Khu kinh tế Nhơn Hội:
Hội tụ và lan tỏa
22:26', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Đến nay, Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH) với nhiều thế mạnh đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Đây còn là hệ quả tất yếu của những cố gắng không mệt mỏi trong các hoạt động xúc tiến đầu tư  của lãnh đạo tỉnh, với mục tiêu tiên quyết là để KKTNH sớm nên vóc nên hình.

1. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định, tiến sĩ Trương Đình Hiển, “cha đẻ” của các dự án KKT Dung Quất, KKT Chân Mây, KKTNH và nhiều dự án lớn khác của đất nước, đã rất tâm đắc với KKTNH. Ông nói: “Đây là một vùng non nước tuyệt vời, với vị trí và vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ của riêng tỉnh Bình Định mà còn đối với miền Trung và Tây Nguyên-một cửa ngõ lớn của tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là con đường ra biển gần nhất của một phần lãnh thổ rộng lớn của các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, và vì thế KKTNH có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển và tạo dựng một gạch nối lớn về kinh tế theo cả 2 trục Đông - Tây và Bắc - Nam”.

 

Đồng chí Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh (người đứng giữa) tham dự Lễ khởi công các dự án hạ tầng kỹ thuật KKT Nhơn Hội.  Ảnh: B.L

Con đường 18B nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) đã thông xe kỹ thuật cách đây 2 tháng. Từ Ubonrachathani - thủ phủ của Đông Bắc Thái Lan, đến Quy Nhơn xe ôtô chỉ mất khoảng 9 giờ lăn bánh. Còn từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia (qua cửa khẩu Đức Cơ) thời gian sẽ ít hơn. Điều đó cho thấy  cảng biển và KKT phức hợp Nhơn Hội có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả khu vực rộng lớn này. Sự ra đời của KKT này làm tăng thêm sức sống và sự phát triển của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, và cả Tây Nguyên, nó góp phần quan trọng trong việc mở rộng và kéo dài trục phát triển công nghiệp tổng hợp dọc duyên hải miền Trung từ Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) - Đà Nẵng - Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi) - Nhơn Hội (Bình Định).

Sự hình thành trục kinh tế phức hợp lớn ở vùng duyên hải miền Trung với sự yểm trợ hùng hậu của hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Nhơn Hội kéo theo sự hình thành các trục hành lang Đông - Tây thông qua các con đường 9, 24, 14 và đường 19 làm rõ nét sự thích ứng chiến lược của đất nước và miền Trung trong thời kỳ mới. Với sứ mạng ấy, ở thời kỳ đầu, KKTNH phát triển theo hướng đại công nghiệp với nền sản xuất hướng ngoại và thương mại tự do. Trong giai đoạn tiếp theo là thời kỳ phát huy ảnh hưởng của nó đối với Tây Nguyên và dải đất dài rộng phía sau đó. Trên cơ sở các đặc điểm quan trọng ấy, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới hiện tại đã tạo nên thế và lực cũng như thời cơ, vận hội để Nhơn Hội trở thành một KKT phát triển năng động với sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia. Vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng, tỉnh táo và chuẩn xác nắm bắt thời cơ thực hiện sự thích ứng chiến lược của KKTNH với đất nước và khu vực.

2. Đầu năm 1998, UBND tỉnh thông qua dự án Nhơn Hội. Ngay sau đó, các công việc đầu tiên được tích cực chuẩn bị và đề đạt với Chính phủ. Tháng 6 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập KKTNH. Trước và sau thời điểm đó, các hoạt động quảng bá, giới thiệu về KKTNH tại các cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước liên tục diễn ra. Trước hết là các chuyến thăm và ký văn bản hợp tác với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Hà Tĩnh. Sau đó là hàng loạt các cuộc xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh của KKTNH tại Lào, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, Singapore. Bên cạnh đó, mọi cố gắng được dồn cho việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội. Và gần đây nhất, ngày 29-4 - tại bờ bắc cầu vượt đầm Thị Nại đã diễn ra lễ khởi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật KKT NH. Bao gồm dự án khu tái định cư Nhơn Phước (tổng giá trị đầu tư 71 tỉ đồng) được xây dựng tại thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội. Trên mặt bằng 30 ha các công trình hạ tầng sẽ được thi công trong vòng 12 tháng, bao gồm: đường, kè dọc lạch, cấp thoát nước, điện sinh hoạt và điện chiếu sáng, dải cây xanh phòng hộ...phục vụ tái định cư cho 450 hộ dân theo tiêu chí bảo đảm tốt hơn nơi ở cũ. Dự án đường nối từ đường trục đến trung tâm xã Nhơn Lý dài hơn 5 km, với quy mô xây dựng đường cấp 2 đô thị (bao gồm 4 đoạn có mặt cắt ngang từ 12m, 18m, 24m và 52m, kinh phí đầu tư 100 tỉ đồng. Công trình này sẽ hoàn thành sau 400 ngày nữa. Dự án quan trọng nhất vừa được khởi công là tuyến đường trục chính nối Bắc cầu vượt đầm với điểm cuối cùng của KKT tại xã Cát Hải (Phù Cát). Tuyến đường dài hơn 15,5 km này là một đại lộ với quy mô mặt cắt ngang rộng 80 mét. Dự án trị giá 393 tỉ đồng này sẽ hoàn thành vào giữa năm sau.

