Thời sự festival
19:24', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Nghe chữ “festival” thì có vẻ “hợp thời” và quy mô hơn “liên hoan”, nhưng xét cho cùng, về mặt ngữ nghĩa, “liên hoan” hay “festival” đều tuy hai mà một cả. Vậy nên cũng chẳng lạ nếu hiện tại, người Bình Định đang xôn xao về hai cái festival và liên hoan sắp diễn ra trên địa bàn tỉnh. Cũng “quy mô”, cũng “hoành tráng”, cũng “đậm bản sắc” cả đấy, nhưng...

 

Lễ hội Đổ giàn An Thái là một biểu hiện sống động của tinh thần thượng võ của người Bình Định. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Quy mô quốc tế, nhưng...

Liên hoan quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006, nghe cái tên đã thấy “quy mô”. Lại nghe thông tin, rằng có tới 29 đoàn thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ có tập luyện võ cổ truyền Việt Nam với tổng cộng 295 người tham gia. Đoàn ít có 1 người như Pháp, Đức; còn đông thì Nga với 100 người; còn lại hầu hết là từ 2 đến 5 người. Ngoài ra, còn có thêm 29 đoàn đến từ Sở Thể dục - Thể thao, các trung tâm thể dục thể thao ở các tỉnh. Liên hoan này vậy là quy tụ đủ “hào kiệt võ lâm” các nước có phong trào tập luyện võ cổ truyền Việt Nam, nên ngoài mục đích giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, quê hương Bình Định; đây còn là cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm dạy và học võ, cùng như một đợt nhìn lại việc truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam trên thế giới. Với một tầm vóc và quy mô như thế, rõ ràng, đây sẽ là tâm điểm sự chú ý của giới truyền thông, của khách du lịch trong và ngoài nước, của những người quan tâm đến võ học.   

Tuy nhiên, từ tầm vóc ấy mà nhìn lại các hoạt động trong liên hoan thì chỉ thấy... thất vọng. Một lễ khai mạc và bế mạc đậm chất sân khấu biểu diễn, có lẽ cũng “từa tựa” như các lễ hội khác vẫn diễn ra trước đây như biểu diễn trống hội và trống trận, múa cờ, khác chăng là có thêm màn biểu diễn Hùng kê quyền và Roi thái sơn (cho ra chất võ). Suốt thời gian liên hoan (ngày 4 đến ngày 7-8), chỉ độc mỗi màn biểu diễn của các đoàn xen kẽ với đi tham quan. Trong khi đó, với một liên hoan võ thuật cổ truyền, bên cạnh việc biểu diễn võ như một hoạt động thể thao thì quan trọng nhất phải là sự thể hiện bằng các hoạt động cụ thể (tức vật chất hóa) cái gọi là “văn hóa võ”. Điều này thì hoàn toàn thiếu vắng trong liên hoan này. Rốt lại, hóa ra liên hoan tầm quốc tế nhưng cũng chỉ như những buổi biểu diễn võ thuật quy mô, có khác chăng, tham gia biểu diễn ngoài các võ sư trong nước là các võ sư quốc tế.    

Điểm đáng tiếc nhất, liên hoan là dịp để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về nét đẹp truyền thống, các danh lam thắng cảnh, tiềm năng của tỉnh nhưng đến thời điểm này (15-7), chỉ còn một thời gian ngắn nữa là khai mạc liên hoan mà hoạt động tuyên truyền vẫn là con số không. Việc tuyên truyền trong liên hoan (chi phí mất chừng 300 triệu) nhưng chủ yếu tập trung vào tuyên truyền trực quan (panô, khẩu hiệu, áp phích), tuyên truyền trên báo chí và xuất bản một cuốn kỷ yếu chủ yếu 44 trang bằng hai thứ tiếng Việt - Anh nhưng chỉ để in chân dung và sau liên hoan hẳn chỉ được dùng vào việc “xếp tủ”.

