Lễ hội Văn hóa - Thể thao Miền biển toàn tỉnh lần thứ VII - 2006:
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc
17:31', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Lễ hội (LH) Văn hóa - Thể thao Miền biển tỉnh Bình Định lần thứ VII - năm 2006 vừa diễn ra tại thôn Lâm Trúc II, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn. Có thể nói, chính những sắc màu văn hóa dân gian được quy tụ trong chương trình LH đã tạo nên nét độc đáo, sức hấp dẫn và sự thành công cho LH…

 

                    Tiết mục múa của đơn vị Hoài Nhơn.

 

* Sôi động, hấp dẫn

Lễ hội (LH) Văn hóa - Thể thao Miền biển toàn tỉnh lần thứ VII - 2006 đã quy tụ sự tham gia của gần 400 diễn viên, vận động viên đến từ các đơn vị: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Chương trình LH đã thể hiện được sự phong phú và đa dạng với hàng loạt các hoạt động văn hóa như thi văn nghệ, thi người đẹp miền biển, thi các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa ẩm thực… và thi các môn thể thao như đua thuyền, bóng chuyền trên cát, kéo co, chạy tiếp sức trên cát. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt nhưng với tinh thần thi đấu và biểu diễn tích cực, các diễn viên và vận động viên đã mang lại không khí hào hứng sôi động cho LH, thu hút hàng vạn người dân đến xem và cổ vũ. Việc đưa vào chương trình LH các môn thi thể thao vốn là truyền thống của cư dân miền biển, đã gắn bó với đời sống của họ, đã giúp cho chất lượng các cuộc tranh tài được nâng cao thêm một bước. Ở môn đua thuyền, kéo co là sự tranh đua quyết liệt giữa các đơn vị mạnh như Tuy Phước, Quy Nhơn, Phù Mỹ; môn bóng chuyền trên cát cũng tập hợp được vận động viên xuất sắc của các địa phương, tạo được nhiều pha bóng đẹp, nhiều trận đấu có trình độ chuyên môn cao. Môn chạy tiếp sức trên cát lần đầu tiên được đưa vào chương trình ngày hội cũng đã lôi cuốn được đông đảo các đơn vị tham gia.

Còn với các hoạt động văn hóa, ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, kiêm Trưởng Ban Giám khảo, nhận xét: “Có thể nói so với các LH trước, chất lượng các chương trình văn hóa - nghệ thuật trong LH lần này tốt hơn rất nhiều. Ngoài việc đầu tư dàn dựng chương trình theo đúng chủ đề mà Ban Tổ chức đề ra, các đơn vị đã tập trung khai thác và thể hiện được các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống miền biển. Nhiều tiết mục dân gian tập thể có rất đông diễn viên tham gia vốn khó thể hiện, nhưng các đơn vị cũng đã biểu diễn hết sức thành công…”.

 

         Đơn vị Phù Mỹ đang thuyết minh phần thi ẩm thực.

 

* Đậm sắc màu dân gian

Một trong những điểm cốt yếu tạo nên sự thành công của LH năm nay chính là việc Ban Tổ chức quy định các hoạt động văn hóa, thể thao đều phải mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng cư dân miền biển. Trong đó, sắc màu dân gian được thể hiện đậm đặc nhất ở phần thi văn nghệ mang tên “Liên hoan Dân ca Dân vũ - Nhạc cụ Dân tộc Vùng Sông nước”. Việc sử dụng nhuần nhuyễn các loại hình ca, múa, hát hò, hò đối đáp, hát ru, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc… để thể hiện đời sống và hoạt động của cư dân miền biển, các chương trình này đã gây được ấn tượng mạnh đối với người xem. Trong đó, chương trình của đơn vị Phù Mỹ (giải nhất phần thi văn nghệ) đã sử dụng toàn bộ nhạc cụ dân tộc trong chương trình biểu diễn của mình; chương trình của huyện Tuy Phước (giải nhì phần thi văn nghệ) được đầu tư dàn dựng công phu với đầy đủ các tiết mục dân ca, bài chòi, hát tuồng… Riêng đoàn Quy Nhơn (giải nhì văn nghệ) thì chinh phục khán giả bằng tiết mục “Mừng ngày hội hát tuồng” và đặc biệt là tiết mục múa “Sắc bùa” - một điệu múa dân gian thường được biểu diễn trong dịp đầu năm mới hay trong các lễ cầu mùa. Việc các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống đang trong nguy cơ bị quên lãng, nay được các đoàn sưu tầm và khôi phục lại để biểu diễn cũng là điểm đáng ghi nhận nhất của phần thi văn nghệ.

