Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát
17:41', 26/7/ 2006 (GMT+7)

* “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”

Âm nhạc tuồng là vốn quý, bởi nó được vun bồi bởi rất nhiều thế hệ nghệ sĩ và đã đi cùng với sự tồn tại qua hàng trăm năm của bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng, truyền thống là tiếp nối. Do vậy, nếu cái mới ra đời, gắn quyện với vốn truyền thống và được khán giả chấp nhận thì tự thân cái mới ấy rồi sẽ trở thành truyền thống. Khi đã xác định vậy, những người làm công tác âm nhạc ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã thực hiện sự nghiệp kế thừa vốn âm nhạc tuồng truyền thống với thái độ vừa hết sức tôn trọng vốn cổ, nhưng vẫn mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo để bồi đắp cho vốn ấy được phát triển. Những người làm âm nhạc tuồng quan niệm, phải hiểu được cái hay, cái đẹp của âm nhạc tuồng để kế thừa, gìn giữ; phải biết đặc điểm, tính chất của âm nhạc truyền thống để lấy đó làm cơ sở cho sự phát triển.

 

Tiếng trống chầu cổ vũ các nghệ sĩ biểu diễn tuồng. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Trên thực tế, việc kế thừa âm nhạc tuồng, gồm cả đàn và hát, vừa diễn ra theo dạng truyền nghề thực thụ, tức thầy thị phạm cho trò từng tiếng hát, từng ngón đàn; đồng thời kết hợp với phương pháp khoa học thông qua giáo trình, giáo án. Người thầy ở đây, vốn là những nghệ sĩ, được học hành kỹ lưỡng, vừa trực tiếp biểu diễn nghề, vừa trực tiếp truyền dạy nghề. Với cách làm ấy, âm nhạc tuồng sẽ được kế thừa một cách nghiêm túc, vừa mang tính hệ thống, có lý luận; vừa có kinh nghiệm thực tiễn. Điều này cũng có nghĩa là qua đó, vốn âm nhạc tuồng đã được kế thừa, bảo tồn với đầy đủ những nét đặc trưng riêng biệt của nó.

* Phát triển để làm giàu truyền thống

Trong âm nhạc truyền thống, tuy vẫn có đầy đủ những bài bản miêu tả các tâm trạng khác nhau hỷ, nộ, ái, ố, lạc, nhưng vì đây chỉ là những bài bản mang tính khái quát chung, nên sẽ không thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của tâm trạng. Do vậy, cho dù nghệ sĩ có cải biến, nhưng cũng chỉ dừng lại ở ứng diễn chứ chưa phải là sáng tác.

Phát triển âm nhạc tuồng là bồi đắp để làm đẹp, làm giàu truyền thống, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc đem cái lạ, cái vay mượn từ bên ngoài. Do vậy, phát triển thường có ba cách. Một là trên cơ sở giai điệu cũ rồi đưa lời mới vào (nếu là hát). Hai là từ một mô típ nhạc truyền thống phát triển lên. Ba là không dùng một yếu tố cụ thể nào mà chỉ dựa vào âm hưởng các bài bản cũ để sáng tác mới. Làm theo cách một thì sự phát triển rất hạn chế, chỉ dừng lại ở kiểu “bình cũ rượu mới” nên trên thực tế, ít được vận dụng. Cách hai và cách ba được những người làm âm nhạc truyền thống vận dụng thường xuyên hơn.

Đồng thời, từ năm 1960 trở đi, thông qua việc sáng tác nhạc cho vở Chị Ngộ, việc phát triển âm nhạc tuồng bắt đầu chuyển sang một cách thức khác mạnh mẽ là sáng tác nhạc mới cho tuồng. Lúc đầu chỉ dừng lại ở việc viết nhạc phục vụ cho tả cảnh, tâm trạng, về sau viết thêm nhạc đệm cho các đoạn nói lối súc tích quan trọng. Khoảng 20 năm trở lại đây, việc sáng tác ca khúc cho tuồng được chú ý tăng cường như một yêu cầu tự nhiên và tất yếu.

