Sóng vỗ lòng ai
18:12', 26/7/ 2006 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt

                          Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Lão Tuân nâng niu tập bản thảo trên tay, mắt ngời niềm vui, lòng tràn sung sướng. Lão ngắm trang bìa xanh dìu dịu, phảng phất hương thơm dễ chịu; trên đó nổi bật tựa đề “Tìm hiểu văn hóa làng của người Việt” cùng tên tác giả. Chưa bao giờ lão đọc sách một cách say sưa, thích thú đến thế mà đây lại mới chỉ là bản thảo. Nhưng đây là cuốn sách đầu đời của Phúc - con trai lão, nên nó khiến sự thỏa chí trong người cha thăng hoa, ngây ngất. Lão tự vuốt ve nhằm kéo dài cảm giác ngọt ngào, hả hê ngập tràn lòng mình bằng cách thầm đối thoại: “Đúng là cha mẹ cú đẻ con tiên!”, “Con hơn cha nhà có phúc, phải thế chứ!”. Nén lòng vui khấp khởi muốn bật nên nhạc, cất thành thơ, lão nhìn con trìu mến: “Tiếp theo, con tính sao?”. Thay vì đáp lại điều ba muốn biết, chàng trai hỏi thẳng: “Ba thấy nội dung thế nào?”. Lão cười thế cho trả lời, mặc con ngước lên chờ đợi. Không thể im lặng được nữa, Phúc trình bày dự định bằng giọng từ tốn: “Con sẽ nhờ các thầy và những bậc đi trước am hiểu lĩnh vực này đọc và góp ý. Ba có quen ai nghiên cứu về văn hóa, phong tục không?” Lão lắc đầu, quay mặt nhìn ra khoảng sân đầy nắng.

* * *

Câu hỏi của con trai khiến lão Tuân chợt nhớ người bạn đã xa. Anh tên Chỉnh, chỉ là nhà văn do bạn bè mến thương, hào phóng phong cho, nhưng viết được khá nhiều: làm thơ, viết truyện, viết phê bình… sân nào anh cũng đá tuốt. Tất nhiên, tên anh chỉ mới như nốt lặng, dấu ba chấm trên diễn đàn văn học nước nhà. Hai người thân nhau từ độ mới qua vòng thơ bé, khi cùng làm việc ở cơ quan bảo vệ an ninh. Ngày ấy, Tổ quốc vừa thống nhất và đang trải những ngày bát cơm không độn mì là ước mong không hiện thực của bao nhà. Bây giờ, xem lại ảnh chụp thời đó, lão thấy ai cũng gầy, lạ đến nhận không ra. Trong những tấm ảnh ấy bao giờ đôi bạn Tuân, Chỉnh cũng bên nhau. Họ thân đến độ lòng dạ như bình thông nhau, có lẽ ngoài chuyện ngủ với vợ, họ chẳng giấu nhau điều gì. Lão là người đầu tiên đọc những bài viết chưa ráo mực của bạn. Rồi khi lão bị tai nạn xe máy, chính dòng máu của người bạn ấy đã kéo lại sự sống đang trượt về cõi chết cho lão.

Tình thân giữa hai người sẽ song hành cùng năm tháng nếu họ mãi trong đội hình hàng ngang của cuộc đua giữa trường đời. Khi Chỉnh tách tốp, vượt lên, (tức từ trợ lý được bổ nhiệm phó phòng) thì mầm xa cách giữa họ bắt đầu thai nghén. Cũng nâng cốc cùng những lời “có cánh” mừng bạn, nhưng nỗi buồn khó cắt nghĩa bỗng len lén gặm nhấm cõi lòng, khiến lão bứt rứt không yên. Thay vì phóng khoáng, xuề xòa như thường có, lão bất ngờ chừng mực, xét nét người bạn một thời thân thiết. Những lời vu vơ ngoài cuộc của lão kể lể khuyết tật của anh phó phòng phần nào khiến uy tín anh sút giảm nhưng lại cho lão hả lòng. Nụ cười nửa miệng cùng những cái chậc lưỡi bí hiểm của lão khi nhắc đến người bạn ấy chính là bộc lộ sự yếu đuối đang bị dồn nén trong lòng. Sao lại thế? Lắm lúc lão sực tỉnh, tự vấn, cay đắng thấy không còn kiểm soát được chính mình. Thiếu tự tin, thừa ganh ghét? Lão không dám nhận điều ấy, đành ngụy tạo lý do khác để cắt nghĩa cho sóng ngầm của lòng mình, những mong lương tâm được xoa dịu.

