Giá dầu nhảy múa đến đâu ?
22:56', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Suốt 2 tháng qua, thế giới liên tục phải chứng kiến cảnh giá dầu “nhảy cóc” từ 50 đến 60, rồi 70 và đỉnh điểm là 75 USD/thùng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù gần 1 tuần qua, giá dầu đã “hạ nhiệt” và dao động trong mức 70 USD/thùng, “nguội” hơn thời điểm “sốt cao” vừa qua, đặc biệt giai đoạn cuối tháng 4. Nhưng nhìn chung vẫn còn cao hơn nhiều so với thời điểm 2 tháng trước và rất chênh vênh.

 

Nhà máy lọc dầu Arak của Iran - một trong những nhà máy sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Theo đánh giá của ông Abdullah bin Hamad al-Attiyah, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Qatar, hiện là Chủ tịch Hội nghị Năng lượng toàn cầu (IEF) tại kỳ họp thứ 10 tại Doha (Qatar) cuối tháng 4-2006, nguồn cung cấp dầu mỏ trên thế giới không khan hiếm, lượng dầu dự trữ đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu. Vì sao giá dầu vẫn tiếp tục biến động tăng giảm một cách bất thường như vậy? Liệu điều mà người ta lo sợ nhất là Mỹ sẽ tấn công Iran - được xem là nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến giá dầu hiện nay - có trở thành hiện thực?

1.

Giá dầu mỏ lên xuống bất thường thật ra cũng làm chính những nước xuất khẩu dầu phải lo lắng. Tháng 4-2006, để thế giới yên tâm về nguồn cung cấp, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cam kết không giảm sản lượng và hé ra khả năng sẵn sàng bù đủ số lượng mất đi từ phía Iran, nếu Iran cắt giảm sản lượng.

Thế nhưng, nhìn vào biểu đồ hiển thị mức tăng giảm của giá dầu thế giới trong 2 tháng qua, người ta dễ dàng thấy nhiều sự bất thường. Trước đây, giá dầu có lên thường cũng chỉ ở mức vài ba USD mỗi lần, và khi tác nhân gây bất ổn biến mất thì giá dầu cũng  bình ổn trở lại. Nay giá dầu tăng bình quân tới 10-15USD mỗi lần và chỉ cần một biến động nhỏ của tình hình thế giới cũng khiến giá dầu dao động. Điều này chứng tỏ giá dầu biến động hiện nay phần lớn là do tâm lý e ngại về một thế giới bất ổn, và còn do tác động của giới đầu cơ.

2.

Trong nhiều nguyên nhân, có thể nói vấn đề hạt nhân Iran là tác nhân gây nhiều biến động nhất đối với giá dầu hiện nay. Chỉ cần một động thái nhỏ của Iran hay của các bên liên quan là giá dầu ngay lập tức biến động theo.

Iran đang bị dồn ép và dọa sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ nếu như bị áp đặt các biện pháp trừng phạt từ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, hiện Iran vẫn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới, với 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày. Dọa thế thôi nhưng dầu của Iran vẫn bơm đều đặn ra thị trường, đến nay chưa hề bị gián đoạn. Dầu mỏ trước nay vẫn là nguồn thu chính của Iran. Vì thế, chỉ cần ngừng bơm dầu một ngày là Iran sẽ lâm vào khủng hoảng.

Những cuộc xung đột tại Nigeria, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 6 thế giới và là nước sản xuất dầu mỏ nhiều nhất châu Phi, với sản lượng 2,5 triệu thùng/ngày, khiến nhiều người lo ngại. Song suy cho cùng, đây vẫn chưa là nguyên nhân đủ để thúc giá dầu thế giới biến động mạnh đến vậy. Vì hầu như bạo lực ở Nigeria chỉ xảy ra tại một số vùng chứ không phải là tất cả. Những kẻ tấn công thường vì mục đích yêu cầu chính phủ chia sẻ nguồn thu từ dầu, chứ không nhằm mục đích phá hoại như ở Iraq.

Ngoài ra, việc 2 quốc gia dầu mỏ Nam Mỹ Venezuela và Bolivia tuyên bố quốc hữu hóa ngành dầu khí đất nước cũng là nguyên nhân không nhỏ tác động đến thị trường dầu thế giới. Tuy nhiên, quốc hữu hóa là để chính phủ thâu tóm quyền kiểm soát mọi giếng dầu trong nước, loại trừ nguy cơ bị các công ty khai thác nước ngoài “cướp” tay trên. Điều đó không có nghĩa là VenezuelaBolivia đã đoạn tuyệt với thị trường dầu mỏ thế giới. Dầu mỏ đang là trụ cột của nền kinh tế Venezuela. Chính phủ nước này đã cam kết sẽ cố gắng khôi phục sản lượng dầu mỏ của mình sau những biến cố từ các vụ tổng đình công khiến cho lượng dầu mỏ sản xuất bị giảm sút. Bất chấp những tuyên bố hết sức nóng, Venezuela vẫn bơm dầu đều đặn cho Mỹ. Và trước mắt Mỹ cũng chưa tìm được nguồn cung cấp tốt hơn. Mỹ sẽ không “già néo” để “đứt dây” bởi Venezuela đã tìm được thêm nhiều đối tác - bạn hàng chiến lược là Trung Quốc và Ấn Độ.

