* Phóng sự của Hoài Thu
Ở Tây Sơn có những người "mê" đá đến mất ăn mất ngủ. Đá có gì mà hấp dẫn ghê người vậy? Những vui - buồn quanh một thú chơi, cũng là một nghệ thuật với đầy diệu nghĩa triết lý thâm trầm...
|
Một góc bộ sưu tập đá của ông Lạc.
|
* Bị đá "hút hồn"
Phong trào chơi đá cảnh ở Tây Sơn được đánh giá là phát triển mạnh nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có gần chục người chơi đá có tiếng, rải rác ở khắp nơi trong huyện nhưng tập trung nhiều nhất là ở thị trấn Phú Phong và xã Tây Phú. Trong đó, anh Nguyễn Công Thành (nhà số 105 Bùi Thị Xuân, thị trấn Phú Phong) được xem là một trong những người chơi đá cảnh đầu tiên của Bình Định. Chẳng là một lần đi Đà Nẵng, tình cờ thấy người ta trưng bày đá cảnh Trà Kiệu, anh Thành như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang dã và triết lý thâm trầm của đá. Về quê, anh bắt đầu mày mò tìm hiểu và vào "nghề" chơi đá cảnh từ năm 2002. Ban đầu, anh Thành còn phải giấu vợ, sáng sáng chờ bà xã ra chợ buôn bán mới lên đường tầm đá. Suốt ngày lang thang trên các bãi đá nằm ven sông Vĩnh Thạnh, cách nhà chừng 50 cây số. Hết tìm trên bờ rồi lại lội xuống sông mò mẫm, cứ thế cho đến cuối chiều mới trở về. Biệt tăm biệt tích cả ngày, rồi lôi về nhà toàn đá là đá, anh Thành từng bị hàng xóm cho là "chạm mạch".
Tại Hội chợ Triển lãm Sinh vật cảnh toàn tỉnh tổ chức tại Quy Nhơn năm 2003 anh Thành là người duy nhất có bộ sưu tập đá cảnh (đá nghệ thuật) trưng bày tại đây. Năm 2005, tham gia triển lãm tại Lễ hội hoa Đà Lạt, các tác phẩm đá cảnh Bình Định của anh Thành đã thu hút được sự chú ý và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ những người đến xem.
Thôn Phú Thọ (xã Tây Phú) là nơi tập trung nhiều nhất những người chơi đá cảnh của huyện Tây Sơn. Tại đây, những người chơi qui tụ lại thành nhóm với 7 thành viên. Nổi tiếng nhất trong nhóm phải nói đến bộ sưu tập của ông Huỳnh Công Lạc, mà anh em trong nhóm vẫn quen gọi là Năm Lạc, với bộ sưu tập đá đen tuyệt đẹp của mình. Dù đã được quảng cáo trước về bộ sưu tập đá của ông Lạc nhưng khi bước chân vào nhà ông, tôi không khỏi choáng ngợp trước lượng đá cảnh mà ông trưng bày trong nhà. Từ nhà trên xuống nhà dưới, đi đâu cũng đá là đá. Đá đủ mọi kích cỡ, mọi hình thù khác nhau, mang vẻ đẹp rất đặc trưng của đá đen Tây Phú. Ông Lạc năm nay 58 tuổi, bắt đầu chơi đá cảnh vào năm 2000. Ngày nào, ông cũng đạp xe khoảng 10 cây số vào các con suối Đồng Le, Đồng Hươu và thượng nguồn sông Đá Hàng để tìm đá. Nói về thú chơi đá cảnh của chồng, vợ ông Lạc, kể: "Ổng là người mê đá số một. Ngày nào cũng lặn lội đi tìm đá từ sáng sớm đến tối mịt mới về, bất kể trời mưa hay nắng. Thấy ổng mê đến quên ăn quên ngủ vì đá, tui đâm lo. Tính ra từ lúc chơi đá đến giờ ông đã sụt mất gần chục ký lô, hiện tại chỉ còn có 44 ký...".
* Nghề chơi cũng lắm công phu
Chơi đá không như chơi cây cảnh, cứ trồng và nuôi dưỡng, dẫu công phu nhưng cố gắng thì sẽ đạt ý đồ như mong muốn. Những tạo tác vô giá này của thiên nhiên đâu phải "hễ muốn là được". Bởi vậy, tuy vất vả là thế nhưng đâu phải chuyến đi nào anh Thành cũng săn được đá. Theo anh Thành, những người săn đá thường coi hành trình của mình là "cuộc tìm kiếm nhân duyên". "Duyên" là yếu tố đầu tiên để viên đá lộ ra với người đã đành, nhưng nhiều khi cùng một viên đá, có người thấy nhưng bỏ qua, chỉ đến khi gặp được người "cảm" được vẻ đẹp của đá. Lại có người tìm được đá rồi, nhưng chưa tìm được cái "thần" của đá. Nhiều khi phải đem đá về nhà nhìn ngắm cả mấy tháng trời mới phát hiện được giá trị đích thực của nó. Lại có một nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá là tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên thông qua việc giữ nguyên hình dạng của viên đá. Sự gia công đục đẽo đá theo ý muốn của người chơi, biến đá từ thiên tạo thành nhân tạo là hành động tối kỵ với giới ngoạn thạch.
