Tại tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn), trong khi dọn dẹp mặt bằng và khai quật khảo cổ học để trùng tu di tích này, đơn vị thi công và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã phát hiện ra gần một chục bức phù điêu đá lớn nhỏ. Trong số này, đáng lưu ý và có giá trị nhất là hai tác phẩm điêu khắc hình lá nhĩ. Rất tiếc, những phù điêu này đã bị mất nhiều bộ phận, nhưng nguyên thủy, đây là những tác phẩm điêu khắc lớn, đẹp.
|
Phù điêu thần Visnu phát hiện ở tháp Cánh Tiên tháng 12-2005.
|
Khối đá thứ nhất vốn là phần giữa của một điêu khắc đá gồm ba khối ghép sít lại với nhau. Khối này cao 0,55m, rộng 1,48m, dày 0,25m, thể hiện một vị thần dưới dạng phù điêu, đứng cân đối trong tư thế hai chân chùng xuống. Do đã mất phần đầu, nên ta chỉ có thể quan sát từ phần thân trở xuống. Thần có 4 tay, nhìn vào tư thế, ta có thể đoán, thần đang trong tư thế múa, các cánh tay co lại trước bụng, một bàn tay uốn cong ngữa ra phía sau, ngón tay trỏ và ngón cái bấm sát nhau, tay kia cầm cây cung. Y phục của thần là chiếc quần cộc được giữ lại ở bụng bằng một dây thắt rộng bản, trang trí các hình cánh sen. Chiếc dây thắt có một vạt sampot dày, có 5 dải băng trang trí rủ xuống. Hai bên đùi là 2 lớp vải mỏng xòe hai bên như đang tung bay trước gió. Thần đang đứng trên lưng con ngỗng Hamsa, bay trên bầu trời. Hình ngỗng chỉ còn phần đầu và phần cuối đuôi. Ngỗng được thể hiện mắt mở to, mồng cao, lông dạng vảy rồng.
Với những nét đặc trưng về vật cưỡi, 4 tay và cây cung cầm ở tay, cho phép chúng ta đoán định hình tượng trên lá nhĩ này là Visnu - vị thần bảo tồn của Ấn Độ giáo. Thần Visnu ít được thể hiện trong điêu khắc Chămpa. Ở Bình Định, đây là hình tượng thần Visnu đầu tiên được phát hiện.
Khối đá thứ hai có kích thước lớn hơn, cũng là phần giữa của một trong ba khối đá ghép sít lại với nhau thành hình lá nhĩ, thường dùng trang trí trán cửa của các tháp Chăm. Tuy nhiên, phần này cũng đã mất một nửa, nên chỉ còn cao 0,46m, rộng 1,1m, dày 20cm. Trên mặt phù điêu tính từ ngoài vào có một lớp hoa văn hình xoắn ốc, tiếp đến là một đoạn hình rắn. Bên trong là hình tượng một tăng lữ đang múa, đầu đội chiếc mũ kirita (loại mũ bằng kim loại). Vị tăng lữ này đang mỉm cười, tay cầm một bông hoa sen thành kính dâng lên vị thần đứng đối diện được tạc lớn hơn. Thần cũng đang trong tư thế múa, chân chùng xuống. Thần mặc một chiếc quần cộc có hoa văn tạc theo băng ngang, chiếc sampot vê tròn ở đầu, buông thõng ra phía trước. Có thể đoán định đây là thần Siva. Siva được coi là thần hủy diệt, nhưng là hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới. Do vậy, người ta vẫn coi Siva là thần vừa có chức năng hủy diệt, vừa sáng tạo.
|
Phù điêu đá phát hiện ở tháp Cánh Tiên tháng 4-2006.
|
Với những tác phẩm điêu khắc này, chúng ta có thể nhận thấy cả những truyền thống điêu khắc Chămpa và những ảnh hưởng rất rõ nét của nghệ thuật Khơme. Chẳng hạn, nét mặt tươi cười là đặc trưng của phong cách điêu khắc Trà Kiệu (thế kỷ X), bông sen nụ nhiều cánh là nét tiêu biểu của phong cách Chánh Lộ (cuối thế kỷ XI), hoa văn xoắn móc, hình rắn tạo vòng hào quang xung quanh, kiểu quần cộc, tà sampot vê tròn ở đầu là kiểu y phục phổ biến của phong cách tháp Mắm - Bình Định (thế kỷ XII-XIV) - một phong cách tiếp thu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Khơme. Như vậy, có thể đoán định niên đại cho những phù điêu vừa phát hiện ở tháp Cánh Tiên thuộc giai đoạn đầu của phong cách tháp Mắm (thế kỷ XII). Điều này chứng tỏ tháp Cánh Tiên thuộc giai đoạn đầu của phong cách kiến trúc Bình Định, sớm hơn hai cụm tháp khác ở Bình Định là tháp Dương Long và tháp Đôi vốn mang phong cách Khơme rõ nét hơn.
Trong hệ thống thần linh Ấn Độ giáo, ba vị thần: Brahma (thần sáng tạo), Visnu (bảo tồn) và Siva (hủy diệt) hợp lại với nhau thành tam vị nhất thể. Và một trong những môtip thể hiện Siva thường gặp là hình tượng thần đang trong điệu múa thiêng (nataraja). Như vậy, có lẽ hai phù điêu vừa phát hiện thể hiện vị thần đóng vai trò chủ đạo ở tháp Cánh Tiên. Đáng tiếc là đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy tượng thờ hay đối tượng thờ của tháp Cánh Tiên, nhưng qua những hiện vật điêu khắc ít ỏi vừa phát hiện được, phần nào cho chúng ta hiểu biết thêm về tính Ấn Độ giáo của khu tháp Cánh Tiên. Đây hẳn là đền thờ cả ba vị thần tối cao Brahma - Siva - Visnu.
Ngoài ra, do cấu trúc một tháp của tháp Cánh Tiên là một hiện tượng rất đặc biệt của kiến trúc đền tháp Chămpa, nên Cánh Tiên hẳn đóng một vai trò quan trọng khác trong đời sống tôn giáo của vương triều Vijaya thời đó. Về điều này, TS. Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) từng nhận xét: "Về khía cạnh tôn giáo, tháp Cánh Tiên có vị trí gần giống như đền núi Bayon nằm giữa đô thành Ăngco Thom của vương triều Ăngco ở Campuchia cùng thời. Kiểu kết cấu của đô thành Ăngco Thom đã có ảnh hưởng tới các vua chúa Chămpa khi xây dựng đô thành Vijaya".
|