Một liên hoan mang tầm quốc tế, ít nhất đến thời điểm này, đã phải có thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan truyền thông. Còn việc hình thành website bằng hai thứ tiếng Việt, Anh và tuyên truyền trực quan đã phải làm từ vài tháng trước. Lại nữa, liên hoan là cơ hội tốt để giới thiệu những nét đặc trưng võ Bình Định - nơi được định danh là miền đất võ - trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhưng trong suốt thời gian liên hoan, hoàn toàn không có một hoạt động nào mang tính chất như vậy.    

* Khẩn trương nhưng không nóng vội

Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, tuy không mang tính quốc tế, nhưng có lẽ sẽ quy mô và hoành tráng hơn, thời gian cho công tác chuẩn bị cũng dài hơi hơn. Do vậy, trong các công tác chuẩn bị cho festival, bên cạnh các khâu tổ chức các chương trình, hoạt động, vấn đề chỉnh trang đô thị, nâng cấp các công trình phục vụ festival được đặt ra. Nhân đây cũng mở ngoặc, xin cảm ơn festival vì nhờ có chủ trương tổ chức festival mà nhiều công trình vốn là mong ước lâu nay của người yêu Bình Định, nay sắp thành hiện thực. Nhưng những phần việc như: điều chỉnh quy hoạch và xây dựng các hạng mục mới ở Bảo tàng Quang Trung, xây dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân, nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử, khuôn viên tháp Đôi, rồi chùa ông Nhiêu, đình Cẩm Thượng, sửa chữa nhỏ Nhà hát Tuồng Đào Tấn, thi sáng tác biểu trưng Bình Định... toàn những công trình mà mỗi cái nếu cứ “tuần tự nhi tiến” thì thời gian cũng phải tính bằng “năm” cả. Đó là chưa kể có công trình là di tích quốc gia, cần có ý kiến của Bộ Văn hóa - Thông tin. Nhìn vào số lượng các công trình này, ta không khỏi tự hỏi, liệu có quá cấp tập không khi mà thời gian tổ chức festival tuy nói là dài, nhưng thực ra cũng chỉ một năm nữa mà thôi?

 

Giỗ tổ võ cũng là một nét văn hóa võ đặc sắc. Trong ảnh: Biểu diễn Hùng kê quyền nhân ngày giỗ tổ võ. Ảnh: V.T

 

Khẩn trương thực hiện, nhất là trong công tác chỉnh trang đô thị, nhưng không thể vội vã khi “đụng” đến những công trình văn hóa. Chẳng hạn, với việc nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử, có ý kiến cho rằng, phải thể hiện được hình tượng trăng và bệnh phong ở đây. Trong khi, đáng lý ra, chúng ta phải trả lại vẻ đẹp ban đầu cho ngôi mộ bằng cách bóc hết lớp gạch men ốp xung quanh, quét lại lớp vôi trắng. Việc nâng cấp chỉ nên tập trung giải tỏa và làm đẹp cảnh quan chung quanh khu mộ, di chuyển ngay khu “lều thơ” đến một vị trí thích hợp hơn. Với tháp Đôi, điều cần yếu nhất là giải tỏa không gian xung quanh cho khuôn viên quanh tháp rộng hơn. Việc xây dựng các hạng mục phụ trợ phục vụ khách du lịch quanh tháp cần có quy hoạch chi tiết cẩn trọng. Mặt bằng tháp Đôi hiện nay không còn nằm trên một ngọn đồi cao, mà gần như phẳng, nên không gian xung quanh càng thoáng đãng thì càng làm tháp đẹp hơn và du khách có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp nhiều hơn...

Với từng công trình văn hóa, cần quy hoạch và thiết kế kiến trúc một cách bài bản, khoa học và mang “tầm văn hóa”. Bài học của festival Huế các năm trước về chất lượng các công trình xây dựng để kịp phục vụ festival cần được lưu ý.

  • Nam Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)
Những phóng viên "ba cùng" với bà con miền núi  (25/06/2006)
Sẵn sàng cho mùa thi 2006  (25/06/2006)