Một câu chuyện thật 100% mang tính điển hình về một làng quê vùng biển vốn yên bình với cuộc sống thật giản dị: những nam ngư dân thường ra khơi bám biển dài ngày, để lại những người vợ nơi quê nhà yên phận chờ chồng. Trong những chuyến đánh cá xa nhà, các nam ngư dân thường đối mặt với sự thiếu thốn tình cảm và những thú vui. Những cạm bẫy từ sex và ma túy sẵn sàng giăng đón họ. Và bóng ma HIV đã rập rình quanh làng biển. “Những chuyến xe mùa trăng” của các bà vợ ngư phủ đã giải quyết được phần nào vấn nạn này.
|
Xe khách Vũng Tàu đón các bà, các chị ở Hoài Hương đi “thăm” chồng.
|
* Một câu chuyện buồn
Người dân miền biển suốt dọc miền Trung có tập quán từ xưa nay: đàn ông luôn là rường cột, luôn ra ngoài lao động nuôi sống gia đình và chủ động trong mọi tình huống. Còn đàn bà luôn là những người phục tùng chồng, có trách nhiệm ở nhà lo nội trợ, nuôi con cái và hầu như ít khi ra khỏi làng.
Phạm Thị Lụa (1980), quê ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn- một cô gái trẻ đẹp có cuộc sống yên bình, hạnh phúc với người chồng ngư phủ và đứa con gái nhỏ ở một làng chài, thuộc đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lụa bất ngờ bị phát hiện có HIV khi chồng cô qua đời vì AIDS. Lụa phải trải qua những ngày hãi hùng trong sự khinh miệt, xa lánh của làng xóm phía nhà chồng. Cha mẹ của Lụa đã đưa con gái về Hoài Hương cưu mang.
Sự xuất hiện của “Lụa- Siđa” đã làm cho làng chài yên bình bị xáo trộn dữ dội. Dân làng lúc này hầu như hiểu biết rất ít về HIV/AIDS, nên hoang mang lo lắng và xa lánh gia đình Lụa. Nhiều người mong muốn cách ly Lụa khỏi làng để không làm lây bệnh cho những người chung quanh. Gánh bánh canh sáng - nguồn thu nhập chính của gia đình Lụa - không còn ai dám đến ăn, bản thân Lụa không dám ra khỏi nhà. Cả gia đình sống trong uất ức và buồn thảm. Trước sự bế tắc của gia đình, cha Lụa nghĩ ra một lối thoát: đưa con đến Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (TTGD- LĐ- XH) tỉnh Bình Định, với hy vọng Lụa sẽ được chăm sóc tốt và gia đình cũng thoát khỏi sự kỳ thị của xóm làng. Khốn khổ thay, TTGD - LĐ - XH chỉ là nơi tiếp nhận giáo dục những người thuộc thành phần tệ nạn xã hội như gái mại dâm, nghiện ma túy chứ không phải là nơi nuôi dưỡng người có HIV bình thường, không vi phạm pháp luật như Lụa. Một hy vọng vừa mới lóe lên đã vội tối sầm trước mắt 2 cha con.
Trở về làng quê, Lụa và gia đình tiếp tục sống trong sự ghẻ lạnh của người đời. Rồi một ngày không chịu nổi sự kỳ thị của xóm làng, Lụa quyết định trốn đi thật xa, với mong muốn tìm được việc làm ở một nơi không ai biết là mình có HIV. Sau một tuần lễ lang thang ở Sài Gòn, cô gái không tiền bạc, không nghề nghiệp đành tìm cách quay về khi không thể tìm được việc làm. Mọi cánh cửa dường như càng đóng chặt hơn mỗi khi Lụa đi tìm lối thoát. Trên đường trở về nhà, Lụa bị những người đàn ông lừa gạt, chiếm đoạt và đưa đến làm gái bán hoa ở một quán Karaoke-mại dâm. Vài tháng sau, Lụa bị lực lượng phòng chống tệ nạn bắt và đưa vào TTGD-LĐ-XH.
* Chống cự với AIDS bằng...
Không thể để người dân mãi thiếu thông tin và mất cảnh giác với HIV, ở Hoài Hương, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương bắt đầu vào cuộc. Người dân (chủ yếu là phụ nữ) được tuyên truyền kiến thức về HIV. Biện pháp mà người tư vấn đưa ra là: để phòng tránh lây nhiễm HIV, phụ nữ nên sử dụng bao cao su trong quan hệ với chồng và cung cấp bao cao su cho chồng trong các chuyến đi biển xa. Hầu hết chị em phụ nữ đã phản đối biện pháp này vì cho rằng chấp nhận dùng bao cao su là chấp nhận cho những mối quan hệ “ngoài vợ, ngoài chồng” của đàn ông. Tuy nhiên, khi nghe nói ở các cảng cá, những cô gái bán hoa luôn giăng bẫy đón những ngư dân đang xa vợ, lại sẵn tiền mỗi khi tàu cập cảng, thì các bà vợ đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ thực sự của căn bệnh AIDS. Câu chuyện đau lòng của Lụa khiến tất cả chị em cùng suy nghĩ: nếu các bà vợ cứ tiếp tục bỏ mặc chồng xa nhà, để chồng một mình đương đầu với những cám dỗ nơi cảng xa, thì khó có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra!
