Làng lưới gõ
19:58', 25/6/ 2006 (GMT+7)

Xóm Bắc thôn Thuận Nghi, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn có trên 100 nóc nhà thì nhà nào cũng làm nghề lưới gõ. Theo nghề mà thành làng. Cuộc sống của người dân chài êm đềm trôi theo con nước. Theo đà phát triển của xã hội, làm lưới gõ cũng đã bớt cơ cực hơn nhưng tương lai vẫn chưa có gì xán lạn ở phía trước.

 

Người làng chài đã tậu được ghe máy để kéo những chiếc sõng con về, sau một ngày lao động vất vả trên đầm Thị Nại.

 

1. 2 giờ đêm! dân chài làng lưới gõ bắt đầu lục tục kéo nhau ra bờ sông. Những tiếng người í ới gọi nhau. Những ánh đèn dầu leo lét di chuyển từ các ngõ hẹp ra đến bến sông, xua tan màn đêm đen kịt. Đêm như ấm lên bởi hơi người. Sông Hà Thanh đang con nước lên. Trên những chiếc sõng con, từng tốp thanh niên bắt đầu sải tay chèo xuôi xuống đầm Thị Nại. Những chiếc sõng nan nhỏ xíu, mong manh trước mênh mang sông nước. Ra tới mặt đầm rộng mênh mang, chỉ một cơn sóng mạnh cũng đủ nhấn chìm chiếc xuồng con mang theo sức nặng mưu sinh của con người. Ranh giới giữa cái sống - cái chết mỏng lét! Những cánh tay chèo rã rời. Một thanh niên vạn chài kể chuyện: Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, mấy chục tay chèo làng chài suýt mất mạng trên đầm Thị Nại vì trời nổi tố bất ngờ. May mà gặp được chiếc xà lan của công nhân làm cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội nên thoát chết!  

2. Lưới là phương tiện đánh bắt hàng ngày và được sử dụng với số lượng lớn nên làng chài nào cũng có nghề đan lưới. Chồng đi biển, vợ ở nhà đan lưới đã trở thành hình ảnh đặc trưng của xóm chài. Bà Nguyễn Thị Nhạn, 60 tuổi, đã có gần hết số tuổi sống với nghề đan lưới, cho biết: "Trước đây, lưới của làng làm ra đem bán khắp mọi nơi. Đêm đến, phụ nữ xúm nhau lại "thức lưới" (thức để đan lưới) đông vui lắm. Còn bây giờ, lưới dệt công nghiệp được bán với giá rẻ đã dần thu hẹp thị trường nghề lưới". Nói rồi, bà Nhạn lấy cho tôi xem mấy tấm lưới bà đan thủ công. Mỗi tấm lưới 3 lớp dài 40 m, cao 1m phải đan mất 15 ngày. Trừ chi phí nguyên vật liệu, chị em còn kiếm được khoảng 50.000 đồng cho 15 ngày lao động. Lấy công làm lời thôi! Tuy vậy, còn làng chài thì còn đan lưới, vá lưới và phụ nữ, trẻ em vẫn có việc làm quanh năm.

3. 5 giờ sáng! Đám ngư dân lưới gõ đã có mặt ở đầm Thị Nại và thả lưới. 10 giờ - các chàng trai bắt đầu thu lưới, chèo sõng xuôi về. Một ngày làm việc kết thúc vào quãng 12 giờ trưa. Nước sông Hà Thanh vẫn êm đềm, mải miết trôi. Ngư dân tranh thủ giũ lưới, kết thúc một ngày lao động vất vả. Ngày trước, dân lưới gõ chỉ xách lưới ra sông Hà Thanh là cá, tôm đã bát ngát. Bây giờ, nguồn lợi thủy sản trên sông đã cạn kiệt, phải kéo xuống đầm Thị Nại khai thác mới có cái ăn. Anh Lê Trường Vũ, 39 tuổi, một ngư dân đi lưới gõ đã 26 năm, cho biết: "Bây giờ, nạn xung điện, xiếc máy đang tận diệt nguồn lợi thủy sản trên đầm. Từ tháng Giêng đến nay, chục người đi mới có 1-2 người có tôm, cá quay về...".