|
Anh Thành và các viên đá "Trường cửu", "Mãnh sư", "Hoài niệm" (từ phải sang trái).
|
Anh Thành kể lại hành trình tìm được viên đá mà anh đặt tên là Trường cửu: "Chuyến đi đó, tôi lặn lội lên tận vùng Vĩnh Sơn. Xe bị lủng lốp đến 3 lần, lại toàn giữa chốn rừng núi, nên tôi đành dắt bộ. Kiệt sức, đói đến lả cả người ra, phải bứt nắm lá giang rừng ăn để cầm hơi. Rồi tình cờ bên một bờ suối, tôi nhặt được viên Trường cửu. Nhìn viên đá mà người tôi lâng lâng như ở trên mây. Dựng viên đá bên bờ suối, tôi vừa ngắm vừa hát nghêu ngao một mình cả mấy tiếng đồng hồ giữa trưa nắng. Nếu có người trông thấy tôi khi đó, hẳn sẽ tưởng gã này chắc bị... thần kinh... (cười)". Viên đá này anh Thành yêu thích nhất trong bộ sưu tập của mình bởi vẻ đẹp toàn diện hiếm có của nó.
Nhưng nếu nói về niềm đam mê "tầm" đá đến bất chấp cả hiểm nguy thì nhóm Tây Phú mới là số một. Những ngày mưa lũ, họ tổ chức đi tìm đá bởi hy vọng dòng nước chảy mạnh sẽ làm lộ ra nhiều viên đá đẹp. Để đối phó với dòng nước xiết, mỗi người ôm... một cục đá nặng, rồi cứ thế mà lội qua suối để tìm đá.
* Và thú ngắm... đá
Tầm được viên đá rồi, người chơi có cái thú ngắm... đá. Nói về cái thú ngắm đá này, thì ông Thành cũng là số một. Ông Thành nói: "Thời điểm thích hợp để ngắm đá là lúc... nửa đêm. Bởi vậy, cứ 12 giờ khuya là tôi thức dậy, bật đèn lên, chế một bình trà ngon và lặng lẽ ngồi ngắm những viên đá. Đây chính là thời điểm giữa tôi và đá có mối giao cảm gần gũi nhất...". Cũng bởi cái thú "ngắm đá đêm khuya" này mà những bà vợ có chồng "mộ" đá ở Tây Phú cũng đến khổ. Chẳng là cứ đến nửa đêm là thấy mấy ông chồng mình... biến mất. Đến khi biết mình chỉ là "nạn nhân" của... đá, thì các bà chỉ còn biết... cười trừ.
Tiễn tôi ra cổng ông Lạc hăm hở nói về dự định sẽ bán hết vườn cây cảnh của mình để xây một nhà trưng bày đá đen Tây Phú. Đây sẽ vừa làm nơi sinh hoạt cho anh em trong nhóm, vừa là nơi giới thiệu những "kiệt tác thiên nhiên" của miền đất Võ. Nghe ông Lạc nói, tôi cứ hình dung, chẳng bao lâu nữa du khách đến tham quan Hầm Hô sẽ có thêm một địa chỉ ven đường để ghé lại, tận mắt chiêm ngưỡng những viên đá mà chủ nhân của nó đã bỏ ra một đời sưu tầm với không ít những đam mê. Hẳn du khách sẽ thấy hé lộ thêm nhiều điều về tâm hồn người đất Võ...
Ngoạn thạch là một thú chơi nghệ thuật rất công phu, đã có từ lâu đời. Xưa, cổ nhân quan niệm: đá có dạng thức đẹp, trang nhã, sắc màu sống động là kết tinh linh khí của vũ trụ mà thành. Bởi vậy, chơi đá ngoài một thú chơi, còn mang cái diệu nghĩa triết lý thâm trầm và hẳn phần nào còn là ánh xạ của một tâm linh tối cổ: tục thờ đá.
Gần đây, Bình Định là nơi cung cấp lượng đá cảnh khá dồi dào cho những người chơi trong cả nước. Nhiều loại đá xuất xứ từ Bình Định như sáp vàng (hoàng lạp); huyền vũ, vỏ lê, vỏ dưa (kim qua); hóa thạch, trầm tích, mai rùa (qui giáp); vân thạch (đá có vân) được giới ngoạn thạch cả nước đánh giá cao. | |