* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã có "Một tiếng trên không ngỗng nước nào". Tôi cũng có một "Tiếng quê hương" như nhà thơ đã có. Và "Tiếng quê hương" ấy đi theo tôi suốt đời, dù cho bước chân tôi có đặt nơi góc bể chân trời nào.
|
Trò chơi "trồng cây bông". Tranh của Phúc
|
Bạn là khách đến thăm quê tôi. Bạn rảo bước trên đường làng với hồn trí bâng khuâng theo cảnh mây trôi gió cuốn, bỗng đâu vẳng đến tiếng ru hời: Hời ơi… Cái ngủ mày ngủ cho lâu… Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về…; Hời ơi… Cái ngủ mày ngủ cho say… Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày… Bạn bồi hồi xúc động nhớ lại hồi mình còn thơ, bà vẫn hát ru giấc ngủ của mình và giọng hát của bà cũng u trầm như vậy.
Bạn ghé thăm nhà một người quen. Trong ngôi nhà thơm nức hương cau, người ông râu tóc bạc phơ ngồi giữa đàn cháu con kể chuyện "đời xưa". Chuyện Cô Tấm, Cây tre trăm đốt, Ăn khế trả vàng… Bằng giọng trìu mến đối với đàn con cháu, chuyện nào ông kể cũng hay, cũng chắp cánh cho trí tưởng tượng của tuổi thơ bay bổng vào thế giới chỉ có những vị thần tiên luôn sẵn lòng cứu giúp những con người bất hạnh khổ đau.
Bạn có thời gian, và được người quen cầm chân ở lại làng. Mỗi sớm tối, bạn nghe tiếng trẻ thơ học bài: Nhỏ còn thơ dại biết chi / Lớn lên đi học, học thì phải siêng / Theo đòi cũng thể bút nghiên / Thua em kém chị cũng nên hổ mình; Thói thường gần mực thì đen…/ Anh em bạn hữu phải nên chọn người / Những người lêu lổng chơi bời / Cùng là lười biếng ta thời tránh xa (Quốc Văn Giáo Khoa Thư). Bạn nhớ lại, hồi xưa mình cũng đọc những bài học ấy bằng cái giọng lảnh lót trong ngần chất trẻ thơ.
Bạn có những buổi trưa hè thật yên tĩnh. Không gian chỉ còn có tiếng những chú chim cu gáy trong các khóm tre làng nghe não nùng lắm, và tiếng kể truyện Lục Vân Tiên từ đâu đó vọng tới: Thứ này đến thứ Vân Tiên… Có hôm lại là tiếng đọc trầm bổng truyện Ngũ hổ bình Tây, Tam quốc diễn nghĩa… Truyện nào, người quê tôi cũng đã đọc và đã nghe đến trăm lần. Người quê tôi, có mấy ai không thuộc lòng truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu, người ta vẫn vui đùa kháo nhau: Vân Tiên, Vân Tiễn, Vân Tiền / Ai cho tôi tiền tôi kể Vân Tiên (Ca dao).