 

Cầu vượt đầm Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam đang được các nhà thầu gấp rút hoàn thành. Ảnh: C.H

Trong gần 3 năm qua, kể từ khi khởi công tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội,  bản trường ca công trường tại đây luôn hối hả và dồn dập. Mọi cố gắng về nhân tài vật lực đều được đổ dồn cho đại công trường này. Đến nay, tuyến đường dẫn dài gần 4 km gồm 5 cầu nối thông với cầu vượt đầm Thị Nại đã hoàn thành. Hiện nay các đơn vị thi công đang dồn sức vào 9 trụ cầu dẫn đoạn giữa đầm. Các đơn vị thi công cây cầu này đã phấn khởi cho biết rằng họ đã bỏ lại phía sau lưng tất cả các khó khăn, trở ngại. Mọi công việc đều đang diễn biến thuận lợi. Chắc chắn trong tháng 9 tới đây, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (dài 2.474 mét) này sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật, tạo điều kiện cho các đơn vị xây dựng hạ tầng KKT và các nhà đầu tư  có thể triển khai tốt các dự định của họ tại đây.

3. Cũng như các KKT khác, KKTNH là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế với xã hội, bao gồm: công nghiệp, cảng biển, du lịch, thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, điểm khác biệt của khu kinh tế này là KKT duy nhất có kết hợp các loại hình du lịch tại các điểm thuộc khu du lịch trọng điểm quốc gia Phương Mai-Núi Bà. Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKTNH là: phát triển công nghiệp có quy mô lớn, xây dựng và kinh doanh kho trung chuyển quốc tế, xây dựng các khu đô thị mới gắn liền với du lịch sinh thái đầm-núi- biển. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn trong và ngoài nước, lợi thế so sánh của KKTNH là: nằm cạnh thành phố Quy Nhơn-một đô thị loại 2 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn, làm hậu cứ vững chắc cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ phục vụ khu kinh tế. Ngoài ra đây là một KKT có quỹ đất lớn, trên 12.000 ha và chủ yếu là đất đồi cát, địa chất ổn định, dân cư thưa thớt, thuận lợi cho quy hoạch và xây dựng mới công trình với chi phí thấp. Với vị trí biệt lập, 3 mặt giáp biển và đầm, nhưng KKTNH rất gần các đầu mối giao thông quan trọng với đủ loại hình giao thông: đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt. Chính vì những lợi thế ấy, cộng với cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch (các dự án đầu tư vào KKTNH được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn - là mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật đầu tư Việt Nam) nên dù chỉ mới có quyết định thành lập, nhưng KKT này đã hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào KKTNH hơn 40 dự án với tổng giá trị đầu tư hơn 3 tỉ USD.

Rõ ràng các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước đã và sẽ đến với KKTNH đều  nhận biết được các lợi thế so sánh của KKT này. KKTNH đã trở lên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư bởi chính yếu tố hội tụ và lan tỏa của bản thân nó.

  • Cát Hùng

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (30/04/2006)
Chuyện ở làng Canh Giao  (29/04/2006)
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)
Sự ra đời bốn câu thơ của Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam  (02/04/2006)
Tuổi trẻ TP Quy Nhơn với đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20"  (02/04/2006)
Di tích Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn Sao Vàng - vừa được công nhận xếp hạng  (02/04/2006)