Lần đầu tiên được tổ chức, nhưng phần giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các đơn vị lại là phần thi thú vị nhất. Tất cả các đơn vị đều tham gia bằng những món ăn đặc sản biển đặc sắc của địa phương mình. Đơn vị Phù Mỹ (giải nhất ẩm thực), mang đến LH những sản vật nổi tiếng ở địa phương mình như cá chua, chình mun… vừa có cách chế biến, trình bày món ăn khéo léo, đẹp mắt; cộng với cách đặt tên món ăn mang tính hình tượng cao như “xìa hấp tứ xuyên hình rồng”, “ngư ông lướt sóng”, “mãng xà xuất lân”… nên khá hấp dẫn. Thực khách đến tham quan lại được thưởng thức những món ăn này cùng với ly rượu Mỹ Thọ thơm nồng, càng thấy thập phần “khoái hoạt”. Chủ nhà Hoài Nhơn (giải nhất ẩm thực) thì quảng bá ẩm thực địa phương bằng lời đề dẫn món ăn mang đậm chất thơ: “Cha mẹ nàng đòi ăn cá thu/ Bắt anh ra biển mù mù tăm tăm/ Món ăn mẫu tử đoàn viên/ Chào mừng ngày hội khắp miền Bình Định”; hay “Hoài Nhơn đẹp lắm ai ơi!/ Món ăn đặc sản ra khơi căng buồm/ Cá thu, cá nục, cá chuồn/ LH văn hóa quê hương biển dừa”. Thành phố Quy Nhơn lại như muốn giới thiệu với thực khách một bàn tiệc thịnh soạn, với những món ăn giàu chất dinh dưỡng, như súp vi cá hải sản, cá ngừ đại dương chấm mù tạt, bào ngư tắm nắng…

 

                   Múa “Sắc bùa” của đơn vị Quy Nhơn.

 

Sự xuất hiện của rất nhiều các trò chơi dân gian trong LH như đi cà kheo đá bóng vào cầu môn, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum, bịt mặt nướng cá tươi trên lửa than, thi đan lưới một… cũng tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi, gắn kết giữa những đơn vị tham gia và người dân địa phương.

LH đã kết thúc bằng đêm thi chung kết “Người đẹp miền biển”. Vẻ đẹp mặn mà và khả năng ứng xử thông minh của các chàng trai, cô gái miền biển dường như đã gây “bối rối” cho Ban Giám khảo khi phải chọn người xứng đáng nhất để đăng quang. Kết thúc cuộc thi, danh hiệu hoa khôi đã ở lại với “con gái xứ dừa” Hoài Nhơn, với một vẻ đẹp tưởng như có thể khiến những chàng trai phương xa sẵn sàng bỏ một đời “công uổng công thừa” để “gánh nước tưới dừa Tam Quan”.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)
Tiếng quê hương  (25/06/2006)
Làng lưới gõ  (25/06/2006)
Hậu quả cơn bão số 1: Nỗi đau còn ở lại  (25/06/2006)
Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa  (25/06/2006)
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)
Thơ  (25/06/2006)
Những người "mê" đá  (25/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (25/06/2006)
Hoa tan vỡ  (25/06/2006)
Tản mạn quanh cái họ, cái tên  (25/06/2006)