* Cuộc hội ngộ bất đắc dĩ
Lần thứ 2 gặp lại Lụa, bà Nguyễn Thị Kim Cúc- Giám đốc TTGD-LĐ-XH Bình Định đứng trước một sự thật trớ trêu: cô gái đáng thương có HIV mà bà không thể thu nhận vài tháng trước, vì “không đủ tiêu chuẩn” thì nay đã phải vào TTGD-LĐ-XH một cách bắt buộc! Cái giá phải trả để có được “Giấy thông hành” vào đây đối với Lụa sao mà cay đắng đến vậy!
Tại TTGD-LĐ-XH Lụa bắt đầu một cuộc sống mới trong khuôn khổ kỷ luật lao động và học tập. Lần đầu tiên Lụa được bình tĩnh nghe giảng giải về HIV và những căn bệnh lây truyền của nó. Sống trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc của cán bộ Trung tâm, cùng sự đồng cảm của các học viên, sau hơn 2 năm ở TTGD-LĐ-XH, Lụa đã có nhiều thay đổi trong nhận thức. Lụa quyết định sẽ kể lại câu chuyện đời mình trước công chúng vào một ngày không xa.
|
Chị Phạm Thị Lụa (thứ 3 từ trái qua) nhận quà lưu niệm trong buổi giao lưu “Vòng tay nhân ái” tại xã Hoài Hương.
|
* Những chuyến xe trăm dặm “thăm” chồng
Cuộc trở về của Lụa- một người công khai tình trạng có HIV với câu chuyện cuộc đời được kể ngay trên quê hương mình trong chương trình giao lưu “Vòng tay nhân ái” do TTGD-LĐ-XH Bình Định và Đội y tế dự phòng của huyện Hoài Nhơn tổ chức, đã làm cho cả làng chài bừng tỉnh và cảm thông cho Lụa nhiều hơn. Các bà, các chị đều có chung nhận xét: ngày trước nghe nói nhỏ Lụa bị Siđa ai cũng sợ, giờ gặp lại không còn sợ nữa mà lại thấy tội nghiệp, thấy thương, phải chi nó biết giữ chồng thì đâu đến nỗi khổ thế này! Và thực tế, các bà các chị ở Hoài Hương đã tìm được một cách thật hay để giữ chồng khỏi dính AIDS: vào mùa trăng tròn mỗi tháng, khi các ngư ông từ khơi xa đưa cá vào bờ, thì cũng là lúc các bà vợ khăn gói ra khỏi căn bếp quen thuộc, vượt gần nghìn cây số đến “thăm” chồng ở tận Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận... Trong suốt những chuyến lên bờ, được chăm sóc bởi tình cảm của vợ, các ngư phủ dường như tránh xa được những cạm bẫy của HIV (những điểm nóng liên quan đến sex và ma túy). Đa số các bà vợ ngư dân đều cho rằng cách làm ấy thật hiệu quả: vừa tế nhị lại vừa kiên quyết ngăn cản những bước chân sa ngã của các ông chồng.
Chị Năm Thơ, chị Sáu Hà ở thôn Thạnh Xuân, trong những “chuyến xe mùa trăng” đi thăm chồng, ngoài những túi thức ăn chuẩn bị cho chồng, các chị còn mua sẵn nhiều thuốc men và cả... bao cao su để đem vào cung cấp cho những chàng ngư phủ còn độc thân. Khi chúng tôi gợi ý những “chuyện tế nhị”, chị Năm Thơ, hơi ngượng một chút, nhưng cũng mạnh dạn trả lời: “Tụi tui giờ cũng đã bốn năm mươi cả rồi chuyện đấy cũng không nhiều ham hố nữa. Khi ổng vào cập bến nghỉ những ngày trăng, vợ chồng có nhau một tuần là đủ dui dẻ để ổng ra khơi trở lại. Bữa nay hầu như cảng cá nào cũng đầy thứ ăn chơi, để mấy ổng đi xa nhà mà không quản lý là dễ sinh bậy lắm!”.
Gặp chị Trần Thị An, ở thôn Thạnh Xuân Đông, vợ của chủ tàu Huỳnh Chói, đang neo đậu tàu tại Cà Ná (Ninh Thuận), chị vui vẻ tâm sự: “Khi ghe mấy ổng chuẩn bị cập bến là tụi tui đã rủ nhau cùng lên xe vào chờ trước. Mình vô vừa giúp mấy ổng bán cá, tính toán phí tổn, lại vừa tranh thủ chăm sóc chồng, có mình thì mấy ổng hổng dám đi sinh chuyện. Những ngày ở đây, các chú thanh niên độc thân lên bờ đi chơi là tụi tui nhắc nhở mang theo... dụng cụ an toàn”.
Như một lịch trình quen thuộc, hàng tháng đúng vào mùa trăng, những chuyến xe trăm dặm thăm chồng của các bà vợ ngư dân ở Hoài Hương lại lên đường. Cách ứng xử của các bà rất mộc mạc, thực tế nhưng dường như sự lựa chọn đó đã làm thay đổi tình thế: từ chỗ thụ động họ đã trở thành người chủ động trong phòng tránh AIDS. Ở Hoài Hương, bây giờ có đến 4 quán cà phê (mà chủ nhân là phụ nữ) đã tự nguyện trở thành điểm cà phê tư vấn AIDS, chuyên cung cấp miễn phí bao cao su và thông tin về phòng tránh AIDS cho khách hàng.
Riêng Lụa, giờ đây cô đang sống những chuỗi ngày thanh thản. Cô chỉ mơ ước kiếm được một việc làm có thu nhập, dành dụm chút vốn sau này cho cô con gái giờ đã lên 7 tuổi.
|