Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !
18:2', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Sở dĩ, các nhà khoa học nhận định bệnh trầm cảm rất nguy hiểm bởi nhiều lý do. Hầu như ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm nhưng khó nhận biết. Bệnh dễ khỏi nhưng thường không được điều trị đúng mức. Nếu người bệnh không điều trị kịp thời thì rất dễ có ý nghĩ và hành vi tự sát.

 

Làm việc căng thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trầm cảm ở nữ giới. (Ảnh có tính chất minh họa)

 

* Phụ nữ gấp đôi nam giới

Anh Nguyễn Thành P., 27 tuổi, đang làm việc bình thường thì được điều chuyển sang một công ty khác làm quản đốc với mức lương khá hậu hĩnh. Ở vị trí mới, anh P. luôn luôn cảm thấy bị áp lực công việc đè nặng. Ở bất cứ nơi đâu, lúc nào, trong giấc ngủ hay những phút hiếm hoi thư giãn cùng bạn bè anh đều nghĩ về công việc. Cho đến một ngày, anh P. không thể giải quyết được mớ công việc bề bộn. Kết quả, ý nghĩ này chồng lên ý nghĩ kia, công việc này chồng lên công việc kia. Đầu óc luôn luôn căng thẳng, tình trạng mất ngủ cũng bắt đầu xuất hiện, thể trạng và tinh thần anh ngày càng suy sụp. Nghe lời khuyên của mọi người, anh đến phòng mạch bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám. Kết quả, bác sĩ khẳng định anh bị trầm cảm.

Đó là một trong những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm. Bác sĩ Huỳnh Văn Phương, Trưởng khoa Điều trị II, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Định, cho biết: “Tất cả mọi lứa tuổi đều dễ mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều gấp đôi nam giới. Nguyên nhân là do nữ giới có nhiều giai đoạn đặc biệt hơn nam giới”.

Chị Cù Thị H., 37 tuổi, làm nghề nông và nội trợ ở nhà. Cách đây một năm, chị thường xuyên mất ngủ, có khi kéo dài cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với ai. Vẻ mặt chị lúc nào cũng buồn bã, chán nản. Thậm chí, càng ngày chị càng đâm ra trái tính trái nết, dễ cáu gắt và bực tức vì những chuyện không đâu. Người nhà thấy chị như thế, hoảng quá phải đưa chị vào điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Định.

Đối với phụ nữ, sự tác động của môi trường sống khá nặng nề cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Chị Lê Thanh M., 26 tuổi, là công chức của một cơ quan hành chính nọ. Công việc của chị khá bận rộn. Trước đây, chị thường hay quên có khi là quên chìa khóa, quên đóng cửa, quên điện thoại di động, quên tắt bếp ga… Chị chỉ nghĩ đơn giản “đó là do công việc nhiều”. Đến thời điểm sinh con, cái sự hay quên của chị ngày càng nặng nề và trầm trọng hơn.

* Cực kỳ nguy hiểm!

Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Định, thống kê một cách tương đối: 23% số người bị trầm cảm mà không biết và 6% bắt buộc phải vào viện vì bệnh nặng, trong khi đó con số bệnh nhân bị trầm cảm kết hợp với các bệnh khác nhiều hơn nữa.

 

Để phòng chống bệnh trầm cảm cần xây dựng lối sống lạc quan, lành mạnh.

 

Bệnh trầm cảm có thể đến với bất kỳ người nào. So với các dạng bệnh tâm thần khác, bệnh trầm cảm rất phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế, số bệnh nhân phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị kịp thời lại rất ít. Trong 10 năm (1996-2005), Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Định điều trị nội trú cho hơn 10 ngàn bệnh nhân, nhưng chỉ có 529 bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, chiếm tỉ lệ 5,18%. Một dẫn chứng cụ thể, năm 2005, bệnh viện điều trị chỉ vẻn vẹn có 3 bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm trong tổng số 1.307 bệnh nhân. Và 6 tháng đầu năm 2006, bệnh viện chưa điều trị nội trú cho một bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm nào.