4. Làng lưới gõ ra đời từ khi nào, không ai trong làng còn nhớ rõ. Ông Lê Văn Nhị, 63 tuổi, kể: "Gia đình tôi đã có đến 4-5 đời làm nghề này rồi!". Có nghề mà thành làng. Những nông dân "cùng đinh" không ruộng đất đã tìm đến đây khai thác nguồn lợi từ sông, nước. Không có tàu, ghe lớn ra khơi xa, họ sắm cho mình chiếc xuồng độc mộc trông như chiếc lá tre, đan bằng nan, trét dầu hắc cho khỏi ngấm nước..., đánh cá trên sông. Một tay chèo sõng, một tay thả lưới. Khi lưới đã thả hết, ngư dân lấy cây dầm gõ mạnh vào hai bên thành sõng để đuổi cá chạy và mắc vào lưới. Tên gọi lưới gõ ra đời là vì vậy! Ông Nhị cho biết: "Nghề lưới gõ khá vất vả, gian nan. Làm lưới gõ chỉ kiếm được cái ăn hàng ngày chứ chẳng bao giờ giàu được".

 

Bà Nguyễn Thị Nhạn tranh thủ thời gian rảnh rỗi đan lưới kiếm thêm thu nhập.

 

5. Xóm Bắc chạy dọc theo sông Hà Thanh khoảng 1km và vào sâu trong đất liền khoảng 150 m. Nhà cửa ở đây sin sít nhau, chỉ chừa được mấy lối đi vừa nhỏ, vừa hẹp lại đầy cát. Trước đây, do cuộc sống quá khó khăn, người dân chạy theo lợi ích kinh tế nên trẻ em 13 tuổi cầm được cây dầm, chèo được sõng là đã phải xuống nước kiếm ăn. Xóm lưới những năm về trước còn được mệnh danh là "làng đẻ". Nhà nhà đẻ thật nhiều, người người đẻ thật nhiều để có thêm lao động mà đan lưới, gõ cá. Chuyện học ở đây chẳng mấy ai coi trọng.

6. Thuận Nghi có bãi cát vàng/Có anh đi lưới, có nàng quay tơ. Bãi cát vàng ở thôn Thuận Nghi bây giờ không còn vì đã được thay thế bằng con đê sừng sững. Người dân xóm lưới đã "có ăn, có mặc" hơn từ khi sử dụng "lưới ba màn". Ông Nhị kể: Khoảng năm 1987, khi các cơ quan chức năng bắt được 2 tàu đánh cá của Nhật xâm phạm lãnh hải nước ta ở Hải Phòng, ngư dân trong nước đã tiếp thu được công nghệ lưới ba màn của Nhật để đánh cá. Trước đây, với tấm lưới một lớp, chỉ đánh bắt được cá một cỡ, hiệu quả kinh tế rất thấp nên đời sống ngư dân hết sức khó khăn. Lưới ba màn với ưu điểm như chiếc "vợt" có thể đánh bắt được tất cả các loại cua, tôm, cá... lớn nhỏ khi chúng đã bị mắc vào nên hiệu quả kinh tế cao, công lao động thấp. Ông Nhị lúc đó cũng là một trong những ngư dân có công cải tiến và nhân rộng tấm lưới ba màn ra các vùng sông nước trong tỉnh.

7. Những năm thực hiện giao quyền sử dụng đất, ngư dân xóm lưới lại được chia ruộng để làm ra hạt gạo, cuộc sống phụ thuộc vào sông nước nhờ đó đã ổn định hơn. Chiếc sõng nan trét dầu hắc nặng nề ngày xưa đã được thay bằng chiếc sõng tôn nhẹ nhàng, chắc chắn. Công nghệ đi biển ngày nay cũng đã cao hơn. Vừa rồi, vay vốn ngân hàng NN-PTNT, ngư dân xóm lưới đã sắm được 6 ghe máy để kéo sõng thuê xuống đầm Thị Nại. Mỗi ghe máy kéo được khoảng 20 chiếc sõng con xuôi đầm. Đôi tay chèo của ngư dân làng chài đã bớt mỏi. Giông tố, hiểm nguy cũng đã lùi xa hơn. Tuy nhiên, để làm giàu từ nghề lưới gõ thì người dân chài phải bứt phá theo một hướng khác...

  • Minh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hậu quả cơn bão số 1: Nỗi đau còn ở lại  (25/06/2006)
Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa  (25/06/2006)
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)
Thơ  (25/06/2006)
Những người "mê" đá  (25/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (25/06/2006)
Hoa tan vỡ  (25/06/2006)
Tản mạn quanh cái họ, cái tên  (25/06/2006)
Tháp Cánh Tiên từng đóng vai trò một "đền núi" của thành Đồ Bàn ?  (25/06/2006)
Những điều thú vị ở World Cup 2006  (25/06/2006)
Nghe cầu thủ ngoại của P.Bình Định "luận anh hùng" World Cup  (25/06/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (25/06/2006)
CLB Bình Định Nguyệt San   (17/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất vộ   (17/05/2006)
Cây me trong vườn Nguyễn Huệ   (17/05/2006)