Khi Chỉnh được đưa vào nguồn cán bộ lãnh đạo cao hơn, được dự kiến vào cấp ủy khóa mới trong kỳ đại hội tới thì rắc rối đến với anh. Một cú điện thoại mơ hồ gọi tới thủ trưởng cơ quan mách rằng bố vợ Chỉnh có chiến tích bất hảo khi xỏ nhầm giày địch. Cơ quan bảo vệ kiểm tra xác minh, kết luận lời tố cáo trên chỉ đúng một phần và Chỉnh khó biết vết đen ấy bởi bố mẹ vợ bỏ nhau khi vợ anh chưa ra đời. Chỉnh phờ phạc như thân cây vừa qua cơn bão lớn. Có lẽ đoán biết người đạo diễn cú điện thoại kia nên anh đã chối từ sự an ủi của lão. Khi lão vỗ vai bạn: “Dù sao tình thân giữa hai ta cũng không thể mất”, Chỉnh chua chát: “Tôi buồn lắm nhưng chính lúc này tôi hiểu góc hẹp của lòng người!”. Nhìn dáng mệt mỏi của bạn khuất dần sau hàng cây kiểng, lão trào lên xót xa, ái ngại. Lạ thế, lòng ơi! Khi thấy người hơn mình thì nặng trĩu ưu tư và lúc người gấp gãy thì đãi bôi vài lời xót thương trong cảm giác dễ chịu!.

Từ ngày Chỉnh nghỉ hưu non, lão biết tin về anh qua bạn bè. Để phụ vào đồng lương còm, cùng với gánh hàng xén của vợ, lúc đầu anh sống bằng nuôi heo và chim cút. Phố phường chật hẹp, mùi hôi từ chuồng trại khiến bà con xung quanh khó chịu nên anh giải nghệ, đi làm bảo vệ rồi anh chuyển qua trông xe cho nhà hàng. Một lần, lão cùng đồng nghiệp gặp nhau cuối tuần ở quán, tình cờ gặp Chỉnh. Anh gầy đen đi nhiều, nhưng nụ cười vẫn hết cỡ như xưa. “Hàng tiền đạo” sớm rụng gần hết nên anh cười trông thương thương. Lấy mũ lau vội mồ hôi ròng ròng trên mặt, anh hồ hởi bắt tay bạn cũ khắp lượt rồi lật đật quay sang đưa xe vào, dắt xe ra. Được mời cùng vui, anh “dzô, dzô” cấp tập mấy ly rồi đứng lên: “Tôi xin phép ra coi khách khứa sao đã”… Lão còn biết, đêm đêm anh vẫn lặng lẽ cùng trang viết. Lạ là mặc bao chuyện buồn, văn anh vẫn tràn đầy yêu đời, yêu người. Lão thường săm soi những sáng tác của anh trên báo nhưng chẳng thấy buồn chán ẩn sau trang viết như lão tưởng. Với giọng văn giản dị, trong sáng hẳn anh đã truyền được tin yêu, ấm áp của lòng mình đến với bao người. Đằng sau vẻ tự tin ấy phải chăng là bản lĩnh sống đến không ngờ - Lão tự hỏi, cảm thấy mênh mông trong hổ thẹn.

