* Ghi chép của Phạm Tiến Sỹ
Cơn bão số 1 vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cho nhân dân các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định. Chúng tôi đã tìm về thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), lắng nghe tâm tư của những người từ cõi chết trở về, chia sẻ nỗi đau mất mát với bà con ngư dân...
|
Anh Huỳnh Văn Minh (người ngồi giữa) một trong 4 ngư dân tàu BĐ 2121 TS may mắn sống sót trở về. Ảnh: Tiến Sĩ
|
* Chuyến tàu định mệnh
Ngày 24-3 (âm lịch) chiếc tàu mang biển số BĐ 2121 TS (do anh Huỳnh Văn Minh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) làm chủ) đã xuất bến tại Tam Quan, bắt đầu một chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Ngoài anh Minh, trên tàu còn có 6 thuyền viên là anh em trong nhà và bạn bè thân hữu. Họ đã vượt qua hàng trăm hải lý để đến ngư trường đánh bắt cá ngừ đại dương và cá nhám. "Gần 30 ngày lao động vất vả, tàu của tôi đã chứa gần đầy khoang cá, ai nấy vui mừng khôn tả. Chúng tôi đang bàn tính đánh mẻ cuối cùng rồi trở về quê, di chuyển ngư trường vô phía Nam, thì nghe tin bão dữ. Ngày 19-4 âm lịch, đài báo bão đi theo hướng tây- tây bắc, sẽ đổ bộ vào Việt Nam, tôi lệnh cho Đúng (Huỳnh Đúng - em ruột anh Minh - là tài công) cho tàu chạy hướng đông bắc, vào gần đảo Đông Sa (Trung Quốc) cùng với 40 tàu đánh cá của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng để tránh bão. Để an toàn hơn, tôi đã cho anh em chèo thuyền thúng lên đảo ẩn núp, nhưng lực lượng bảo vệ đảo không cho lên đảo, nên chúng tôi đành phải quay ra biển neo đậu gần vành đai đảo Đông Sa. Tàu neo đậu 3 ngày đêm, những tưởng đã an toàn, ai ngờ bão đổ bộ tới... Sóng và gió mạnh khủng khiếp, cả người và tàu đều bị sóng biển đánh tả tơi. Tôi sử dụng can nhựa, ván, xốp... kết thành một cái phao, và dặn dò anh em bình tĩnh, gặp hoạn nạn thì sống chết phải có nhau...."- anh Huỳnh Văn Minh kể lại.
Sáng ngày 21-4, tàu BĐ 2121 TS bị sóng đánh chìm, 7 sinh mệnh bám vào chiếc phao lênh đênh trên biển. Anh Huỳnh Đúng cho biết: "Lúc ấy, miệng thì cầu nguyện, nhưng trong đầu tôi nghĩ khó có thể sống sót, vì sóng càng lúc càng mạnh, trong khi ai cũng đói, lạnh và mệt lả. 3 thuyền viên: Đức, Bé, Cảnh đuối sức, bị sóng đánh văng ra khỏi phao nhiều lần, chúng tôi cố gắng kéo vào, nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được. Chúng tôi vô cùng đau xót nhưng không biết làm gì hơn. Những người còn lại đều nghĩ rằng chắc rồi mình cũng đi theo anh em chứ không nghĩ là còn sống sót. Lênh đênh trên biển mấy ngày liền, 4 người chúng tôi vớ được cọng rong biển cũng chia nhau ăn, lấy nước tiểu của nhau để uống... Chiếc phao trôi cách khu vực bị nạn khoảng 300 hải lý thì gặp một chiếc thuyền của ngư dân Đà Nẵng. Chúng tôi được cứu lên tàu và thiếp đi.... ".
