vực này còn có tên gọi dân gian là xóm Trường. Nhà của giáo học Phạm Ngọc Thọ, chính là khu vực thuộc Trường Mầm non Hoa Sen, đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn hiện nay. Thời gian sống ở Bình Định, Bác đã đến nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống ở Quy Nhơn, nhất là những ngày đầu đặt chân đến Bình Định.
|
Nhà trẻ Hoa Sen - khu vực nhà ông Phạm Ngọc Thọ - nơi Bác Hồ dừng chân trước khi vào Phan Thiết (1909). Ảnh: Q.H (Chụp lại từ ảnh tư liệu của Bảo tàng tổng hợp tỉnh) |
Còn nơi Bác Hồ đến thăm cha là huyện đường Bình Khê, nơi ở và làm việc của cụ Nguyễn Sinh Huy khi cụ làm Tri huyện Bình Khê. Huyện đường Bình Khê nằm ở Đồng Phó,Tây Giang, Tây Sơn. Theo mô tả, lúc bấy giờ, huyện đường là một ngôi nhà nhỏ xây gạch, khung gỗ, mái tranh, nền đắp cao, xung quanh kè đá, lát gạch thường. Huyện đường quay hướng đông nhìn ra sông Kôn, chính giữa là công đường, nơi làm việc của quan huyện. Hai bên là 2 phòng để quan tiếp khách. Phía sau huyện đường là tư gia của quan huyện, sau nữa là nhà giam thường phạm. Huyện đường Bình Khê ngày nay cũng không còn lưu lại dấu tích nào.
Huyện An Nhơn, là nơi cụ Nguyễn Sinh Huy có thời gian ở lại để chấm thi hương (18-5 – 17-6-1909) tại trường thi Bình Định. Đó còn là khoảng thời gian cụ Huy bị cách chức Tri huyện Bình Khê về nằm chờ tại tỉnh thành, đợi đưa ra Huế. Những ngày này đến thăm cha, có khả năng Bác ở Dịch đình (còn gọi là Dịch xá, Thừa dịch) hoặc trường học tỉnh Bình Định (còn gọi là trường Tỉnh học, trường Đốc, Ký túc đình)...
Cũng theo nhiều tài liệu, trong thời gian ở Bình Định, Bác đã đến nhà cụ Đào Tấn ở thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, Tuy Phước vì giữa cụ Đào Tấn và cụ Nguyễn Sinh Huy có ít nhất 2 lần gặp nhau. Những năm 1895-1898, cụ Đào Tấn làm quan tại Huế, cụ Nguyễn Sinh Huy học Quốc Tử Giám; những năm 1899-1903, cụ Huy đỗ Phó bảng về quê dạy học, cụ Đào Tấn làm Tổng đốc Nghệ Tĩnh lần thứ 2. Năm 1906-1907, Bác Hồ học ở Đông Ba và đậu tiểu học cùng năm với Đào Duy Thạch- con trai thứ của cụ Đào Tấn. Ngoài ra, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và Bác còn có mối quan hệ ít nhiều với một số người Bình Định có lúc ở Huế và ở Bình Định như cụ Đào Phan Duân, quê ở Tuy Phước, Bình Định. Từ năm 1896-1907, cụ làm việc ở Nội các và Huế, từ Hàn lâm viện kiểm thảo (như cụ Huy năm 1906) đến Phủ Doãn Thừa Thiên, tham gia chấm thi ở các kỳ thi Hương trường Huế từ 1897-1907, tham gia bình thơ văn tại Quốc Tử Giám (thời gian này cụ Huy học Quốc Tử Giám, Thừa biện Bộ Lễ). Cử nhân Trương Đình Văn, quê Phù Cát, quen biết Bác Hồ những ngày ở Quy Nhơn. Các ông Lê Đức Trinh, Trần Đình Phu, Lê Doãn Sằn... đậu cử nhân khoa Kỷ Dậu (1909) tại trường thi Bình Định, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy làm quan phúc khảo...
|
Địa điểm huyện đường Bình Khê - nơi cụ Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Bác Hồ làm Tri huyện năm 1909. Ảnh: Q.H (Chụp lại từ ảnh tư liệu của Bảo tàng tổng hợp tỉnh) |
Qua nghiên cứu nhiều tài liệu, tư liệu điều tra điền dã, nhiều tác giả đã xác định mảnh đất Bình Định là nơi mà ba cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy sống chung với nhau những ngày cuối cùng, trước giờ phút ly biệt để rồi, Bác Hồ - cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành ngày ấy - từ biệt cha, anh bước vào cuộc hành trình gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân.
Thời gian Bác Hồ ở Bình Định không phải ngắn ngủi, nhưng Bác ít có điều kiện, cơ hội tiếp xúc, quan hệ với nhiều tầng lớp nhân dân như ở Huế và Phan Thiết. Tuy nhiên, những ngày tháng ấy chắc chắn để lại trong tâm khảm người thanh niên Nguyễn Tất Thành những ấn tượng sâu đậm về con người và mảnh đất Bình Định.
|