Hoa tan vỡ
16:55', 25/6/ 2006 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Bảo Huy

1.

Trước sân nhà nàng có trồng một cây hoa giấy rất lạ. Màu hoa bàng bạc xen lẫn sắc đỏ như màu xác pháo. Hồi mới thập thò đến nhà nàng, tôi đặt là hoa tan vỡ. Ý tôi muốn ví von rằng, hoa như trái tim tôi, đang tan vỡ thành trăm ngàn mảnh vì nàng mà nàng chẳng biết, hoặc cố tình chẳng biết.

Nghe tôi gọi là hoa tan vỡ, nàng nhăn mặt: "Ông đặt tên hoa gì mà buồn quá?". Tôi cười: "Màu hoa in hệt như xác pháo, Hằng có thấy không? Xác pháo chẳng phải tượng trưng cho sự tan vỡ đó sao. Nổ cái đùng, rồi sau đó là trăm mảnh".

 

Lớp tôi sát lớp nàng. Gần gũi thế, nhưng hết gần 3 năm trung học, tôi cũng chẳng biết nàng là ai nếu như tình cờ tôi không đi học kèm. Tôi yếu môn ngoại ngữ, mà đó lại là một trong những môn chính trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, vậy là tôi phải tìm thầy để phụ đạo.

Qua lời giới thiệu của con Hiền cùng lớp, tôi đã "lạc" vào nhóm học kèm của nàng, do thầy Duy tổ chức. Tôi chẳng tin trên đời lại có chuyện "tiếng sét ái tình", nhưng sau lần đầu tiên gặp nàng, tôi tự nhiên thấy mình khác lạ. Con Hiền từng chê nàng không được dễ thương nhưng trái lại, tôi thấy nàng đẹp như những nàng công chúa ở xứ sở của câu chuyện cổ tích ngàn lẻ một đêm. Tôi gọi nàng là công chúa Ba Tư, dù nàng chỉ thích trở thành một cô giáo.

2.

Thuyết phục mãi, con Hiền mới chấp nhận làm bà mối, đưa tôi tới nhà nàng làm quen. Con Hiền học chung với tôi từ hồi cấp hai, có gì vui buồn hai đứa đều san sẻ cho nhau, nên nó giúp tôi cũng là chuyện tất nhiên. Dọc đường đi, con Hiền ngồi sau xe đạp của tôi, cứ cảm rảm càm ràm: "Ông khùng thiệt. Con Hằng có gì đâu mà ông thích nó". Tôi chẳng muốn tranh luận với Hiền. Công bằng mà nói, con Hiền tuy cũng dễ thương, nhưng chẳng thể so với nàng được.

Lần đầu tiên đặt chân tới nhà nàng, tôi run quá. Đứng dưới giàn hoa giấy, tôi thở dốc. Còn con Hiền thì thản nhiên bấm chuông. Cửa mở, một con chó to như một con nghé thò đầu ra, khoe hàm răng sắc nhọn, nó nhìn tôi gườm gườm. Rồi đến một cái đầu con gái thò ra. Công chúa Ba Tư. Tôi thầm kêu và nghe ngực mình thì thùng như tiếng trống báo hiệu vào lớp. Con Hiền quay lại nhìn tôi, vẻ ái ngại: "Ông xanh lét. Trúng gió hả?". Tôi lắc đầu. Trời đâu có gió. Không trúng gió nhưng tim tôi đã trúng một mũi tên của thần tình ái.

Sau này, khi đã hơi thân nhau, tôi kể lại về cái cảm giác của lần đầu tiên tới nhà nàng. Công chúa Ba Tư cười mỉm: "Mắc gì ông lại sợ đến vậy?". Tôi ầm ừ trong cổ. Chẳng lẽ lại nói toạc ra là tôi đang tương tư nàng, là trái tim tôi đang tan vỡ ra thành trăm mảnh như hoa tan vỡ vì nàng.

3.

Công chúa Ba Tư có một thằng em rất quái. Mỗi lần tôi đến tìm nàng, nó thường nói dối không có nàng ở nhà. Hoặc khi tôi đang nói chuyện trên trời dưới đất với nàng thì nó lại chình ình ngồi đó như giám sát. Đã vậy thằng nhỏ lại thường thử thách sự chịu đựng của tôi. Nó mới đi học võ đâu được mấy ngày nên lúc nào cũng múa may quay cuồng. Có lúc hứng chí lên, nó thụi tôi vài quả đau điếng rồi hỏi có đau không. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn đá vào mông nó vài phát cho hả giận, nhưng lại sợ "ném chuột vỡ bình", đành thôi, nuốt ấm ức vào trong cổ. Cha mẹ ơi, kiếp trước tôi nợ nần nó cái chi vậy cà?

Nàng thì rất vô tư về chuyện thằng em, không có gì là khó chịu với nó. Chính vì thế, đã mấy lần tôi định bóng gió về sự tương tư của tôi đối với nàng mà không có dịp.

