Quy hoạch, phát triển một vùng du lịch biển
23:12', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Các đô thị duyên hải đang trong làn sóng dịch chuyển “gần” biển hơn song trùng với định hướng phát triển du lịch trên diện rộng. Tính cạnh tranh của thị trường du lịch biển ấy đòi hỏi chúng ta phải nhận thức ra thế mạnh của mình và có những định hướng quy hoạch phù hợp.

* Vùng du lịch với đô thị trung tâm

Các nhà quy hoạch đã chia không gian dọc bờ biển miền Trung từ Thừa Thiên - Huế vào đến Vũng Tàu thành 6 vùng và tiểu vùng du lịch biển: Bà Rịa Vũng Tàu - Nam Bình Thuận với đô thị trung tâm là Vũng Tàu; Phan Thiết - Mũi Né - Bắc Bình với đô thị trung tâm là Phan Thiết; Khánh Hòa với đô thị trung tâm là thành phố Nha Trang; Sông Cầu - Quy Nhơn - bán đảo Phương Mai với đô thị trung tâm là Quy Nhơn; Nam Quảng Nam với đô thị trung tâm là thị xã Tam Kỳ (có đòn bẩy Khu Kinh tế mở Chu Lai); và cuối cùng là Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Hội An.

Trong mỗi vùng, đô thị trung tâm có một vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển các khu du lịch ven biển lân cận. Bởi đô thị là đầu mối cung cấp các hạ tầng kỹ thuật, kết nối với các thị trường du khách trong và ngoài nước, đầu mối cho các chức năng dịch vụ của khu du lịch, là nguồn cung cấp nhân lực cơ bản nhất, là không gian văn hóa đô thị đối trọng hỗ trợ tăng bản sắc của vùng du lịch. Ngược lại, sự phát triển du lịch cũng sẽ kéo theo những bước đổi thay trong không gian đô thị.

 

Mô hình một khu Resort sẽ mọc lên trên tuyến đường ven biển.

Xét trong tương quan chung với các đô thị duyên hải khác, Quy Nhơn chuyển mình đối với du lịch chậm hơn. Nhiều năm đóng vai trò đô thị tỉnh lỵ, nhưng với thế mạnh của Cảng Quy Nhơn, nên thành phố chưa thực sự nổi bật về du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với tác động quan trọng của việc thông tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu và thành lập Khu kinh tế Nhơn Hội tại bán đảo Phương Mai, đã nối dài cánh tay vươn ra biển cho đô thị cũ. Cả hai khu vực mới phát triển nói trên đều có lợi thế tiếp xúc với biển và là những cảnh quan đẹp, giàu tiềm năng phát triển du lịch.

* Một lợi thế riêng

Vùng du lịch biển Sông Cầu - Quy Nhơn - bán đảo Phương Mai, không thuận lợi lắm về bán kính khi tiếp cận từ các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nên vùng này chỉ có cách phát huy tối đa cách tiếp cận còn lại từ đường hàng không và đường thủy. Tuy vậy, điều đặc biệt quan trọng là tiểu vùng này là khu vực duy nhất có đô thị trung tâm thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội liền kề cùng một không gian đô thị. Như vậy, xét về tính cạnh tranh giữa 4 khu kinh tế mở của miền Trung là Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội thì Nhơn Hội nắm một ưu thế đặc biệt. Khu kinh tế này có khoảng cách lý tưởng đối với đô thị trung tâm hỗ trợ, đủ gần để huy động hết các tiềm lực của đô thị mẹ, đủ độc lập để có đời sống riêng. Từ đó, các khu du lịch biển vùng phụ cận tất yếu sẽ có nhiều triển vọng cùng với triển vọng của một đô thị và khu kinh tế đầy sức sống và sẽ là động lực phát triển riêng mạnh mẽ cho vùng du lịch này.

* Cần sức vươn của cả đôi tay

Phát triển vùng du lịch về phía Nam dọc theo tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, đòi hỏi không chỉ phát huy các bãi biển nhỏ phía Nam Ghềnh Ráng, Bãi Dài mà còn phải mở ra hướng hình thành cụm quần thể du lịch Bắc Sông Cầu (Phú Yên) xung quanh vùng Cù Mông với hơn 10km bờ biển trải dài. Với sự đầu tư cho du lịch còn quá “cò con” như hiện nay thì rất khó phát huy được tiềm năng. Còn phía Đông Bắc, Khu kinh tế Nhơn Hội vừa mở hướng để Bình Định cất cánh, vừa là giải pháp lý tưởng gia tăng quỹ đất đô thị, vừa tạo tiền đề để khai thác các thế mạnh du lịch với mục tiêu hướng mạnh ra biển, nhưng các khu du lịch này cần có quy hoạch chặt chẽ. Tránh tình trạng phân lô làm du lịch một cách tự phát, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên.

Như đã nói, một khó khăn lớn của vùng du lịch này là không thuận lợi về bán kính tiếp cận với các đô thị lớn. Trong tương lai gần, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng tuyến Gò Găng - Cát Tiến. Đây là một cố gắng nhằm nâng cao hiệu quả cách tiếp cận bằng đường hàng không. Tuy nhiên, khó nhất là sân bay Phù Cát hiện vẫn có quy mô nhỏ, bán kính lại xa so với toàn vùng du lịch, nên cần nghiên cứu kỹ vấn đề nâng cấp trong giai đoạn sớm nhằm thuận lợi hơn cho việc tiếp cận bằng phương tiện vận chuyển này.  

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những mối liên hệ “đọc” từ gốm   (17/05/2006)
Gặp người định danh cho “gốm Gò Sành”   (17/05/2006)
Giá dầu nhảy múa đến đâu ?   (17/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (17/05/2006)
TRANG THƠ NHÀ BÁO  (17/05/2006)
Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ   (17/05/2006)
Hội tụ và lan tỏa   (17/05/2006)
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (30/04/2006)