Có dịp được tháp tùng với tổ phóng viên thực hiện "Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số" thuộc Phòng Chuyên đề truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi vất vả, khó nhọc, khi anh em phải "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt) với dân làng để có được những thước phim phản ánh sinh động về những vùng cao vốn khó khăn trăm bề, nay cuộc sống đang được "thay da, đổi thịt" từng ngày.
|
Nhóm phóng viên "Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số" đang tác nghiệp tại làng Hà Ry (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh).
|
Đang giữa ngày mùa, trong làng không một bóng người, chiếc xe Uoát của Đài như con trâu rừng lầm lũi, len lỏi qua từng con dốc chênh vênh giữa sườn núi để đưa chúng tôi đến tận nhà rẫy, nhà ruộng của bà con mà nhiều cái cách làng đến vài ba quả đồi, năm - bảy "khâu rựa", gặp đoạn đường xe không đi được thì cả nhóm phải đi bộ, qua suối phải dìu nhau. Anh em cõng theo nào máy quay phim, nào gạo, thức ăn, xoong nồi, hành lý… đủ cho một chuyến tác nghiệp từ 2 đến 3 ngày, từ lái xe đến phóng viên ai cũng ướt đẫm mồ hôi và thấm mệt. Các anh Nguyễn Trưng, Thanh Phố- những người lớn tuổi nhất trong đoàn - nhiều lúc đã đứng hàng giờ liền bên chiếc máy quay giữa cái nắng chang chang, oi bức của mùa hè ở miền núi cũng chỉ vì muốn "hòa nhập" và cảm thông với những khó nhọc vẫn còn đeo bám cuộc sống của bà con. Nhớ lại trong một lần đến làng K2, để kịp ghi hình đàn trâu của Bok Chế tại nhà rẫy trước khi thả ăn, anh em trong đoàn đã phải thức dậy từ 5 giờ sáng, đi trong màn sương dày đặc và rét buốt của mùa đông ở vùng rừng núi Vĩnh Sơn có độ cao hơn 800 mét so với mặt biển. Phóng viên trẻ Huỳnh Kim tuy mới vào nghề nhưng cũng rất xông xáo, năng động. Anh như con sóc rừng nhanh nhẹn, luôn tranh thủ tìm hiểu tập quán, tiếng nói của bà con để xâm nhập thực tế, nhờ thế mà mọi người trong làng luôn dành cho anh em trong đoàn những tìm cảm chân tình. Sau một ngày lao động cật lực, tối về bên ché rượu cần, mọi người ngồi quanh bếp lửa, củ khoai chia đôi, miếng thịt rừng xẻ nửa, anh em thức với bà con cho đến khi nghe con gà rừng gáy báo hiệu canh tư mới chợp mắt… Đây cũng là dịp để dân làng được gửi trọn tâm tư, suy nghĩ của mình cho từng thước phim của đoàn trước khi phát sóng cho người xem. Và chắc chắn rằng, những thước phim như vậy sẽ rất mộc mạc và chân thật như chính cuộc sống của bà con giữa núi rừng.
Bá Điều, trưởng làng K2 có nhận xét: Đoàn "làm phim" của anh Trưng khi về làng, tất cả chúng tôi ai cũng quý mến vì các anh rất nhiệt tình, gần gũi với bà con. Đó là những tình cảm của dân làng, còn đối với các phóng viên, sau mỗi chuyến đi chắc sẽ còn đọng mãi những kỷ niệm khó quên về con người và mảnh đất vùng cao.
|