Gặp người định danh cho “gốm Gò Sành”
23:3', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Tên tuổi TS. Roxana M.Brown (hiện là Giám đốc Bảo tàng Gốm Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Bangkok - Thái Lan), rất quen thuộc với giới khảo cổ học. Bởi tuy không phải là người đầu tiên phát hiện, nhưng bà lại là người khai sinh ra thuật ngữ “gốm Gò Sành”. Trở lại Bình Định lần này, bà đã dành cho PV. Báo Bình Định cuộc trao đổi ngắn.

P.V: Khi những thông tin đầu tiên về gồm Gò Sành được bà công bố lần đầu tiên, trên thế giới người ta hoặc xếp những đồ gốm tìm thấy ở Bình Định là gốm Trung Quốc, hoặc không biết về xuất xứ và niên đại của nó. Từ cứ liệu nào, bà đã khẳng định về sự tồn tại của một dòng gốm Gò Sành tại miền Trung Việt Nam?

TS. R.BROWN: thật ra, tôi không phảingười đầu tiên phát hiện ra dòng gốm này. Bởi từ năm 1974, ở Bình Định, người ta đã ngẫu nhiên tìm thấy những hiện vật gốm Gò Sành. Và những hiện vật này đã được giới thiệu trong catalogue của Bảo tàng Chicago (Mỹ) khi đó. Khi làm luận văn Gốm Đông Nam Á: niên đại và đặc tính, tôi chủ yếu dựa vào sưu tập của Hà Thúc Cần. Tôi đề cập đến gốm Gò Sành ở miền Trung Việt Nam trong một chương riêng. Tôi nhớ đó là vào năm 1975, và đến năm 1977 thì luận văn này mới xuất bản thành sách. Điều gì làm tôi đoán chắc ư? Trước hết, đây là những hiện vật gốm tìm thấy ở Bình Định và qua khảo sát của tôi thì chúng có niên đại thế kỷ XIV - XV.

TS Roxana M.Brown đang nghiên cứu các mảnh gốm tìm thấy tại Nước Mặn. Ảnh: V.T

P.V: Từ sau khi đề cập đến gốm Gò Sành cho đến nay đã qua hơn 30 năm. Trong 30 năm đó, tuy chưa trực tiếp tham gia khai quật, nhưng bà có may mắn tiếp cận với nhiều hiện vật gốm Gò Sành trên các tàu đắm Đông Nam Á. Qua quá trình nghiên cứu như vậy, hẳn bà đã thức nhận thêm nhiều điều về dòng gốm cổ này?

TS. R.BROWN: có nhiều sản phẩm gốm mà hiện nay ta vẫn không biết chúng xuất xứ từ đâu. Muốn tìm hiểu, cần có quá trình nghiên cứu và sự so sánh. Chẳng hạn, như chúng ta biết, hầu hết những sản phẩm gốm Chăm có màu phổ biến là vàng nâu hoặc vàng nhạt. Tuy nhiên, ở Philippin lại tìm thấy rất nhiều gốm màu nâu. Trước đây, người ta không hiểu nguồn gốc và xuất xứ của chúng. Nhưng sau này, mới biết là đồ Gò Sành. Một điều nữa cũng khá thú vị, trên con tàu đắm niên hiệu Hồng Vũ (1487-1505), có rất nhiều gốm nâu rất giống gốm Gò Sành nhưng chúng lại được sản xuất ở Trung Quốc chứ không phải Chămpa bởi chúng có chữ Hán và làm từ chất liệu đất khác. Nhưng trên tàu đắm Padanan ở Philippin mà hơn 70% hiện vật từ con tàu này là gốm Gò Sành, thì loại hình những hiện vật này giống với loại hình hiện vật tìm thấy trên con tàu đắm mang niên đại Hồng Vũ.

Trong luận văn, tôi cho rằng niên đại gốm Gò Sành không vượt quá thế kỷ XV, nhưng nay thì tôi lại cho rằng niên đại gốm Gò Sành không dừng lại ở đó. Và cũng rất có khả năng chính những người thợ Tàu thời Minh đã giúp người Chăm xây dựng những lò gốm này. Hôm qua, đến thăm khu di chỉ Gò Sành, ông Bhujiong Chandavij, một chuyên gia về gốm Trung Quốc ở Bảo tàng chúng tôi, cho rằng những người thợ Trung Quốc giúp xây dựng những lò này là người Phúc Kiến.

P.V: Đến Bình Định lần này, ngoài mục tiêu đi du lịch, hẳn bà còn có những dự định khác?

TS. R.BROWN: mục đích chính chuyến đi của tôi lần này là tìm hiểu địa điểm mà đoàn hải thuyền của Trịnh Hòa (1371 - 1433, nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc nổi tiếng, người chủ yếu khai sinh nên con đường tơ lụa - P.V) dừng chân ở Chămpa. Tuy nhiên, hầu như tôi chưa tìm được gì nhiều ngoài một mảnh chén có ghi rõ niên hiệu Đại Minh Thành Hóa niên chế khi xuống địa điểm Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đang khảo sát cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Nhưng trong chuyến đi tìm về dấu tích xưa của cảng thị này, tôi nhận thấy một điều thú vị là niên đại của các sản phẩm gốm tìm thấy ở đây chỉ nằm trong khoảng từ 1620 đến muộn nhất 1680, mà không có sản phẩm nào muộn hơn. Điều này cho thấy cảng thị Nước Mặn này chỉ tồn tại đến thế kỷ XVII.

P.V: Xin cảm ơn bà!

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giá dầu nhảy múa đến đâu ?   (17/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (17/05/2006)
TRANG THƠ NHÀ BÁO  (17/05/2006)
Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ   (17/05/2006)
Hội tụ và lan tỏa   (17/05/2006)
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (30/04/2006)
Chuyện ở làng Canh Giao  (29/04/2006)
"Xóm ung thư": Đau đáu nỗi lo  (29/04/2006)