* Nước mắt người mẹ
Trong số 7 thuyền viên trên chiếc tàu BĐ 2121 TS, có 3 người xấu số : Nguyễn Bé, Lê Văn Đức cùng ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc và Lê Công Cảnh, ở xã Hoài Châu Bắc. Họ đã vĩnh viễn ở lại với đại dương bao la. Lúc chúng tôi đến thăm, bà Hồ Thị Thanh (mẹ của ngư dân Nguyễn Bé) tay run run cầm nén nhang đứng trước di ảnh người con trai, miệng khấn cầu: "Con ơi! Con sống khôn chết thiêng, hãy cho ba mẹ gặp con một lần trong mộng". Hai hàng nước mắt bà Thanh chảy dài, rồi đột nhiên bà ngã quỵ xuống nền nhà. "Nhiều ngày qua, mỗi lần nhìn đám trẻ trong làng, bả nhớ con, khóc rồi xỉu. Hôm nghe tin con bị nạn, tôi không cho bả đi Quảng Nam để nhận xác, vì sợ bả chịu không nổi. Tôi ra ngoài đó, thấy cảnh gia đình nhiều ngư dân đoàn tụ, người có con bị chết cũng nhận được xác, còn tôi vào ra nhà xác của bệnh viện liên tục mà không thấy con mình. Liên tiếp nhiều ngày như thế, tôi kiệt sức ngất xỉu. Ngày con đi, tôi không có nhà, nó hứa với mẹ nó là cố kiếm thêm tiền giúp ba mẹ xây nhà. Thằng Bé đi mà không nói với tôi được câu nào, cũng không nhắn gửi với mẹ nó điều gì..." - ông Nguyễn Văn Vinh, chồng bà Thanh nghẹn ngào. Trong căn nhà 2 gian xây dựng dở dang, nhang khói mịt mù, không khí buồn đau bao trùm.
Cách nhà ông Vinh vài trăm mét là nhà của bà Huỳnh Thị Mến, mẹ của thuyền viên xấu số Lê Văn Đức. Bà Mến có 5 người con, Đức là con trai út trong nhà, được mẹ thương yêu nhất vì tính tình hiền lành và rất có hiếu. Bây giờ thì nó đã đi mãi không về...! Bà Mến trò chuyện với chúng tôi trong khi nước mắt cứ tuôn trào...
|
Một trong những chiếc tàu của ngư dân thoát nạn trong cơn bão số 1. Ảnh: VNN
|
* Bộn bề nỗi lo
Những ngày qua, lãnh đạo các cấp, các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh đã đến động viên, tặng quà, góp phần giúp các hộ gia đình có người thân gặp nạn trong cơn bão số 1 vừa qua vơi đi phần nào đau thương, mất mát. Với những hộ có người bị thiệt mạng, họ cố kìm nén nỗi đau để tiếp tục lao động sản xuất, chăm lo cho gia đình. Những ngư dân may mắn sống sót cũng phải tìm việc làm, bởi họ là lao động chính trong gia đình, một ngày không có việc làm là một ngày lo toan. Nhưng làm gì, làm ở đâu, và làm bằng cách nào để kiếm sống?. Đó là điều mà các ngư dân ở đây trăn trở nhất.
Chiếc tàu BĐ 2121 TS là tài sản lớn nhất mà ông Huỳnh Nở đã dành dụm được sau hơn 40 năm làm nghề biển. Rồi ông bàn giao chiếc tàu cho con trai lớn- anh Huỳnh Văn Minh- quản lý. Thực tế, chiếc tàu là "cần câu cơm" của 10 người con trong gia đình ông Nở. Nhờ chiếc thuyền này, cuộc sống của nhiều bạn thuyền trong làng cũng đỡ vất vả hơn. Tàu chìm, cả chủ tàu lẫn bạn thuyền đều thất nghiệp. Anh Minh cho biết: "Hiện nay, gia đình tôi còn nợ Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn trên 40 triệu đồng tiền đóng tàu, và hơn 20 triệu tiền mua sắm các đồ dùng thiết yếu phục vụ cho chuyến đi biển vừa qua. Hiện nay, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, tôi chưa nghĩ ra cách nào để kiếm sống và trả nợ...".
Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng dành dụm được ít tiền để xây dựng nhà ở, nhà xây dang dở thì nghe tin dữ. Mấy ngày qua, vợ ông lúc tỉnh lúc mê, ông thì bị gãy tay còn băng bột, không làm gì được. "Mong sao Nhà nước tạo điều kiện cho gia đình vay vốn ưu đãi, để mua một chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ để cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn..."- ông Vinh tâm sự với chúng tôi như vậy.
|