Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ
22:31', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Bình Định trải chiều dài chiều rộng trên dải đất Nam Trung Bộ. “Ba mặt nam - tây- bắc là ba dãy non xanh nối nhau lại thành một chiếc ngai rồng vĩ đại” (Quách Tấn - Nước non Bình Định), mặt đông giáp biển. Nghĩ về Bình Định - Quy Nhơn, ký ức lại ùa về.

Thuở trước, du khách đến Bình Định được tha hồ tắm biển. Bãi biển Quy Nhơn thoai thoải, hình cánh cung, dài hơn năm cây số, chạy từ Mũi Tấn lên tới Ghềnh Ráng. Tắm biển Quy Nhơn, bạn dầm mình trong màu nước xanh trong, nô giỡn với sóng bạc đầu; thỏa thích rồi thì lên bờ phơi mình tắm nắng thủy tinh, hứng ngọn nồm thổi ngọt ngào ve vuốt thịt da. Thật là tuyệt vời khi bạn ngồi trên bãi biển Quy Nhơn buổi đêm về, thả hồn cùng biển đêm huyền bí với tiếng sóng vỗ rạt rào. Và bạn thân yêu biển hơn khi trước mặt mình, ánh đèn ngư phủ mở hội hoa đăng trên mặt biển và xa hơn là ánh hải đăng trên đảo Nhơn Châu chớp nháy liên hồi. Bạn được những em bé, những chị bán hàng rong mời mua đậu phụng rang, đậu phụng luộc, kẹo bạc hà, thuốc lá Capstan, Mélia… dọc bãi biển Quy Nhơn, những hàng quán giải khát dưới hàng phi lao, dưới hàng dừa xanh vẫn chờ đón bạn, dành cho bạn chỗ ngồi dễ chịu, thoải mái uống ly bia Con Cọp chở từ Sài Gòn ra, ly nước dừa xiêm ngọt lịm của xứ sở quê dừa; thức nhấm có mực khô, nem - giò Chợ Huyện, là những sản phẩm “danh bất hư truyền” của Quy Nhơn - Bình Định. Và bây giờ bạn mới hiểu vì sao ngày xưa ở đây có bãi tắm Hoàng Hậu (Nam Phương) và lầu Bảo Đại nay còn lưu lại dấu.

 

        Phong cảnh hồ Phú Hòa - Quy Nhơn.  Ảnh: H.H

Du khách đi dạo phố Quy Nhơn. Muốn ra bưu điện, bạn đến đường Mai Xuân Thưởng (nay có Bưu điện Trung tâm trên đường Phan Bội Châu và một mạng lưới bưu điện phường và đường phố rộng khắp); đi mua sắm thì đến đường Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo), đường Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong)… Cửa hiệu người Việt, người Hoa, người Ấn mời mọc bạn. Nếu thích uống sữa dê tươi mỗi sáng sớm, bạn hãy ngồi nhà, anh Bảy Chà Và có bộ râu quai nón ngả muối tiêu, bán sữa dê tươi rong qua các phố, sáng nào cũng mang sữa đi ngang qua nhà bạn và ghé vào mời bạn mua dùng. Từ đường Phan Bội Châu, bạn rảo bước theo hướng nam, một đỗi thì gặp đường Nguyễn Thái Học vắt ngang qua một vùng động cát hoang sơ, chạy giữa hai hàng thông reo vi vút; một đỗi nữa thì bạn lạc vào làng Xuân Quơn, một ngôi làng đẹp trong lòng thành phố Quy Nhơn, chuyên trồng rau, trồng hoa và trồng cây ăn trái. Trong làng, xanh biếc những đám ruộng rau, mát rượi những vườn cây ăn trái sai quả xen lẫn những vườn hoa huệ trắng, cúc vàng, lay ơn đỏ… Ông chủ vườn hiếu khách, sẵn lòng để cho cô con gái xinh, đang là nữ sinh Trường Nữ trung học, ra tiếp khách, mời bạn ăn dứa thanh, xoài ngọt… Biết đâu cuộc tương ngộ chẳng để lại cho bạn một ân tình khó quên ? Một hôm nào, Quy Nhơn phố còn mời bạn rảo bước thêm nữa. Bạn đi trên con đường Bạch Đằng với một bên là phố, nhà cửa san sát, là chùa Ông, chùa Bà cổ kính; một bên là đầm Thị Nại sương khói mà bạn có cảm giác rằng, đó là biển trời, kho trăng  gió vô tận của riêng bạn… Bạn đi trên đường phố cổ Phan Bội Châu, nhìn ngắm những mái ngói âm dương, những bờ tường xây đá ong mờ rêu mà người ta vẫn gọi đó là những “bờ tường gấm hoa” và những ô cửa bàn khoa đầy nét chạm trổ thường đóng kín; lại còn được nghe mùi cà phê rang thơm nức, từ đâu đó bay đến quyện vào mũi bạn đầy quyến rũ.

Bạn ngồi ăn bữa trưa ở nhà một người bạn thân nơi Xóm Tấn, bữa chiều nơi một tiệm cơm trên đường Nguyễn Huệ, bạn được thưởng thức những sản vật của biển Quy Nhơn: mực xào dứa, cua um, sứa trộn, cá thu nấu ngọt… Bạn có bánh tráng nướng “bẻ giòn giòn”, bánh tráng nhúng dẻo mềm cuốn món ngon, chấm chén nước mắm nhỉ vạn Gò Bồi đặt giữa mâm, và tất nhiên bạn không để thiếu món rượu Bàu Đá tuyệt hảo đưa cay. Bạn ngồi ăn trong tiếng sóng biển vỗ từng đợt vào bờ, trong bản nhạc thùy dương xanh ngát du dương.

