“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”
22:46', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Trong thời gian nghỉ giữa 2 hiệp của trận đấu K.Khánh Hòa và P.Bình Định ở vòng 14 giải Vô địch quốc gia Eurowindow V-League 2006, ông Đặng Gia Mẫn có trao đổi với các bình luận viên trên kênh VTC: “Người Bình Định xem trận đấu này có thể sẽ nhớ tới Issawa. Nhưng riêng tôi thì rất nhớ Phan Kim Lân. Đã hơn 20 năm nay, Bình Định không có 1 tiền vệ nào chơi hay như anh ấy...”.

Người mà ông Mẫn nói đến, được giới hâm mộ bóng đá Bình Định đặt cho biệt danh Lân “dzẽ”. Gặp được ông không khó, bởi nhà ông nằm phía sau SVĐ Quy Nhơn, phía đường Phan Bội Châu. Trước khi vào nhà, thấy hai bên trụ cổng đặt hai quả bóng, tôi đoan chắc: mình không nhầm. Tiếp tôi là một người đàn ông khoảng trên 50 tuổi, với những ngón tay co quắp, khuỷu tay nổi những cục u, chân bước thấp bước cao, tự xưng: Phan Kim Lân. Không dám nghi ngờ, nhưng tôi không thể hình dung người đàn ông đứng trước mặt lại chính là Lân “dzẽ” thường được nhắc đến như một “người hùng” của bóng đá Bình Định.

 

Phan Kim Lân (bìa phải) khi làm HLV cho đội Nghĩa Bình.

“Tôi bị bệnh gout (thống phong) trong thời gian làm HLV đội Gia Lai, lên đó ăn nhiều thịt, dư đạm nên sinh bệnh. Thế mà đã có ông nhà báo viết rằng do tôi nhậu say triền miên nên mới ra nông nổi...” - ông Lân khởi đầu cuộc trò chuyện bằng lời thổ lộ như vậy...

* 31 năm “lăn” theo quả bóng

Sinh ở Quảng Bình, tuổi thơ gắn bó với xứ Huế, nhưng gần như cả cuộc đời lại gởi trọn ở vùng đất võ. Cái duyên của ông với bóng đá cũng có nhiều thay đổi...

- Đúng vậy. Quê tôi ở Quảng Bình, nhưng tôi chỉ sống ở đấy 2 năm, rồi cả gia đình chuyển vào Huế. Hồi còn học tiểu học ở Huế, bọn tôi thường ra bãi đất ở khu Vườn Đoác, dùng những quả tennis hoặc lấy vải quấn lại thành bóng để đá. Sau này, khi vào Quy Nhơn, được học ở trường dòng La San, tôi thường sang đá giúp cho trường Cường Để (Trường Quốc Học Quy Nhơn bây giờ). Đó là vào thập niên 60 thế kỷ trước. Từ năm 1972-1974, tôi dạy học ở Phú Yên và đầu quân cho đội bóng này trong 2 năm. Từ 1975 đến 1986 chính thức đá cho đội bóng Nghĩa Bình, rồi lại làm HLV đội Nghĩa Bình (1986-1990). Sau đó, tôi làm HLV đội bóng Quảng Ngãi, năm 1992 nắm đội Gia Lai. Để rồi năm 2000 lại về Bình Định huấn luyện cho lứa U13.

Nhiều người vẫn chưa quên được những bước di chuyển liên tục khắp mặt sân trong cả trận đấu, những pha đi bóng từ cánh trái sang cánh phải với kỹ thuật cá nhân điêu luyện của ông. Hồi đó ông đã tập luyện như thế nào mà trang bị cho mình một khả năng chơi bóng tốt như vậy?

- Trước năm 1972, tôi chơi bóng theo sở thích, bản năng, không có HLV, không có chế độ tập luyện. Vì là niềm đam mê nên chủ yếu là tôi tự tập. Thường thì khoảng 5 giờ sáng tôi chạy 1 vòng khoảng 7-10 km quanh thành phố Quy Nhơn, sau đó về đi học. Chiều ra sân chia 2 đội hình ra thi đấu. Lúc đó toàn đội luôn luyện tập với tinh thần tự giác rất cao. Nhiều hôm, rời sân bóng thì thành phố đã lên đèn.

Nhưng trong bóng đá, để đi đến một thành công nào, dù nhỏ, cũng cần sự hợp lực của đồng đội. Ông nhận xét như thế nào về những tiền đạo trong đội Nghĩa Bình thời đó?

- Đội Nghĩa Bình những năm sau giải phóng có 3 tiền đạo luôn biết phải làm gì khi có bóng trong chân, đó là Đặng Gia Mẫn, Tống Anh Hoàng và Nguyễn Ngọc Thiện. Mẫn biệt danh là “jeep lùn” bởi tốc độ đi bóng rất cao, ông thường có những quả dốc bóng dọc cánh trái cực tốt, làm rối hàng thủ đối phương rồi tạo điều kiện cho đồng đội ghi bàn. Tống Anh Hoàng (thường gọi là A) có cú đánh đầu siêu việt. Những quả đánh đầu của anh có độ chính xác rất cao, hầu như các hậu vệ và thủ môn đối phương không thể cản phá các pha ghi bàn bằng đầu của Hoàng nếu để khoảng trống cho anh ta. Còn Thiện lại rất nhạy bén ở pha ghi bàn bằng những quả hứng ngực rồi bắt vôlê.

Một số trận đấu mà ông không thể quên trong đời cầu thủ của mình?