Tôi quyết định viết thư. Những lá thư thấm đẫm những lời dịu dàng sẽ khiến nàng hiểu rõ tình yêu của tôi. Dĩ nhiên, con Hiền được tôi tín nhiệm mời làm chim xanh. Nhưng khi nghe tôi trình bày dự án viết thư, con Hiền liền trừng mắt sừng sộ: "Ông khờ thế. Lỡ con Hằng nó không thích ông, nó công bố lá thư của ông cho cả trường biết thì ông chỉ có nước độn thổ".

Gáo nước lạnh của con Hiền làm tôi tỉnh giấc. Nó nói đúng. Tôi vẫn chưa thể biết tình ý của nàng ra sao mà bày đặt viết thư, lỡ nàng nổi hứng công bố lá thư cho cả trường biết thì dù có độn thổ tôi cũng không thể xóa hết sự bẽ bàng.

Rốt cục, tôi vẫn chẳng dám ngỏ ý với nàng. Đành chờ thời gian, biết đâu đến lúc nào đó nàng sẽ tự hiểu ra tình yêu vĩ đại của tôi, sẽ đến quỳ trước mặt tôi mà ray rứt ân hận. Lúc đó, tôi sẽ tha thứ tất cả cho nàng. Nhưng cái phút bi tráng đó tôi chờ mãi, chờ mãi, mà nó vẫn... chưa chịu đến.

4.

Càng ngày tôi càng lún sâu vào sự tương tư. Sự bế tắc về tình cảm khiến tôi khai thông về mặt thi ca. Tôi làm thơ. Chắc là các nhà thơ đều khởi đầu sự nghiệp như tôi vậy. Tôi viết những câu thật ảo diệu, ví dụ: "Áo nàng vàng tôi về yêu hoa giấy…". Đọc thơ của tôi, con Hiền kêu toáng lên: "Đồ đạo thơ! Dám nói là thơ của ông à? Câu này là của Nguyên Sa. Người ta yêu hoa cúc còn ông bày đặt yêu hoa giấy".

Tôi không biết ông Nguyên Sa yêu ai và cũng thây kệ cái tình yêu hoa cúc của ổng. Tôi yêu hoa giấy thì nói là yêu hoa giấy. Hình thức của sự đau khổ này có thể khác với sự đau khổ kia, nhưng bản chất sự khổ đau nào cũng như nhau nên thơ giống nhau về ý tưởng cũng là chuyện... thường. Dù tôi đã "lý luận" vậy nhưng con Hiền vẫn liên tục dè bỉu các bài thơ của tôi, hoặc chê dở, hoặc chê là trùng ý tưởng của ông nhà thơ nào đó. Sự phản đối quyết liệt của nó đã khiến tôi tịt ngòi, không thể làm thơ được nữa. Tôi trách: "Sau này, nền thi ca Việt Nam thiếu đi một nhà thơ tình tầm cỡ là do lỗi của bà".

Con Hiền chưa chịu nhận trách nhiệm thì thầy Duy đã nhận trách nhiệm. Một hôm, sau buổi học, thầy mắng tôi một hồi, nào là dạo này tôi học trước quên sau, nào là lười biếng không chịu học bài, và cứ như thế thì trăm phần trăm là tôi sẽ rớt môn ngoại ngữ. Cuối cùng, thầy kết luận: "Cậu mà rớt môn ngoại ngữ, tôi phải chịu trách nhiệm với cha mẹ cậu". Đã vậy, con Hiền còn đế thêm: "Thầy Duy chịu trách nhiệm với cha mẹ ông chứ không phải chịu trách nhiệm với nền thi ca Việt Nam đâu nghen. Coi chừng mà học đi!".

5.

Kỳ thi tốt nghiệp rồi cũng qua nhưng đến kỳ thi đại học thì tôi rớt cái ạch. Đau đớn là tôi chỉ thiếu có nửa điểm. An ủi tôi, chỉ có mỗi mình con Hiền. Công chúa Ba Tư của tôi đậu vào trường sư phạm và nàng đã có thể biến ước mơ của nàng thành sự thật. Nàng khăn gói vào trường không một lời từ giã. Ngày nàng đi, tôi đau đớn còn hơn cái lúc nhận giấy báo điểm mà chỉ thiếu có nửa điểm, tưởng như trái tim mình đã thành ngàn xác hoa tan vỡ. Còn con Hiền bộc trực, con Hiền sỗ sàng hay chia sẻ những buồn vui với tôi đậu vào trường kinh tế.

Trước hôm lên tàu để vào Sài Gòn nhập trường, nó đến chơi với tôi rất lâu, động viên tôi cố gắng ở kỳ thi năm sau, và hứa sẽ gặp Hằng để nói hộ những tình cảm của tôi đối với nàng. Tôi thật sự cảm động trước những lời chân tình của con Hiền. Nó là một người bạn tốt, thật tốt.

