Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa
18:37', 25/6/ 2006 (GMT+7)

Bình Định nằm trong vùng hoang mạc hóa cục bộ và có các quá trình xảy ra hoang mạc hóa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do trong vài thập kỷ gần đây, nạn khai thác quá mức quỹ đất và nguồn nước đã tác động đến quá trình thoái hóa đất, suy giảm nguồn nước. Tình trạng hoang mạc hóa diễn ra ngày càng nhanh với quy mô ngày càng lớn, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và gây khó khăn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của người dân.

 

Rừng đầu nguồn hồ Núi Một (An Nhơn) bị tàn phá - một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nước và thoái hóa đất.

 

* Những tác hại do con người gây ra

Bình Định là dải đất hẹp, địa hình phức tạp, sườn dốc ngắn, độ dốc lớn nên khả năng xói mòn, rửa trôi đất rất lớn; là vùng đất nắng nóng, khô hạn, lũ lụt, gió bão… thường xuyên xảy ra, dẫn đến nguy cơ thoái hóa đất rất cao. Một số vùng đất canh tác nông nghiệp ở Bình Định đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm đất.

Núi Hòn Chà thuộc địa phận xã Phước Thành (Tuy Phước) và phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) từ nhiều năm nay đã trở thành công trường khai thác đá granite tảng lăn và đá vật liệu xây dựng. Hoạt động khai thác đá ở xã Nhơn Tân (An Nhơn), Núi Bà ở Cát Tiến (Phù Cát) cũng diễn ra rầm rộ, liên tục và thiếu quy hoạch. Công tác hoàn thổ sau khai thác hầu như không được quan tâm, hậu quả là lớp thực bì trên bề mặt các vùng đồi núi bị bóc sạch, làm thay đổi dòng chảy của nước khi mùa mưa đến, các vùng đất ruộng quanh khu vực chân vùng khai thác đá bị bạc màu và bồi lấp bởi vụn đá. Sự suy thoái đất không chỉ diễn ra ở quanh vùng Hòn Chà, Núi Bà mà còn diễn ra ở tất cả những nơi có hoạt động khai thác đá.

Những năm qua, các rừng phòng hộ ở An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn… bị xâm hại đáng kể; kế hoạch phòng, chống nạn phá rừng của tỉnh chưa mang lại hiệu quả. Nạn phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, không những đã làm cho tính bền vững của lớp thực bì của các vùng đồi núi bị phá vỡ, tạo nên hoang hóa, mà còn dẫn đến những nguy cơ lũ lụt, hạn hán cho các vùng phụ cận, vùng cuối nguồn; bởi khả năng tích nước, giữ nước, điều hòa nước của rừng phòng hộ bị suy giảm. Người dân ven biển đã phá rừng phi lao (từ bán đảo Phương Mai - TP Quy Nhơn đến Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn) để lấy củi, chiếm đất…, là hành vi phá vành đai xanh chắn cát.

 

             Núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) đã trở thành núi trọc.

 

Lạm dụng quá mức phân bón hóa học và thuốc trừ sâu là một trong những nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất đai, nhất là đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2004-2005, kết quả thanh tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định cho thấy: người nông dân vẫn sử dụng các loại thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, các loại hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc (gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt chuột) bày bán phổ biến ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Mặt khác, sự tồn dư của hóa chất bảo vệ thực vật trong môi trường cũng đáng cảnh báo, phần lớn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành.

* Hãy thân thiện với những vùng đất khô cằn

Trong khi, có nơi người dân buộc phải từ bỏ đất đai vì quá ô nhiễm, suy thoái thì ở nơi khác cũng có những người dân biết cách cải tạo và làm giàu trên chính mảnh đất bạc màu của mình. Cách đây hơn 7 năm, thôn Tân Hóa Nam thuộc xã Cát Hanh (Phù Cát) có diện tích trên 50 ha bị khô cằn, thoái hóa do trước đây chỉ trồng cây bạch đàn. Chính quyền xã và Phòng NN-PTNT huyện đã mày mò, nghiên cứu, quy hoạch vùng trồng xoài cát Hòa Lộc trên diện tích này.

Theo kết quả điều tra gần đây nhất của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, trong số 21 triệu ha đất canh tác nông nghiệp của Việt Nam thì đã có đến 9,34 triệu ha đất hoang hóa. Ở Bình Định, tổng diện tích đất tự nhiên là 602.506 ha, có 425.835 ha đất xám bạc màu, trong đó diện tích đất cát 15.968 ha, đồi núi dốc 375.000 ha; diện tích hoang mạc hóa hiện nay của Bình Định là 786 ha.