- Năm 1971, đội tuyển bóng đá tỉnh Bình Định đá giải miền Nam tại Sài Gòn. Trong giải đấu đó, tôi đã được chơi với những danh thủ miền Nam như: Tam Lang, Dương Văn Thà, Lê Văn Tâm (cha của Lê Huỳnh Đức), Võ Thành Sơn... Đến năm 1984, sau trận thắng Hải Quan TP Hồ Chí Minh 3-1 tại sân Hải Phòng, nhiều khán giả thành phố “hoa phượng đỏ” đã đến vây xe chúng tôi lại để được nhìn, sờ những cầu thủ hâm mộ. Đó là những giây phút xúc động và vinh dự mà mỗi cầu thủ chúng tôi đều không thể quên được. Rồi năm 1979, tôi được gọi tập trung đội tuyển quốc gia để thi đấu giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa. Các đội bóng tham dự đều rất mạnh như: Đức, Tiệp, Hungary, Angola, Cuba. Nhưng thời đó, tuyển thủ Việt Nam lại đồng đều nên đã có những trận đấu rất hay: hòa Hungary, thắng Đức, Angola, Cuba và chỉ thua 1 trận trước Tiệp Khắc. Kết thúc giải, đội Việt Nam xếp thứ 2. Đó là giải đấu mà tôi nhớ mãi.

Có một thời gian, ông vừa đi dạy vừa đá bóng. Vậy nếu được chọn lại từ đầu, ông thích đi dạy hay đá bóng?

- Là một nhà giáo, tôi luôn tâm niệm mình phải gương mẫu trong tập luyện và thi đấu. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp tôi được đeo chiếc băng đội trưởng đội Nghĩa Bình suốt 11 năm. Ngẫm lại, nghiệp vụ sư phạm đã giúp tôi nhiều trong công tác huấn luyện sau khi treo giày. Với tôi, nếu bóng đá không có những mảng tối thì tôi chọn bóng đá, vì bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân “dzẽõ” - đó là niềm hạnh phúc của người chơi thể thao. Còn nếu không, tôi sẽ chọn dạy học, vì nghề này sẽ đào tạo lứa công dân trẻ có văn hóa và đạo đức cho đất nước.

Tâm sự với chúng tôi, Lân “dzẽ” cho biết: Sau 31 năm đóng góp cho bóng đá Bình Định, ông vẫn chưa được kỷ niệm chương của ngành TDTT. Rồi dù rất mong có điều kiện đào tạo cho Bình Định một thế hệ vận động viên bóng đá mới, nhưng lại không được tạo điều kiện. “Có lẽ họ thấy tôi bị bệnh, không còn khả năng thị phạm nên không dùng” - ông tự giải thích.

* Một gia đình thể thao

Gia đình ông có đến 18 người đã và đang “dính dáng” đến thể thao, trong đó, cả 5 anh em ông đều chơi bóng đá và ít nhiều có chút tên tuổi. Nhưng dường như ông lại không muốn cho các con chơi thể thao chuyên nghiệp?

 

 

Gia đình Phan Kim Lân.

- Bóng đá thời nào cũng có những mặt trái của nó. Vào thời của tôi, không có những xì căng đan bán độ, mua chuộc trọng tài... Thu nhập của cầu thủ tuy chẳng đáng kể, nhưng khi ra sân, được khán giả cổ vũ, ai cũng thấy phấn chấn và thi đấu hết mình để giành chiến thắng. Bây giờ thì tiêu cực tràn lan, lòng tin của người hâm mộ sút giảm. Thu nhập cầu thủ có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng với nhiều tác động của cuộc sống, cuộc đời cầu thủ bây giờ thường “ngắn” hơn lúc trước. Ngày tôi ngăn, không cho con trai tôi (Phan Hoàng Vũ - P.V) tiếp tục chơi bóng mà phải đi học đại học, nó khóc cả tuần. Nhưng sau này nó hiểu và không trách tôi. Hiện nay, Vũ đã tốt nghiệp Đại học TDTT và đang dạy tại Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Còn con gái tôi là Phan Hoàng Vân, khi đang học phổ thông cũng là thành viên đội tuyển cờ vua Bình Định, nhưng sau, cháu học đại học nên không còn thời gian gắn bó với môn này.

 Hiện nay, ông có một người cháu là Phan Quý Hoàng Lâm đang khoác áo P.Bình Định. Ông có lời khuyên nào cho Lâm?

- Phan Quý Hoàng Lâm có kỹ thuật và tư duy khá; lại rất nhiệt tình trong thi đấu, có khả năng quan sát tốt và có những đường chuyền “chết người”. Vì Lâm nhỏ con nên để phát huy các ưu điểm đó tốt hơn thì cần tập luyện gấp 2 lần đồng đội; khả năng va chạm, tranh chấp yếu nên di chuyển nhiều; phải tập các quả phạt cố định thành kỹ năng; không nên nóng nảy trong thi đấu vì nó sẽ làm cho cầu thủ không tỉnh táo lúc xử lý tình huống. Điều quan trọng nhất đối với một cầu thủ là phải luôn nâng cao khả năng của mình, khi thi đấu phải chơi hết mình vì màu cờ sắc áo...

Xin cảm ơn ông!

  • Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
TRANG THƠ NHÀ BÁO  (17/05/2006)
Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ   (17/05/2006)
Hội tụ và lan tỏa   (17/05/2006)
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (30/04/2006)
Chuyện ở làng Canh Giao  (29/04/2006)
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)
Tổ quốc thân yêu ơi có Đoàn tôi sẵn sàng  (02/04/2006)