Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày
17:34', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Vừa qua, ông Hùng Bảo Khang - Chuyên gia tiền cổ, Tổng giám đốc Hội nghiên cứu tiền cổ Quảng Tây, Giám đốc Bảo tàng tiền cổ Quảng Tây (Trung Quốc), đã giúp Bảo tàng Tổng hợp Bình Định phân loại sưu tập tiền cổ hiện lưu giữ. Ông Khang nhận xét: “Đây là một bộ sưu tập tiền cổ phong phú về niên đại, đa dạng về loại hình”.

 

Một số kiểu tiền “Quang Trung thông bảo” và “Cảnh Thịnh thông bảo” trong sưu tập tiền cổ của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.

 

Ở Bình Định, tiền cổ đã được tìm thấy trong các hũ chum chôn dưới đất và phần lớn số tiền này đã được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Bảo tàng Quang Trung thu thập đưa về kho bảo quản. Đa phần là tiền Trung Quốc, tiếp đến tiền Việt Nam, tiền Trung Quốc do Việt Nam sản xuất, tiền Nhật Bản và tiền Đông Dương.

Tiền Trung Quốc có niên đại sớm nhất trong sưu tập tiền cổ ở Bảo tàng Tổng hợp là tiền Ngũ thù (nhà Hán, 206 TCN - 191 SCN), loại tiền này rất dễ nhận dạng do có lỗ vuông rất rộng. Tiếp đến là tiền nhà Đường (621 - 871), có rất nhiều kiểu loại, nhưng phổ biến nhất là loại tiền Khai Nguyên thông bảo (713-741). Chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong sưu tập là loại tiền Bắc Tống (960 - 1127), có rất nhiều niên đại và kiểu loại phong phú như: Thái Bình thông bảo (976 - 983), Nguyên Phong thông bảo (1078 - 1085), Đại Quang thông bảo (1107 - 1110), Tuyên Hòa thông bảo (1119 - 1125)… Ngược lại, loại tiền Nam Tống (1127 - 1279) chiếm tỷ lệ rất ít trong sưu tập. Cùng thời với Nam Tống còn có tiền của nhà Kim (1115 - 1237), cũng chiếm số lượng rất ít trong sưu tập. Ngoài ra, trong sưu tập này cũng có một số loại tiền Trung Quốc muộn hơn như tiền Minh: Vạn Lịch thông bảo (1573 - 1619), tiền nhà Thanh: Thuận Trị thông bảo (1644 - 1660), Khang Hi thông bảo (1661 - 1722)…

Tiền Việt Nam trong sưu tập tiền cổ của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, ngoài các loại tiền của nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn còn có một số loại tiền sớm thuộc niên hiệu nhà Lê như: Thiệu Bình thông bảo đúc đời Lê Thánh Tông (1434 - 1442). Đây là loại tiền khá tiêu chuẩn trong tiền cổ Việt Nam. Tiền Đại Hòa thông bảo đúc đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459), Vĩnh Thọ thông bảo đúc đời Lê Thần Tông (1619 - 1662) với rất nhiều loại. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725 - 1738), Việt Nam sản xuất một số loại tiền của Trung Quốc và những loại này cũng có trong sưu tập của Bảo tàng Tổng hợp như: An Pháp thông bảo, Sứ Nguyên thông bảo, Tường Nguyên thông bảo, Nguyên Phong thông bảo, Thiên Thánh nguyên bảo, Thánh Nguyên thông bảo, Nguyên Hội thông bảo, Trị Thánh nguyên bảo, Thiệu Bình thánh bảo, Tường Phù thông bảo…

Bên cạnh tiền Trung Quốc, Việt Nam, sưu tập tiền cổ Bảo tàng Tổng hợp còn có một số loại tiền Nhật Bản như: Nguyên Phong thông bảo, Hy Ninh nguyên bảo, Nguyên Phù thông bảo, Tường Phù nguyên bảo, Thiệu Thánh nguyên bảo, Trị Bình thông bảo… và một số loại tiền Đông Dương (1885 - 1945).

Các nhà khảo cổ học trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khi nghiên cứu về một xã hội cổ đại không thể không chú ý đến tiền cổ. Việc nghiên cứu các di vật này sẽ góp phần quan trọng cho sự giám định di vật, hoặc di tích được khai quật. Ngoài ra, tiền cổ cũng phần nào phản ánh được chính trị, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, xã hội thời bấy giờ.

Ông Hùng Bảo Khang cho biết: Ở Trung Quốc, các bảo tàng tiền tệ được xây dựng nhiều đã kích thích việc sưu tầm nghiên cứu, tìm hiểu tiền tệ. Chẳng hạn, chỉ riêng tỉnh Quảng Tây cũng có hàng chục bảo tàng trưng bày tiền tệ. Thiết nghĩ, ở Bình Định, để kích thích việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu tiền cổ, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cần có phòng trưng bày tiền cổ.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)
Tiếng quê hương  (25/06/2006)
Làng lưới gõ  (25/06/2006)
Hậu quả cơn bão số 1: Nỗi đau còn ở lại  (25/06/2006)
Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa  (25/06/2006)
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)
Thơ  (25/06/2006)
Những người "mê" đá  (25/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (25/06/2006)
Hoa tan vỡ  (25/06/2006)