Vương vấn mùa sen cũ
19:17', 26/7/ 2006 (GMT+7)

* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Ở vùng quê tôi có nhiều đầm sen. Người dân quê tôi lời ăn tiếng nói lại khá phong phú. Cũng cái vũng trồng sen thôi, nhưng vũng trồng sen mênh mông ở giữa đồng thì gọi là đầm sen hay bàu sen, vũng trồng sen ở trước đình chùa thì gọi là hồ sen, còn cái vũng trồng sen nho nhỏ ở bên nhà, bên đường cái quan thì gọi là ao sen. Hoa sen có sen hồng, sen trắng, sen vàng và đều ngát hương.

 

Ảnh: Cát Hùng

Tôi có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với cái bàu sen làng quê mình. Cái bàu sen ấy rộng tới mấy mẫu đất, thông với một nhánh của con sông Côn chảy qua làng bằng một khúc mương nhỏ đầy bèo lục bình và lúc nào cũng nghe tiếng cá đớp lách tách dưới chân bèo. Mẹ tôi nghèo, quanh năm làm lụng trên cánh đồng làng. Buổi sáng, mẹ ra đồng, tôi và thằng Út lên năm ra ngõ nhìn theo bóng mẹ “chân nam đá chân chiêu” đi về phía bàu sen ở cuối đồng; buổi chiều thằng Út và tôi ra ngõ trông mẹ về, nhìn bóng mẹ từ phía bàu sen liêu xiêu trở về mà thương nỗi nhọc nhằn của mẹ. Mùa hè, có hôm tôi xin theo mẹ ra đồng để được nhìn ngắm bàu sen đang nở hoa.

Tôi còn nhớ ngày thơ, ngày hai buổi cắp sách đến trường. Lũ học trò trường làng chúng tôi đi trên đường cái quan, mắt nhìn những ao sen nở hoa ở hai bên đường và bảo nhau rằng hoa sen đang chào đón “những bước chân non chúng mình đi học”. Rồi mùa hè qua đi, sen tàn, ao sen trống trơn, lòng chúng tôi man mác buồn, chỉ còn biết chờ đợi mùa sen năm sau. Lớn lên một chút, tôi ra khỏi làng, đi học trường huyện, đi theo mẹ về ngoại, đi lễ chùa... Tôi gặp rất nhiều bàu sen và không còn chỉ yêu cái bàu sen ở làng mình mà còn yêu những bàu sen ở các làng khác. Tôi yêu cái hồ sen ở trước nhà cụ Biểu Xuyên, một nhân sĩ ưu thời mẫn thế có tiếng trong vùng Tuy Phước, An Nhơn. Cái hồ sen nở một màu trắng bát ngát và điểm xuyết những bông hoa súng đỏ, nối tiếp là cánh đồng làng thường chấp chới cánh cò bay và lững thững những bóng nông phu đi về. Tôi yêu cái hồ sen trước cổng tam quan chùa Viên Giác. Cái hồ sen hình vuông, rộng đến mười ngàn mét vuông, được bao quanh bởi một bờ hồ xây bằng vôi vữa và đá ong đã lắm rêu phong. Mùa sen nở, hoa sen sáng rực mặt hồ và hương sen thơm ngát một vùng. Mùa sen tàn, mặt hồ như tấm gương soi và đợi đến đêm rằm Vu Lan tháng bảy làm nơi cho nhà chùa mở hội phóng đăng...

Xưa nay văn chương viết về hoa cúc, hoa đào, hoa mai... thường là văn chương bác học, văn chương của người học thức; còn văn chương viết về hoa sen là văn chương của mọi giới, bác học có mà bình dân cũng có.

Người nông dân làm đồng, có giây phút nghỉ ngơi, thả hồn theo mây theo gió, hứng lòng cất lên tiếng hát trước vẻ đẹp của đồng quê: “Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”... (Ca dao). Xa quê lâu, người ta nhớ quê, nhớ cái đầm sen giếng nước của làng quê mình: “Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát / Giếng Đại Từ nước mát trong xanh” (Ca dao). Con trai con gái làng tỏ bày tình yêu đã mượn hình ảnh hoa sen rất đáng yêu: “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen...” (Ca dao).