Mới sáng sớm, còi tàu chợ trong sân ga, còi xe khách trong bến xe giục giã, mời gọi bạn đi thăm các vùng quê Bình Định. Dù đi tàu hay đi xe, thì bạn cũng được qua những thị trấn, thị tứ nhộn nhịp đông vui, những làng quê hiền hòa; được ngắm những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, những cảnh “sơn thủy hữu tình” đang bày ra trước mắt… Bạn có thể xuống tàu ở ga này, xuống xe ở bến nọ để được thăm thú những chùa chiền, thành quách, tháp xưa mà bạn đã từng nghe tiếng. Xứ này có nhiều tháp Chàm “thi gan cùng tuế nguyệt”. An Nhơn còn lưu giữ phế tích thành Đồ Bàn là kinh đô của vương triều Chiêm quốc mấy trăm năm, cũng thành ấy sau là kinh đô của Thái Đức Hoàng đế - nhà Tây Sơn - và được đổi tên là thành Hoàng Đế; phế tích thành Bình Định, thủ phủ của tỉnh Bình Định một thời, còn mãi âm vang cuộc nổi dậy kháng thuế hồi năm 1908. Dạo chơi những cổ thành, phế tích, lòng bạn sao khỏi ngẫm ngợi bao điều về một cuộc bể dâu đến ngậm ngùi xót thương: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa” (Vũ Đình Liên). Bạn đã có được mấy lần hành hương về đất Bình Khê (nay là Tây Sơn), nơi khởi nghiệp của phong trào nông dân Tây Sơn, về Điện thờ Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tại làng Kiên Mỹ (nay có thêm Bảo tàng Quang Trung); thăm lăng mộ Mai Xuân Thưởng ở xã Bình Tường?

Ra Hoài Nhơn, qua cầu Bồng Sơn lộng gió sông Lại, bạn không khỏi nao lòng trước câu hát bỗng từ đâu cất lên: “Nước nguồn hai ngọn giao chi/ Bồng Sơn hai huyện thiếu gì vợ anh”. Cô gái chèo thuyền nào đó trên sông Lại nói lời ong bướm trêu ghẹo bạn chăng ? Con gái xứ dừa Tam Quan lớn lên dưới bóng dừa, đẹp và chung tình, cho nên có nhiều nàng cưới được chồng làm rể “chí nguyện”.

Trong hồn người dân quê Bình Định, trăng có nét đẹp riêng, trăng bát ngát, tráng vàng, tráng bạc ở muôn nơi. Trăng đích thực là một mảnh hồn quê: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” (ca dao); một mối tình quê: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (ca dao); một tâm tình cho người ta chia sẻ những cảnh ngộ buồn thương: “Trăng lu vì bởi đám mây/ Đôi ta cách trở bởi dây tơ hồng” (ca dao). Trong hồn thi nhân thì trăng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Thơ Hàn Mặc Tử ít có bài, có câu vắng bóng trăng. Hàn nhìn trăng mới lạ: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng”, với bao vẻ lẳng lơ, đa tình: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi”; và nhà thơ còn thấy trăng như một tồn tại vĩnh cửu: “Chỉ có trăng sao là bất diệt/ Cái gì khác nữa thảy đi qua”. Chế Lan Viên nhìn trăng thật động, thật đắm hồn: “… Trăng ghì trăng riết cả làn da”. Còn Yến Lan thì đó là trăng nguyệt bạch: “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách”, trăng hẹn ước, nên thơ: “Ừ sao không nhớ người trai trẻ/ Trò chuyện cùng tôi dưới ánh trăng”. Đời dành cho thi sĩ Hàn nơi yên nghỉ đời đời trên đồi trăng phóng dật Ghềnh Ráng là bởi vì đời yêu trăng, yêu thơ Hàn và yêu cuộc đời Hàn.

Thuở trước, đến Quy Nhơn - Bình Định mà bạn chưa xem hát bội là coi như bạn chưa đến tỉnh này. Thi sĩ Tản Đà vào Nam ra Bắc, nếm trải bao phong vị của cả nước và ông đã tổng kết: “Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong/ Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu…”. Bình Định tuồng hay, kép độc, đào giỏi không hề thiếu: “Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi” (ca dao). Và rồi, dẫu có xa Bình Định rồi, câu hát chắc vẫn theo bạn: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.

Trên đây là Quy Nhơn - Bình Định hồi xưa, thời cách đây trên dưới năm mươi năm. Quy Nhơn hồi đó nhỏ lắm, nhưng trời cho một vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, Bình Định hồi đó nghèo lắm, con người chưa biết khai thác những tiềm năng sức lực của mình và của thiên nhiên ưu đãi. Nhưng dù sao, thì quê hương Bình Định đẹp và thơ cũng đã nuôi dưỡng, làm nên tâm hồn, cốt cách con người Bình Định, nhờ đó mà thời nào người Bình Định cũng có đóng góp công trạng vào việc lớn giữ nước và xây dựng đất nước. Người Bình Định ngày nay đang cùng cả nước đi trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các khu công nghiệp mới đang hình thành, cầu Nhơn Hội bắc qua biển lớn sắp khánh thành, Khu kinh tế Nhơn Hội nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của đất nước sẽ ra đời, mở rộng du lịch đang ngày càng có triển vọng tốt… Quê hương tôi luôn là một miền đất đẹp và thơ và cho tôi biết bao tình yêu dấu.          

  • H.K.B

           5-2006

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội tụ và lan tỏa   (17/05/2006)
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (30/04/2006)
Chuyện ở làng Canh Giao  (29/04/2006)
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)
Sự ra đời bốn câu thơ của Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam  (02/04/2006)
Tuổi trẻ TP Quy Nhơn với đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20"  (02/04/2006)