Đi đôi với sáng tác nhạc, biên chế dàn nhạc tuồng cũng được bổ sung. Ngoài trống chiến, có thêm trống cơm, trống cái, trống bản, trống bồng, mõ lớn, mõ nhỏ, thanh la, não bạt, cồng chiêng, chuồng chìa, tang đẩu. Bộ hơi ngoài kèn tiểu có thêm kèn rung, kèn đại, sáo, tiêu, khi cần sử dụng cả tù và. Bộ dây ngoài đàn nhị có thêm nhị 2, hồ tiểu, hồ trung, hồ đại. Ngoài ra, dàn nhạc tuồng đã có thêm bộ gẩy với đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, có vở còn dùng cả đàn tơrưng, tỳ bà... Do vậy, âm lượng dàn nhạc được tăng cường, khả năng biểu hiện của âm nhạc tuồng phong phú, hiệu quả hơn. Song song với việc làm này, việc phối âm, phối khí cho nhạc tuồng cũng được đặt ra để đáp ứng yêu cầu.

* Cải tiến ngay với các làn điệu?

Theo đánh giá chung, những gì đã làm được với âm nhạc tuồng thời gian qua là thành công. Trên thực tế, việc phát triển âm nhạc tuồng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả. Nhiều bản nhạc, bài hát sáng tác mới đã được ghi nhận như là một bộ phận của âm nhạc tuồng chính thống.

Tuy nhiên, trong việc kế thừa và phát triển âm nhạc tuồng vẫn còn một số vấn đề cần nhìn nhận, trao đổi. Trước hết, có một số sáng tác nhạc cho tuồng nhưng chưa mang đậm tính chất nhạc tuồng. Đây là vấp váp của một số nhạc sĩ chưa am tường âm nhạc tuồng, dù kiến thức chung về âm nhạc có thể khá cao. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói, phải mất ba năm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhạc tuồng mới có thể nhận lời viết nhạc cho tuồng. Ngược lại, một số nhạc sĩ tuy xuất thân là nhạc công giỏi, nhưng kiến thức về khoa học âm nhạc lại ít, bút pháp còn non yếu, lại bị nhạc cổ thấm vào máu thịt, nên khi làm nhiệm vụ một tác giả âm nhạc thì trở nên lúng túng, chưa thoát ra được bức tường xưa.

Bên cạnh đó, lâu nay, việc phát triển âm nhạc tuồng chủ yếu là phát triển nhạc không lời, tức sáng tác nhạc nền, nhạc cảnh và một số ca khúc mang tính bổ trợ. Còn với các làn điệu chính trong tuồng và phần nhạc đệm cho từng làn điệu ấy vẫn “trước bày, nay làm”. Nếu không cải tiến, phát triển liệu có được sự hài hòa chung hay vẫn lộ rõ ranh giới nhạc sáng tác mới với nhạc cổ truyền ?

  • NSƯT Đào Duy Kiền

Đặc trưng của âm nhạc tuồng

Giữa nhạc đàn và nhạc hát có tính độc lập tương đối, giai điệu bài hát khác với giai điệu bài đàn nhưng lại hỗ trợ nhau thành một thể thống nhất có cùng cung bậc và âm điệu.

Cấu trúc giai điệu hát thuộc cấu trúc mở, không quy định chặt chẽ như ca khúc mới, có thể kéo dài hoặc rút ngắn trường độ, nâng cao hay hạ thấp cao độ hoặc có thể thay đổi tiết tấu và ngưng nghỉ những chỗ muốn dụng ý để miêu tả tâm trạng, hoàn cảnh, tính cách nhân vật mà không sợ nhạc đệm làm lỡ nhịp.

Làn điệu chính trong tuồng không nhiều nhưng lại rất phong phú, bởi từ một làn điệu người nghệ sĩ có thể cải biến thành nhiều làn điệu khác để ứng dụng vào các trường hợp khác nhau.

Chất bi hùng là tính chất của tuồng, trong đó có nhạc tuồng. Mạnh mẽ trong thể hiện khí tiết hay phấn khích, và ngay cả khi thể hiện đau buồn cũng bạo liệt vô cùng.

Các điệu lý dân gian được nghệ thuật tuồng tiếp thu và sử dụng xen kẽ các làn điệu chính thống, để tô điểm. Tuy nhiên, không lạm dụng, làm mờ đi đặc trưng cơ bản của âm nhạc tuồng.

Dàn nhạc tuồng có ba nhạc cụ đặc trưng là trống, kèn, nhị, đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ diễn trình sân khấu.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)
Tiếng quê hương  (25/06/2006)
Làng lưới gõ  (25/06/2006)
Hậu quả cơn bão số 1: Nỗi đau còn ở lại  (25/06/2006)
Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa  (25/06/2006)
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)
Thơ  (25/06/2006)
Những người "mê" đá  (25/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (25/06/2006)