Các nhà thơ, nhà văn xưa nay đã sáng tác nên biết bao nhiêu tác phẩm có liên quan đến đề tài hoa sen. Nhà thơ Bạch Cư Dị đời nhà Đường ở Trung Quốc đã khắc họa hình ảnh một thiếu nữ hái sen, cảnh xinh mà người cũng xinh đến “vô tư”: “Tiểu oa sanh tiểu đỉnh / Thâu thái bạch liên hồi / Bất giải tàng tung tích / Phù bình nhất đạo khai” (Trì thượng). Dịch thơ: “Người xinh bơi chiếc thúng xinh / Bông sen trắng nõn trắng tinh thó về / Hớ hênh dấu vết không che / Trên ao để một luồng chia mặt bèo” (Trên ao - Tản Đà dịch). Ai chẳng tình cờ nghe thấy một hương sen đâu đó quanh mình để mãi thương nhớ: “Hà hoa suy khởi bắc song hương” (Hạ cảnh - Trần Thánh Tông), (Mát dịu mùi sen thổi trước nhà - Ngô Tất Tố dịch). Ai chẳng gặp một hồ sen tàn, một cánh sen cô độc, lẻ loi còn sót lại để cho lòng mãi ngùi thương: “Cánh sen chiều / Nở bên ga xép / Một niềm quạnh hiu” (Shiki - thiền sư Nhật Bản). Nguyễn Du qua Truyện Kiều đã “thiên biến vạn hóa” hình tượng hoa sen trong thơ của mình. Tả hồn ma Đạm Tiên: “Sương in mặt tuyết pha thân / Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Tả bước chân Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng: “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường”. Kim Trọng - Thúy Kiều gặp gỡ, tâm tình sau 15 năm lưu lạc: “Những từ sen ngó đào tơ / Mười lăm năm mới bây giờ là đây”. Và còn nhiều nữa. Hạt sen lấy từ trong gương sen ra, bóc vỏ, “nấu ăn như cơm cũng ngon lắm” (Nguyễn Khải - Nghề văn cũng lắm công phu, trang 111). Sinh thời, mẹ tôi vẫn nấu chè hạt sen cúng nhân các ngày sóc vọng trong tháng. Anh em tôi được ăn chè hạt sen do mẹ nấu: ngọt, bùi, thơm, mát để nay còn nhớ nhung.

Trà ướp sen theo kiểu Sư ông chùa Viên Giác (đã viên tịch năm 1965) là thượng hảo hạng. Trà Thiết Quan Âm Đài Loan chia thành túm nhỏ gói giấy trắng mỏng. Chiều hôm trước, khi mặt trời vừa mới lặn và sương chiều bắt đầu buông xuống, sư bơi thuyền ra giữa hồ, đặt những túm trà vào giữa lòng những búp sen hàm tiếu, để cho trà ngấm cái hương sen phong nhụy ấy qua đêm. Sớùm ngày sau, sau buổi tụng kinh công phu sáng, ngài lại bơi thuyền đi thu lại những túm trà ấy và hứng luôn những giọt sương đêm đọng trên lá sen, lá súng đem về làm nước pha trà. Chờ khách đến, ngài đích thân quạt lò than đun nước, đích thân tráng bình, pha trà để tiếp khách. Trà sen rót ra chén màu nước vàng hơi ngả xanh, bốc hương thơm. Người uống trà cầm tách trà nóng lên, nghe thấy hết cái hương vị của trà, nhất là uống trong khung cảnh già lam thanh tịnh thì không thể tả cho hết cái niềm cảm khái dâng lên trong hồn mình.

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)
Những người đồng hành với mùa thi  (25/06/2006)