Bạn đi trong buổi chiều vàng. Bỗng lảnh lót một giọng chim oanh: Hỡi anh đi đàng cái quan / Dừng chân đứng lại em than vài lời (Ca dao). Và, một giọng chim oanh khác: Than thì than đất than trời / Than ông Tơ bà Nguyệt không se cho tôi sợi chỉ hồng (Ca dao). Các cô thôn nữ hái dâu trên đồi cất tiếng hát trao duyên cùng bạn đó, và lòng bạn đang vui như một ân tình vừa mới chớm nở. Còn lang thang với buổi chiều vàng, bạn sẽ được chứng kiến nhiều trò chơi của các bé trai, bé gái trong một xóm nhỏ nào đó như trò chơi "Đập chuồn chuồn", trò chơi "Trồng cây bông"... mà mỗi trò chơi, các em đều kết hợp với bài hát đồng dao ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, với trò chơi "Trồng cây bông", các em chia hai phe, mỗi phe hai em. Một phe ngồi đối diện nhau, lần lượt chồng xen kẽ mỗi bàn chân rồi đến mỗi nắm tay của từng em lên thành cây bông. Đến cánh tay cuối cùng sẽ được chồng từ nắm tay rồi nâng lên tới khuỷu tay, các ngón tay chúm lại để ngửa lên làm búp hoa, sau đó xòe rộng các ngón ra làm hoa nở. Phe kia thì nhảy qua nhảy lại "cây bông" do hai em ngồi trồng mỗi lúc một cao. Nếu có em nào nhảy chạm vào cây bông là cả phe bị thua, phải ngồi trồng cây bông thay cho hai bạn kia nhảy… Các em vừa nhảy, vừa hát bài đồng dao để làm nhịp: Chặt cây bông / Trồng cây hoa / Nở ra chong chóng / Đậu trắng, đậu đen / Chồn đèn mắc bẫy / Cây nào cao / Cây nào thấp / Cây nào rập / Cây nào ràng / Màng tơi chín đỏ / Con thỏ nhảy qua / Con gà ứ hự / Quan văn quan võ / Hốt trộm trứng gà / Bị bà Ba bắt / Bị bà Ba chặt / Một tay hai tay / Ăn cắp quen tay / Từ nay hết ăn cắp. Bạn ước gì mình được trở về với cái tuổi thơ hồn nhiên, vô tư lự đó để được chơi, được hát đồng dao.
Quê tôi xưa có nhiều hội làng, hội chùa. Nào hội Đỗ Giàn ở An Thái - Nhơn Phúc, hội Chùa Kén ở làng Phương Danh - Đập Đá, hội Chùa Bà ở làng Liêm Lợi - Nhơn Phong, hội Chùa Ông ở thành Bình Định (An Nhơn), và về sau có cả lễ hội Chiến thắng Đống Đa (Tây Sơn). Mỗi lễ hội diễn ra là dịp để cho mọi người vừa ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, vừa tham gia vào các cuộc vui bằng hát xướng và diễn trò chơi. Quê tôi là quê của hát bội với tuồng hay, kép độc, đào giỏi. Hát bội làng bên, khi chiều về nghe tiếng trống chầu, trống chiến giục, ta đã vội bước chân đi. Quả thực, câu nói dân gian: "Đánh giặc giữ làng" được tổng kết từ hàng vạn, hàng triệu làng quê Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Phải không bạn?
Bạn có thấy, người quê tôi hay hát hay chơi theo kiểu tài tử? Ngồi dưới hiên nhà, cầm quạt mo phe phẩy xua cái nóng mùa hè, cao hứng người này cất lên câu hát Nam, người kia câu hát Khách, người nọ câu bài chòi điệu Xuân nữù, điệu Xàng xê với đủ giọng nam, nữ, trẻ, già. Rồi đêm trăng thanh nào, bạn gặp họ hò giã gạo, hò cấy lúa; ngày nắng nào họ hò khoan kéo gỗ trên sông. Hơ…bạn…hờ…khoan…ơ…hò…Bạn ngủ ở quê, một đêm nào đó, nửa đêm thức giấc bạn nghe thánh thót giọt đàn bầu, nghe véo von tiếng sáo trúc; lại một đêm mưa gió, bạn cũng vừa thức giấc, bỗng nghe tiếng gió đập tàu cau, tiếng lộp độp mưa rơi trên tàu lá chuối…
Hồi xưa, quê tôi là như thế và nói sao cho hết cái "tiếng quê hương" sâu lắng ngọt ngào, cái "bản nhạc đồng quê" lừng giai điệu; nó làm đẹp hồn người, làm nên đức tính đôn hậu, thủy chung, lòng ngay dạ thẳng trong mỗi tâm hồn người dân quê. Bây giờ, thời buổi hiện đại, mặc dù có hô hào quay về với bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng tiếng nhạc, "tiếng quê hương", bản "nhạc đồng quê" ấy mỗi ngày mỗi thưa thớt, hiếm hoi. Điều đó, chẳng đáng quan ngại lắm ru?
6-2006
|