* * *

… “Sau khi được góp ý, con sẽ hoàn chỉnh bản thảo và gửi tới nhà xuất bản” - Lời con trai đưa lão Tuân về với thực tại. Lão trầm ngâm, khó nhọc lựa lời bàn góp cho con. “Theo ba, con chưa nên in sách lúc này”. Trước ánh mắt ngạc nhiên của con, lão bối rối, lúc lâu mới tiếp: “Con như cây non đã cho quả, dễ làm người khác chạnh lòng, con ạ”. “Con chưa hiểu ý ba”. Vẻ sốt ruột của người con lửng lơ trong im lặng. Làm sao lão có thể nói thẳng với con: thành công của người này chắc gì đem lại niềm vui cho kẻ khác. Ngay thầy dạy con lão, chưa hẳn ai cũng đã có công trình được in sách, họ sẽ nghĩ gì khi trò hơn thầy? Và bao điều éo le vẫn nhan nhản quanh ta đó thôi. Tiền bạc xông xênh, làm nhà to vật vã nhưng để tránh chòm xóm dị nghị, đành hạ mình theo kiểu: “Giật gấu vá vai, vay mượn lung tung, bác ạ!”. Lúa trúng đầy bồ, nhưng không muốn khơi gợi lòng ghen của kẻ khác, đành hư cấu: “Ngó tốt bời bời vậy chớ lép xẹp, anh ơi!”… Suy từ lòng mình, lão dự cảm xa xôi bao khuất tất của lòng người. Không thể giãi bày cùng con, lão ngồi lặng trong mừng, lo phấp phỏng.

Nỗi niềm ấy càng dâng đầy khi lão cầm cuốn sách vừa in xong của con trai. Líu ríu mở từng trang, lòng lão rộn niềm vui khó tả. Gạt tự ái thường có của người cha khi thấy con không vâng lời, lão liên tưởng tương lai tốt đẹp đang chờ người con yêu của mình. Vậy là con đã làm được điều mà cha không thể. Biết đâu, rồi ngày kia, cả dòng họ, quê hương này được vinh danh rạng rỡ bởi đã sinh một người con tài hoa. Ý nghĩ ấy chắp cánh cho niềm vui của lão bay cao.

Theo lời con, lão Tuân tìm các báo in bài giới thiệu tác phẩm mà con trai lão có được sau bao vất vả. Hầu hết là khen, là cảm nghĩ tốt đẹp của người đọc dành cho tác phẩm ấy. Tất nhiên, cuối bài phê bình, sau hai chữ “tuy vậy” người ta nêu vài điểm “lấy làm tiếc” bởi cuốn sách chưa đạt tới. Đến tác phẩm của đại văn hào còn thế, huống chi… - Lão tự an ủi. Có những bài viết khiến lão suy nghĩ không phải do nội dung mà bởi chính tên tác giả ghi bên dưới. Bài của thầy dạy con lão có đoạn: “Tôi vừa thẹn vừa mừng khi cầm trên tay cuốn sách anh Phúc đề tặng. Thẹn vì mấy chục năm nghiên cứu giảng dạy, tôi chưa làm được điều như người học trò mình đã làm. Nhưng còn gì vui hơn khi thấy trò hơn thầy! Tôi mong anh sớm vượt qua chính mình để có những đỉnh thành công mới”. Lão bất ngờ đến sững sờ khi đọc bài “Cần nâng niu mầm tài năng ấy” của người bạn từng cho máu cứu lão năm xưa. Với giọng văn trầm ấm, phân tích sâu, bài viết nêu bật giá trị cuốn sách mà lão luôn giữ bên mình, cả khi ngủ: “Đây là cuốn sách hay, rất đáng quý. Càng quý hơn khi tôi biết tác giả của nó đang là sinh viên”.

Chẳng phải vui, cũng không còn nghĩ về con trai và tác phẩm của nó, những dòng cuối trong hai bài viết khiến lão giật mình. Lòng lão như có sóng, những con sóng sinh ra từ hướng khác.

  • N.T.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)
Tiếng quê hương  (25/06/2006)
Làng lưới gõ  (25/06/2006)
Hậu quả cơn bão số 1: Nỗi đau còn ở lại  (25/06/2006)
Bình Định trước nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa  (25/06/2006)
Những trường học tiếng Anh trên mạng  (25/06/2006)