Theo bác sĩ Phương, sở dĩ có tình trạng này là do sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh trầm cảm còn ít. Các triệu chứng bệnh trầm cảm đôi khi mờ nhạt nên người bệnh khó nhận biết. Trong khi đó, nhiều người biết bệnh lại chủ quan, chỉ đến các bệnh viện đa khoa hoặc phòng mạch tư mà ngại đến… bệnh viện tâm thần để điều trị. Một khảo sát của Viện Sức khỏe Tâm thần Việt Nam trên bệnh nhân thuộc các khoa: Lây, Thần kinh, Lão khoa, Nội tổng quát tại một số bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh,  cho thấy: có khoảng 60-80% số bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm đơn độc hay kết hợp. Thực tế cũng chứng minh, bệnh nhân chỉ điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần trong trường hợp có các triệu chứng rối loạn hành vi (những động tác, hành động kỳ dị, suy nghĩ bất thường, tư duy không theo logic…).

Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, những người mắc bệnh trầm cảm thường có các triệu chứng: cảm thấy buồn, xuống tinh thần mà không có lý do; thiếu năng lượng, cảm thấy không thể làm bất cứ điều gì; không có hứng thú với nhiều thứ; thiếu nhiệt huyết trong quan hệ bạn bè và người thân; cảm thấy chán chường, bất an, dễ nổi cáu; giảm khả năng tập trung; giảm cân một cách bất thường; khó ngủ và mệt mỏi; cảm thấy tội lỗi và vô dụng; bi quan và thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc muốn tự tử…

Sự nguy hiểm của bệnh trầm cảm còn thể hiện ở chỗ bệnh có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng. Nếu bệnh tiếp tục kéo dài, không được điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến hành vi tự sát.

Nguyễn Thế T., 25 tuổi là một thanh niên khỏe mạnh. Mùa World Cup 2006, trong một lần thua độ, T. đã đem chiếc xe của cha mình “gán” độ 1,5 triệu đồng. Xót của, lại nóng tính, cha của T. đã mắng cậu con trai. T. buồn rầu, nghĩ rằng cha không thương mình, lại thêm cảm giác tội lỗi nên đã tự thiêu bằng xăng. Khi bà con làng xóm phát hiện ra, đưa xuống BVĐK tỉnh thì T. đã chết.

Trong đề tài “Nhận xét các trường hợp tự sát điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội, BVĐK tỉnh năm 2005-2006”, bác sĩ Châu Văn Tuấn khẳng định: trong 52 trường hợp tự sát có nhiều bệnh nhân xuất phát từ bệnh trầm cảm.

* Xây dựng lối sống lạc quan, lành mạnh

Bệnh trầm cảm được điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh được điều trị bằng thuốc và kết hợp liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, do thời gian điều trị kéo dài (6 tháng) nên việc duy trì thuốc đúng liều, đúng thời gian quy định là rất quan trọng.

Bác sĩ Châu Văn Tuấn cho biết: “Bệnh trầm cảm liên quan đến vấn đề cảm xúc, có thể do sức ép tâm lý, sức ép từ bên ngoài, nhưng cũng có thể do nội sinh. Do đó, để tránh mắc phải bệnh trầm cảm, mỗi người nên tạo ra một cuộc sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời”. Người bệnh cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống, có nhân cách vững vàng trước mọi thử thách. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị cho mình những kiến thức về bệnh lý tâm thần, không nên mặc cảm giấu bệnh.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)
Tiếng quê hương  (25/06/2006)
Làng lưới gõ  (25/06/2006)
Hậu quả cơn bão số 1: Nỗi đau còn ở lại  (25/06/2006)
Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa  (25/06/2006)
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)
Thơ  (25/06/2006)