Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6
19:9', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Đó là ngôi nhà cấp 4 mới xây, nằm ven Quốc lộ 1, số nhà 476, khu phố An Kiều, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát. Thêm một “địa chỉ” cho trẻ mồ côi, tàn tật vừa được khánh thành…

 

                     Chăm sóc bữa ăn trưa cho các cháu.

 

1.

Sáng hôm ấy, anh Lê Sinh Thịnh (ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh) đã nghỉ một buổi sáng bán cà rem để chở cậu con trai giữa- cháu Lê Đức Quốc, 9 tuổi, học lớp 4 đến Mái ấm 1-6. Thằng em út cũng theo cha tiễn anh. Ba cha con trên chiếc xe đạp lọc cọc, mất hơn nửa tiếng mới đến nơi. “Rồi ba sẽ đến thăm con thường xuyên, đón con về nhà chơi”- người cha động viên con. Vợ anh Thịnh mất đã gần 5 năm- khi ấy đứa con út mới được 2 tháng tuổi, gà trống nuôi ba con, gia đình ngày càng nghèo thêm. Anh Thịnh đi bán cà rem, làm “thợ đụng” kiếm tiền nuôi con. Cả ngày, anh đạp xe chừng 30-40 cây số mới kiếm được 20.000 -25.000 đồng. Anh đi một mạch từ sáng đến chiều mới về. “Bữa trưa, có hôm anh em nó nấu cơm ăn, hôm thì ăn quà thay cơm. Tôi gởi cháu nó vào đây để có cơ hội được ăn uống, học hành đàng hoàng hơn”- anh Thịnh bộc bạch.

2.

Mái ấm tình thương 1-6 rộng trên 200m2, có 6 phòng. Mỗi phòng, dẫu được kê 3 giường cá nhân và 1 chiếc tủ gỗ nhưng vẫn còn khá rộng rãi, thoáng mát. Chị Lê Thị Hiền, chủ nhân của ngôi nhà số 476 đường Quang Trung- nay là Mái ấm tình thương 1-6, thủ thỉ: “Mọi chuyện giờ mới bắt đầu. Cứ thử nghiệm đã, rồi khi cơ sở phát triển lên chúng tôi sẽ có kế hoạch khác cho phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ huy động những người tình nguyện đến giúp một tay để cơ sở sớm đi vào ổn định”.

Từ hơn chục năm trước, vợ chồng chị Hiền định thành lập một mái ấm dành cho những trẻ bất hạnh, người tàn tật cơ nhỡ. Nhưng vì một số trở ngại về thủ tục nên ý định ấy vẫn chưa thể thành hiện thực. Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh, cuối cùng Mái ấm tình thương 1-6 cũng đã ra đời. Tụ họp lại những người cùng tâm nguyện, người 5 triệu, kẻ 10 triệu, người giúp công, họ cùng nhau xây dựng nên cơ sở. Không chỉ cho mượn ngôi nhà, vợ chồng chị Hiền còn bỏ ra 220 triệu đồng để xây dựng lại phòng ốc cho phù hợp với việc nuôi dạy trẻ. Vợ chồng chị Hiền hiện là chủ một cơ sở sản xuất nước mắm ngay tại Phù Cát.

3.

Trong buổi khánh thành hôm ấy, các tổ chức và cá nhân đã ủng hộ tính ra cũng trên chục triệu đồng. Những người bạn tâm huyết vì điều thiện đã cùng đến chia vui, góp thêm “của ít lòng nhiều”. Chị Phùng Thị Khánh Vân, hàng xóm gần đó tình nguyện giúp cơ sở, loay hoay với những cháu nhỏ từ sáng đến trưa. “Trước mình cũng học qua y tế, biết cách chăm sóc người đau mà. Người có của giúp của, người có công giúp công, cùng góp thêm những bàn tay nhỏ nâng đỡ cảnh đời bất hạnh”- chị Vân tâm sự. Hay như một người đàn ông- mà theo mọi người kể- thì gia cảnh có thể gọi là nghèo- cũng góp 100.000 đồng. Coi như là tấm lòng của tôi- anh nói. “Vậy là có thêm một địa chỉ nữa rồi….”- bà Lê Thị Minh Tâm- Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh vui mừng nói. Bước đầu, cơ sở nhận nuôi 10 cháu mồ côi và tàn tật trong huyện. Các cháu ở đây, được ăn uống, đi học miễn phí.

4.

Ông Nguyễn Văn Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban DS - GĐ&TE huyện Phù Cát cho biết, toàn huyện có 1.172 trẻ mồ côi và trẻ tàn tật, có nhiều trường hợp hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Một cơ sở tình thương tự nguyện như Mái ấm 1-6 tại thị trấn Ngô Mây sẽ là điểm tựa cho những gia đình bất hạnh ở trong huyện. Chị Nguyễn Thị Giàu (thôn Bình Đức, xã Cát Tân) có con trai là Nguyễn Công Đạt (14 tuổi) bị bại não từ khi mới sinh, bộc bạch: “Chẳng người mẹ nào lại muốn xa con cả. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, sau nó còn hai đứa em nữa. Trước giờ tôi chỉ ở nhà coi thằng Đạt, không phụ giúp thêm cho chồng. Giờ đây, ổng đau yếu luôn nhưng cứ phải gắng sức. Để ổng lao lực hoài, ổng mà nằm xuống, thì bốn mẹ con tôi biết nhờ ai. Chi bằng gởi cháu lên trên này, rồi tôi chạy lên chạy xuống với con”.

Tôi nhẩm tính trên đầu ngón tay: ngoài Trung tâm BTXH của tỉnh, Cơ sở Đồng Tâm thì Mái ấm tình thương 1-6 là cơ sở thứ ba nhận nuôi, dạy các trẻ mồ côi, người tàn tật miễn phí… Sẽ bớt đi nhiều mảnh đời bất hạnh nếu ngày càng có thêm những cơ sở xã hội từ thiện như vậy. Trong hành trình đem đến “điều thiện” cho người khác, họ vẫn rất cần sự hỗ trợ từ mọi phía.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)
Tiếng quê hương  (25/06/2006)