Cây me trong vườn Nguyễn Huệ
23:15', 17/5/ 2006 (GMT+7)

Trong những di tích gắn với thời niên thiếu của ba anh em Tây Sơn, cây me cổ thụ trong vườn nhà Nguyễn Huệ (nay nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn) là một vật chứng lịch sử vô giá. Bởi như ngôi nhà của cụ Hồ Phi Phúc thì đã bị nhà Nguyễn phá hủy, đình Kiên Mỹ nơi dân làng xây để bí mật thờ ba ngài Tây Sơn cũng đã bị phá, điện Tây Sơn thì mới được dựng lại vào năm 1961. Vậy là di tích quý giá nhất còn lại chính là cây me cũ tương truyền do chính tay thân sinh của ba anh em Tây Sơn là cụ Hồ Phi Phúc tự tay trồng.

 

Cây me cổ thụ trong Bảo tàng Quang Trung

Cây me trong vườn Nguyễn Huệ, vậy là đã chứng kiến những năm tháng tuổi thơ, buổi ban đầu dựng nghiệp, những tháng năm hào hùng của phong trào nông dân áo vải, rồi đi qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Trãi bao thế kỷ, hãy tưởng tượng, bao lửa cháy bom rơi, bao đe dọa từ quyền uy, dáng me ấy vẫn mạnh mẽ vươn lên giữa đất trời, như một biểu tượng về sức trường tồn của những giá trị lịch sử của phong trào Tây Sơn, khắc trong tâm khảm người Bình Định.

Mỗi năm, những cán bộ Bảo tàng Quang Trung không cần chăm sóc gì nhiều, chỉ phun thuốc diệt trừ mối mọt một lần để bảo vệ thân cây, vậy nhưng, hai gốc me vẫn xum xuê cành lá, ra trái đều quanh năm. Trong hai gốc ấy, gốc nhiều tuổi hơn nằm ở bên trái điện thờ Tây Sơn tam kiệt, chu vi tỏa bóng đến hơn 30m, cành lá um tùm, rợp bóng cả một góc khuôn viên.

Ngồi dưới gốc me cổ thụ, cái nắng gắt của trưa hè như tan biến đi. Tâm hồn ta bỗng trở nên bình yên lạ thường. Cảm nhận như ở quanh đây, lẫn trong lá xào xạc, lời thầm thĩ kể về một thời oanh liệt...

Bên gốc me cổ thụ, tôi gặp anh Đỗ Thanh Minh, một người dân Tây Sơn, đã gắn bó với việc chăm sóc những gốc me này trong Bảo tàng Quang Trung từ non chục năm nay. Là người “mộ” cây từ nhỏ, lại ý thức mình đang giữ gìn cho một vật chứng lịch sử, anh càng quý trọng hơn công việc mình đang làm. Một ngày, anh Minh nảy ra ý tưởng nhân giống cây me vừa như một tặng phẩm có ý nghĩa dành cho du khách khi hành hương, vừa như một cách để nhân giống, giữ gìn một hiện vật quý của lịch sử. Tháng 10-2005, việc nhân giống cây bắt đầu được tiến hành. Những hạt me giống cổ thụ sau một thời gian ươm đã bắt đầu nảy nở những mầm xanh. Những mạch ngầm của quá khứ đã kết nên những gốc me con dần xanh trên những bầu đất.

Như được thừa hưởng được sức sống mạnh mẽ của mẹ cổ thụ, chỉ trong vòng nửa năm, 500 cây me con bắt đầu nên hình nên dáng, phát triển một cách nhanh chóng làm xanh rợp cả một khoảng sân vườn. Ngay khi cây vừa mới nhú, đã có nhiều du khách tìm đến hỏi mua. Có những du khách từ ngoài Bắc đã mua một lúc hàng chục cây mang về làm quà cho bè bạn. Những gốc me đã theo chân du khách gần xa trong hành trang sau khi trở về nguồn cội. Ở những nơi chốn đã xa vườn cũ, những gốc me hẳn đã bắt nhịp với cuộc sống mới, tiếp thêm chút xanh cho đời thường.

Tôi cũng vậy, “thỉnh” được một cây me con trồng góc sân nhà. Gốc me nay cũng đã bắt đầu trổ cành nhánh. Sáng sáng, tôi lại tìm để bắt gặp những mầm nụ mới và thụ cảm từ cây, một lời nhắc nhở vọng về tự truyền thống nghìn năm...

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy hoạch, phát triển một vùng du lịch biển   (17/05/2006)
Những mối liên hệ “đọc” từ gốm   (17/05/2006)
Gặp người định danh cho “gốm Gò Sành”   (17/05/2006)
Giá dầu nhảy múa đến đâu ?   (17/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (17/05/2006)
TRANG THƠ NHÀ BÁO  (17/05/2006)
Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ   (17/05/2006)
Hội tụ và lan tỏa   (17/05/2006)
Báo Bình Định trong hành trình tăng tốc   (17/05/2006)
Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương   (17/05/2006)
Bình Định còn in dấu chân Người   (17/05/2006)
Trước vạch xuất phát của cuộc đổi mới  (29/04/2006)
Bãi Xếp chuyển mình  (29/04/2006)
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh: Bộ đội Cụ Hồ… không bao giờ về hưu !  (29/04/2006)
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn bảo tàng ở Bình Định  (29/04/2006)