Lý do cuối cùng là sự biến động thất thường của thị trường Mỹ - nước nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới. Hiện ngoài lượng dầu dự trữ tại các kho dầu chiến lược, chính phủ Mỹ cũng cho vận hành đến 88,2% công suất của các nhà máy lọc dầu, Mỹ có thể cung cấp đủ nhu cầu nhiên liệu tiêu thụ cho mùa hè này. Tuy nhiên, chính nạn đầu cơ tích trữ đã khiến cho thị trường dầu trong nước trở nên khan hiếm.

Trong một nỗ lực bình ổn giá dầu, mới đây, ngày 3-5, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật chống đầu cơ xăng dầu. Theo đó, các hành vi thao túng thị trường và đầu cơ tích trữ xăng dầu để đẩy giá lên cao nhằm kiếm lời sẽ bị kết tội và phạt. Các công ty lọc dầu và các nhà bán buôn sẽ bị phạt 150 triệu USD trong khi các nhà bán lẻ bị phạt 2 triệu USD, nếu phát hiện có những hành vi lừa gạt để thu lợi nhuận bất chính. Các cửa hàng bán xăng dầu vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt gấp ba lần tổng số tiền lãi thu được từ hành vi này.

3.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực nhằm tìm cách ổn định giá dầu của Mỹ - nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới, giá dầu thế giới vẫn đang bị tác động và có chiều hướng tăng trở lại. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận, những nỗ lực của quốc tế vẫn chưa đủ để làm giảm giá dầu hoàn toàn. Một khi vấn đề Iran vẫn chưa được giải quyết thì giá dầu vẫn có thể leo thang bất kỳ thời điểm nào. Nhiều nhà phân tích còn nhận định, giá dầu có thể “nhảy” lên đến 100 USD/thùng nếu Mỹ tấn công Iran.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vừa công bố tại Hội nghị mùa xuân diễn ra ngày 21-4 vừa qua ở Washington, giá dầu tăng thêm 10% sẽ làm nền kinh tế toàn cầu giảm tăng trưởng từ 1-1,5%. Giá dầu tăng khiến các nước nhập khẩu dầu mỏ phải lao đao. Vật lộn với giá nhiên liệu cao chót vót sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát đình đốn - lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng. Điều đó sẽ ‘’ăn mòn’’ thu nhập và gây bất ổn cho nền kinh tế. Một khi lạm phát và chi phí tiêu thụ năng lượng tăng sẽ kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành công nghiệp lớn như sản xuất ô tô và hàng không...

Iran do ngừa trước khả năng bị Mỹ cấm vận đã lẳng lặng chuyển đổi hàng chục tỉ USD thành đồng EUR và các đồng tiền mạnh khác. Chỉ cần Mỹ phát lệnh tấn công Iran là giá dầu tăng vọt, giá vàng tăng theo, các nước ồ ạt bán USD mua EUR. Đồng USD - ngoại tệ thanh toán quốc tế chủ lực - khi ấy sẽ mất giá trầm trọng. Đó là chưa kể đến việc giá cổ phiếu dầu mỏ sẽ tăng khi các nhà đầu tư đổ xô đi mua cổ phiếu để đầu cơ. Với những lý do ấy, có thể sẽ đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào cảnh “khốn đốn”.

4.

Một cuộc chiến nữa nếu xảy ra sẽ khiến cho tình hình Trung Đông đang rối ren lại càng trở nên khó kiểm soát hơn. Bị sa lầy tại Iraq, đến nay, sau 3 năm chiếm đóng, Mỹ vẫn không thể kiểm soát được các giếng dầu và cũng không lập được một chính quyền thân Mỹ tại Iraq. Ngược lại số lính Mỹ chết tại Iraq mỗi lúc một nhiều hơn.

Với Iran, thiệt hại này sẽ còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó, Mỹ vốn đã sa lầy tại Iraq nên không muốn có thêm một vũng lầy.

Ngoài ra, chiến tranh Iraq, gây căng thẳng với Iran còn là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ. Uy tín của Tổng thống Mỹ G. Bush bị giảm chỉ còn 40%, mức thấp nhất kể từ trước tới nay. Hiện nay, Mỹ đang đặt hy vọng vào EU3 (Anh, Pháp và Đức) sẽ tìm được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran.

Ngay trong trường hợp Mỹ tấn công Iran, thì đó cũng chỉ là tấn công phủ đầu tại một số vị trí nhất định. Mỹ sẽ không đưa quân vào như đã làm với Iraq. Thậm chí, rất có thể Mỹ sẽ mượn tay Israel để răn đe Iran. Giá dầu thế giới do đó sẽ tăng cao, nhưng sau đó sẽ giảm ngay. Mỹ đã từng hy vọng việc chiếm đóng Iraq sẽ giúp Mỹ kiểm soát được nguồn dầu, giá dầu nhưng thực tế không như Mỹ muốn. Chắc chắn trước khi quyết định tấn công Iran, Mỹ sẽ cân nhắc thiệt hơn. Mỹ sẽ chứng tỏ mình là nước lớn, nhưng cũng chỉ có thế. Khi kinh tế toàn cầu suy thoái, các nhà tư bản sẽ không để tổng thống Bush muốn làm gì cũng được.

  • Hồng Hà (Tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (17/05/2006)
TRANG THƠ NHÀ BÁO  (17/05/2006)
Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ   (17/05/2006)
Hội tụ và lan tỏa   (17/05/2006)
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (30/04/2006)
Chuyện ở làng Canh Giao  (29/04/2006)
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)
Văn nghệ quần chúng ngày ấy...  (29/04/2006)