Đến kỳ thi sau đó, dù rất muốn nhưng tôi không tiếp tục thi đại học vì gia đình tôi quá khó khăn. Tôi trở thành một anh thợ hồ. Thi thoảng, tôi vẫn thường đi làm về ngang qua cái ngõ có giàn hoa tan vỡ của nhà nàng, lòng ngậm ngùi nhớ về một thời chưa xa. Có lần, tôi bắt gặp thằng em quái quỉ của nàng đứng chờ ai dưới giàn hoa tan vỡ. Nó toét miệng với tôi. Mày cứ cười đi, rồi mày sẽ bị quả báo. Tôi thầm nguyền rủa nó, mong cho nó rồi cũng sẽ rơi vào tình cảnh khốn khổ như tôi ngày nào.

6.

Nghỉ hè, con Hiền từ Sài Gòn trở về, nó dường như chín chắn hơn xưa, có phần đằm thắm dịu dàng. Còn Hằng thì không về, nghe nói nàng phải ở lại để vừa làm thêm vừa học thêm vi tính. Tôi càng thấy thương nàng hơn.

Hiền tới nhà tôi. Sau một hồi nói tới nói lui, nó thông báo với tôi rằng công chúa Ba Tư đã có người yêu. Tôi chết lặng. Cảm giác như tim mình bị ai bóp nghẹt. Nhưng làm sao mà trách nàng được, tôi đâu đã ngỏ ý gì với nàng và nàng cũng đâu có tình ý gì với tôi. Mọi chuyện thế là kết thúc. Xin giã biệt mối tình đầu của tôi! Có lẽ lúc ấy vẻ mặt tôi đau đớn lắm nên con Hiền ngồi im, không nói thêm gì, mắt hoe đỏ như cảm thông, chia sẻ.

Mấy ngày hè rồi cũng qua, con Hiền đã đến ngày trở lại trường. Buổi chiều trước hôm lên tàu, tôi đến nhà con Hiền để chia tay. Nhà nó mở một buổi tiệc nho nhỏ để con Hiền từ giã bạn bè. Do đến hơi sớm nên tôi thơ thẩn trên sân thượng để giết thời gian trong lúc con Hiền và mấy đứa bạn gái đang tíu tít lo bày tiệc. Tình cờ ngang qua cửa sổ phòng con Hiền, tôi sửng sốt thấy một màu hoa quen thuộc - hoa tan vỡ. Dây hoa được con Hiền trồng trong một chậu đất nhỏ xíu treo lủng lẳng như một giò phong lan. Con Hiền trồng hoa tan vỡ để làm gì? Hay là trái tim nó cũng tan vỡ vì một thằng nào đó? Tôi băn khoăn. Hỏi, nó im lặng.

Buổi chiều tiễn nó lên tàu, nhớ lại cái điều đang băn khoăn, tôi gặng hỏi. Đang cười nói, chợt con Hiền xịu mặt xuống. Cái vẻ khô khan thường ngày của nó như biến đâu mất, thay vào đó là một nét buồn sâu thẳm, dịu dàng khiến tôi nao lòng. Con Hiền không trả lời, ngoảnh mặt đi.

Còi tàu kêu lên từng hồi để báo hiệu đã đến giờ chuyển bánh. Con Hiền cắn môi, nhìn tôi với ánh mặt thật dịu dàng và lạ lùng, rồi ngần ngừ như muốn nói điều gì đó khiến lòng tôi quặn thắt một nỗi lo lắng mơ hồ.

Tàu chạy xa khuất. Sân ga có lẽ chỉ còn một mình tôi với bao suy nghĩ mông lung. Hiền ơi! Ngày mai, tôi sẽ xin một nhánh hoa tan vỡ về trồng trước nhà, có nó sẽ khiến tôi luôn nhớ về Hiền, về công chúa Ba Tư, về những tháng ngày thơ dại và nông nổi. Hoa tan vỡ, do tôi đặt tên, nên chỉ một mình trái tim tôi chịu đựng sự tan vỡ thôi, cớ sao ông trời lại bắt Hiền của tôi phải cùng chịu đựng?

  • B.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tản mạn quanh cái họ, cái tên  (25/06/2006)
Tháp Cánh Tiên từng đóng vai trò một "đền núi" của thành Đồ Bàn ?  (25/06/2006)
Những điều thú vị ở World Cup 2006  (25/06/2006)
Nghe cầu thủ ngoại của P.Bình Định "luận anh hùng" World Cup  (25/06/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (25/06/2006)
CLB Bình Định Nguyệt San   (17/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất vộ   (17/05/2006)
Cây me trong vườn Nguyễn Huệ   (17/05/2006)
Quy hoạch, phát triển một vùng du lịch biển   (17/05/2006)
Những mối liên hệ “đọc” từ gốm   (17/05/2006)
Gặp người định danh cho “gốm Gò Sành”   (17/05/2006)
Giá dầu nhảy múa đến đâu ?   (17/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (17/05/2006)
TRANG THƠ NHÀ BÁO  (17/05/2006)
Ký ức về Bình Định - Quy Nhơn, miền đất đẹp và thơ   (17/05/2006)