Thời gian đầu chỉ có 10 hộ đầu tư thí điểm, về sau thấy cây xoài phát triển tốt, nên có thêm 40 hộ khác đã mạnh dạn đầu tư. Ba mùa xoài vừa qua, bà con đã có thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha từ cây xoài Hòa Lộc, thực lãi khoảng 30 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với đầu tư một số cây trồng khác. Hiện nay, tỉnh đang áp dụng một số công nghệ mới trong nông nghiệp nhằm bảo vệ đất, bảo vệ thảm thực vật tự nhiên, chẳng hạn như: xây dựng mô hình "Nông nghiệp trú ẩn - nông nghiệp che chắn". Theo mô hình này, những đai rừng phi lao hoặc keo lá tràm tại các vùng cát ven biển khi đã phát huy tác dụng phòng hộ thì trồng điều, cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi gia súc. Hiện nay, một số địa phương như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước… đã áp dụng phương thức canh tác nông lâm kết hợp (điều + đậu đỗ; điều + dứa; điều + cỏ chăn nuôi…).

Với thông điệp của Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay: "Đừng từ bỏ những vùng đất khô cằn" đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc bảo vệ đất đai - nơi nuôi dưỡng và quyết định sự sống còn của con người. Đất đai suy thoái vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của đói nghèo. Chuyện về những người nông dân phải bỏ đất lên thành phố kiếm sống một cách bấp bênh và những người nông dân khác biết biến đất cằn thành của cải, đã trở thành bài học bổ ích, khi mà hàng năm, nạn "thừa người thiếu đất" vẫn diễn ra ở khắp nơi và làm đau đầu những nhà hoạch định.

  • Ngọc Diên

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương - Viện KHKT Nông nghiệp Nam Trung bộ (ASISOV):

Để ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở Bình Định, phải tích cực bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn cũng như vận động nhân dân trồng cây gây rừng ở khu dân cư. Sử dụng đất đai hợp lý, xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, thay đổi tập quán canh tác thiếu khoa học, hoặc khai thác đất triệt để gây nên sự nghèo kiệt đất. Trồng "rừng phi lao xung kích" trên toàn bộ đồi cát tạo nên vành đai xanh cố định, chống cát bay, cát nhảy, tạo thành vùng thiên nhiên xanh trên cát. Tạo ra thảm xanh theo nguyên tắc vùng sinh thái khép kín: "Rừng nuôi đất- đất nuôi cây- cây nuôi người- người nuôi rừng". Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình "Nông nghiệp trú ẩn- nông nghiệp che chắn". Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ, chuyển từ 3 vụ lúa bấp bênh thành 2 vụ ăn chắc; chuyển một phần diện tích lúa không hiệu quả sang cây trồng cạn như: đậu, bắp, rau màu… nhằm tiết kiệm nước (lượng nước tiêu hao cho 1 vụ lúa gấp khoảng 10 lần cho việc trồng cây trên cạn). Tăng điều kiện ẩm tự nhiên, như: tích nước, tưới tiết kiệm nước, cải tạo độ phì nhiêu của đất để thảm thực vật tự nhiên nhanh chóng phục hồi. Kiến nghị Chính phủ và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ tiếp tục đầu tư, tài trợ những dự án có tính chất thiết thực phục vụ cho việc hạn chế hoang mạc hóa, thoái hóa đất và phát triển bền vững trong tỉnh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)
Thơ  (25/06/2006)
Những người "mê" đá  (25/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (25/06/2006)
Hoa tan vỡ  (25/06/2006)
Tản mạn quanh cái họ, cái tên  (25/06/2006)
Tháp Cánh Tiên từng đóng vai trò một "đền núi" của thành Đồ Bàn ?  (25/06/2006)
Những điều thú vị ở World Cup 2006  (25/06/2006)
Nghe cầu thủ ngoại của P.Bình Định "luận anh hùng" World Cup  (25/06/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (25/06/2006)
CLB Bình Định Nguyệt San   (17/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất vộ   (17/05/2006)
Cây me trong vườn Nguyễn Huệ   (17/05/2006)
Quy hoạch, phát triển một vùng du lịch biển   (17/05/2006)
Những mối liên hệ “đọc” từ gốm   (17/05/2006)